Để thực hiện Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021 - 2025, UBND xã Trung Trực đã tích cực phối hợp cùng MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội vận động bà con hiến đất, đóng góp ngày công lao động để mở đường. Từ năm 2021 đến nay, toàn xã đã bê tông hóa được 5,8 km đường ngõ xóm, 2,8 km đường nội đồng, đường vào khu sản xuất.
Những ngày này, bưởi, cam ở Trung Trực đang vào vụ thu hoạch. Trước đây thương lái đến thu mua đều phải chờ thời tiết thuận lợi, đường không lầy lội mới có thể vào vườn. Anh Trần Văn Hà, thôn 4 là người chuyên thu gom cam, bưởi từ vườn và giao về các chợ đầu mối, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Anh chia sẻ: “Những năm trước đường đi lại khó khăn, lúc thì phải thuê xe công nông chở hàng ra. Khi nào đường lầy lội quá thì phải chở bằng xe máy. Từ khi tuyến đường vào vùng sản xuất được hoàn thiện, anh có thể đưa xe tải vào tận nơi để thu mua hàng. Đường sá thuận lợi nên cũng đỡ vất vả hơn”.
Đường vào khu sản xuất thôn 4, xã Trung Trực (Yên Sơn) hoàn thiện tạo điều kiện để bà con thúc đẩy phát triển kinh tế.
Khu sản xuất thôn 4 rộng trên 100 ha với 20 hộ tham gia trồng, canh tác các loại cây ăn quả như bưởi, cam và phát triển kinh tế rừng. Trước đây, các hộ gia đình có đất sản xuất trong khu vực phải tự cải tạo đường đất sau mỗi vụ mùa. Những ngày trời mưa đường lầy lội đi lại khó khăn. Gia đình anh Trần Văn Cửu có gần 20 ha đất sản xuất trong khu vực này. Anh cho biết, từ khi có chủ trương bê tông hóa đường vào vùng sản xuất, anh đã tự nguyện hiến 150 m2 đất, tham gia đóng góp ngày công lao động. Giờ đây, đường vào khu canh tác đã thuận lợi hơn, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho gia đình anh.
Đồng chí Hoàng Kim Hiếu, Chủ tịch UBND xã Trung Trực nói, thực hiện Nghị quyết 55/NQ-HĐND, Đảng ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn, cán bộ phụ trách thôn, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương trong các cuộc họp thôn. Từ đó giúp người dân hiểu và thấy được lợi ích từ việc đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn để phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, quá trình bê tông hóa đường giao thông đã nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Thôn 2, xã Trung Trực hiện có 136 hộ với 560 nhân khẩu, trên 70% bà con là đồng bào dân tộc thiểu số. Anh Nguyễn Gia Huấn, Trưởng thôn cho biết, trước đây đường vào vùng sản xuất rất khó khăn do dốc cao, trời mưa lầy lội, trơn trượt. Hiểu được lợi ích, ý nghĩa của bê tông hoá đường vào vùng sản xuất, bà con trong thôn đã tham gia hiến đất, đóng góp ngày công làm đường. Trong đó có nhiều hộ tham gia hiến hàng trăm mét vuông đất như hộ gia đình ông Đào Phúc Hinh, Lý Xuân Trường, Nguyễn Phú Phúc… Trong suốt quá trình làm đường, mọi công việc đều được các thôn công khai minh bạch, đảm bảo “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng ”. Đến nay, thôn đã hoàn thành trên 1,2 km đường thôn và đường vào vùng sản xuất. Còn 500 m đường chưa được bê tông dự kiến sẽ hoàn thiện trong năm tới. Giao thông thuận lợi, bà con trồng rừng đỡ vất vả hơn vì xe tải có thể vào tận nơi chở gỗ ra ngoài, chi phí vận chuyển nhờ thế cũng giảm bớt đi. Đường được bê tông hóa, trẻ em đến trường cũng thuận lợi hơn.
Xác định hệ thống giao thông chính là đòn bẩy để phát triển kinh tế, Trung Trực đã nỗ lực triển khai Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn. Nhờ sự chung tay vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, sự đồng lòng của nhân dân đã giúp đường sá đi lại thuận tiện, giao thương hàng hóa thông suốt, đời sống của bà con nhân dân trên địa bàn ngày một nâng lên.
Gửi phản hồi
In bài viết