Kết nối sức dân
Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, cấp ủy, chính quyền xã Minh Khương công khai minh bạch mọi nguồn đóng góp, kinh phí thực hiện công trình và để Nhân dân bàn bạc, giám sát mọi khâu thi công. Nhờ đó, xã Minh Khương đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động sức dân thực hiện các chương trình sửa chữa, nâng cấp, xây dựng hoàn thành các tuyến đường giao thông nông thôn.
Năm 2023, thôn Thăm Bon đã làm trên 1,1 km đường giao thông, 900 m kênh mương, gần 100 m đường giao thông nội đồng. Bí thư Chi bộ Thăm Bon Tô Văn Tài chia sẻ: Chính tinh thần dân chủ, sự bàn bạc, đóng góp ý kiến của người dân đã biến các ý tưởng thành hiện thực, để mỗi công trình không chỉ là sự phát triển hạ tầng mà còn là biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết. Trong đó, tuyến đường bê tông dài 1,1 km nối Cầu Tràn - Thăm Bon là minh chứng sinh động nhất về sức mạnh đoàn kết, dân chủ ở cơ sở tại địa phương. Đây còn là biểu tượng cho sự kết hợp giữa “ý Đảng, lòng Dân”, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.
Lãnh đạo UBND xã Minh Khương thăm mô hình trồng chanh tứ quý trên đất đồi của gia đình anh Nguyễn Minh Hiếu, thôn Thăm Bon.
Con đường nội đồng rộng 3 m, tạo điều kiện cho hơn 20 hộ dân trong thôn Thăm Bon đi lại làm kinh tế. Bà Triệu Thị Xuân chỉ tay vào đám ruộng gần con đường nói: “Đám ruộng gần 700 m2 này giờ chỉ còn lại hơn nửa vì gia đình đã hiến để làm con đường này. Tính từ năm 2022 đến nay, gia đình đã hiến gần 1.000 m2 đất vườn, đất ruộng để làm các tuyến đường giao thông. Mất đất nhưng vẫn vui vì đi lại giờ quá thuận tiện, mưa to vẫn về được nhà”.
Con đường bê tông rộng đẹp mơ ước của người dân Minh Hà đã trở thành hiện thực, Trưởng thôn Minh Hà mới 30 tuổi Vương Minh Ngọc, giới thiệu: “Tuyến đường dài gần 1 km đang được người dân hiến đất để đổ bê tông 3,5 m. Cả tuyến có 16 hộ hiến khoảng 1.000 m2 đất vườn để mở rộng đường dọc theo tuyến. Tuyến đường đang được làm, dự kiến nửa tháng nữa sẽ hoàn thành”. Cạnh đường là những vườn chanh đang độ thu hoạch, bà Nông Thị Minh, người hiến trên 120 m2 đất làm đường vui vẻ nói: “Đất quý thật nhưng Nhà nước đầu tư cho đường thì mình phải góp đất chứ, chung sức làm mới mau có đường”.
Làm tốt công tác dân vận, Minh Khương đã kết nối được sức dân, phát huy được sức mạnh của Nhân dân huy động được gần 33 tỷ đồng, hiến trên 15.000 m2 xây dựng các công trình nông thôn mới.
Đồng thuận giao mặt bằng cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang
Công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đang được người dân của xã đồng thuận. Anh Đặng Văn Phẩm, thôn Cao Phạ bảo, “Gia đình có trên 10.000 m2 gồm nhà, vườn, ruộng nằm trong diện giải phóng mặt bằng đã nhận bồi thường. Gia đình đang chờ tái định cư để chuyển nhà, cơ bản ủng hộ công trình cao tốc qua địa bàn. Lúc đầu gia đình cũng nhiều băn khoăn, lo lắng vì đất đai ở lâu đời, lại rộng rãi thoải mái nên khi nghe tin phải di chuyển cũng thấy hoang mang và có chút luyến tiếc. Tuy nhiên khi được cán bộ huyện, đặc biệt cán bộ xã giải thích mọi chính sách, làm đền bù theo quy định, gia đình đã hiểu được tầm quan trọng của tuyến đường cao tốc và trách nhiệm của người dân trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Tôi mong cơ quan chức năng hỗ trợ làm sổ đất đai nhanh để người dân yên tâm”.
Cán bộ UBND xã Minh Khương thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với người dân trong diện thu hồi đất thôn Cao Phạ để vận động GPMB.
Anh Phẩm cũng cho biết thêm, gia đình anh đang tìm đất ở các thôn khác để làm kinh tế bởi đối với người nông dân thì đất đai vẫn quan trọng nhất.
Gần đó gia đình ông Trần Văn Lanh cũng đang thu dọn nhà cửa, cây cối để bàn giao mặt bằng phục vụ thi công cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Ông Lanh chia sẻ: “Tiếc nhà, đất đai của gia đình nhiều đời qua nhưng vì mục tiêu phát triển chung nên gia đình đã quyết định nhận đền bù nhường lại đất để làm cao tốc đúng tiến độ. Trên 13.000 m2 đất hiện nay đã bàn giao để đơn vị thi công tập kết máy móc làm đường. Gia đình đợi tái định cư để chuyển nốt nhà trong tháng này”.
Dẫn chúng tôi xem khu đất gia đình đã GPMB, ông Lanh bảo, “trước chỗ này gia đình trồng cam, thu cũng cả trăm triệu đồng/năm. Tiếc lắm! Nhưng cán bộ bảo, không giao mặt bằng cũng không khác gì cản trở việc phát triển của quê hương. Tôi nghĩ cũng đúng, nếu ai cũng giữ khư khư đất đai thì làm sao có đường, có cơ hội phát triển”.
Nghe ông Lanh, một người Dao sống nơi bản khó như Cao Phạ nói chuyện về GPMB như thế, chúng tôi cảm nhận được cán bộ huyện, xã đã làm công tác dân vận tỉ mỉ thế nào.
Đường bê tông nội đồng thôn Thăm Bon được hoàn thành nhờ người dân đồng thuận hiến đất.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Minh Khương Nguyễn Văn Đạt nhận định: “Công tác GPMB là công tác rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ cũng như các giải pháp ổn định dân cư nên xã rất coi trọng. Trước tiên, để làm tốt công tác GPMB, cấp ủy, chính quyền xã đã xác định phải làm thật tốt công tác dân vận, tăng cường thông tin, tuyên truyền các chính sách của Nhà nước, phương án đền bù, giá bồi thường đến từng thôn, từng hộ dân nằm trong diện GPMB để tạo sự đồng thuận. Song song với công tác tuyên truyền, thì cấp ủy, chính quyền xã công khai, minh bạch quá trình thu hồi đất cũng như các phạm vi liên quan đến công tác GPMB để người dân được biết. Khi công trình bắt đầu triển khai thì đạt được sự đồng thuận từ Nhân dân”.
Xã Minh Khương có 4,7 km đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đi qua, 133 hộ gia đình, 1 tổ chức có đất trong diện thu hồi, 28 hộ thực tái định cư. Đến nay, đã có 124 hộ nhận bồi thường, 5 hộ thực hiện tái định cư tại chỗ, còn lại đang chờ khu tái định cư hoàn thiện để di chuyển. Xã còn 9 hộ gia đình chưa nhận bồi thường do vướng nguồn gốc đất, đang được các cơ quan tập trung tháo gỡ.
Quyết liệt trong chỉ đạo, khéo léo, linh hoạt trong vận động, cách làm cùng tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên là những kinh nghiệm quý báu trong công tác GPMB của xã Minh Khương thời gian qua. Qua đó góp phần gỡ những nút thắt trong triển khai các dự án đầu tư xây dựng, kết cấu hạ tầng mà còn tạo sức lan tỏa, góp phần hoàn thành nhiều nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết