Nữ giáo viên giàu nghị lực

- “Lúc đầu cũng thấy buồn vì mắc phải căn bệnh quái ác. Nhưng rồi sau nhiều lần đi bệnh viện Trung ương điều trị, mình lại thấy nó bình thường, như hàng tháng đi du lịch vậy, chỉ mong được nhanh chóng trở về với các em học sinh!” – Cô giáo Trần Thị Yên, Trường THPT Hàm Yên tâm sự đầy lạc quan.

Cô giáo Yên sinh năm 1977, là giáo viên dạy môn Giáo dục công dân. Cách đây khoảng 10 năm, cô phát hiện mình bị mắc bệnh xơ gan dẫn đến giảm tiểu cầu, suy tuyến thượng thận, gây đau đớn cơ thể. Mỗi khi tiểu cầu giảm thường mệt mỏi cơ thể, đau xương, không làm được việc nặng. Vậy là hàng tháng cô phải về Bệnh viện Huyết học Trung ương để điều trị, mỗi đợt gần 1 tuần. Ròng rã từng ấy năm trời tiêm truyền, tác dụng phụ của thuốc khiến cô thêm bệnh loãng xương, mờ mắt, đau dạ dày...

Cô giáo Trần Thị Yên trong một đợt điều trị tại bệnh viện.

Không đầu hàng số phận, mỗi lần từ bệnh viện về, cô lại mau chóng đến trường, lên lớp với học sinh. Cô Yên tâm sự: “Mình rất cảm động vì những ngày phải đi điều trị, lãnh đạo nhà trường luôn tạo điều kiện, các giáo viên cùng tổ bộ môn không nề hà thay nhau hỗ trợ lên lớp hộ. Học sinh thì tình cảm, luôn hỏi thăm sau mỗi lần điều trị về. Còn ở nhà, chồng mình làm nghề tự do nhưng luôn quan tâm hỗ trợ những việc nặng nhọc, nên mình cảm thấy rất có động lực để làm việc”.

Cô giáo Phạm Thị Gấm, giáo viên cùng trường chia sẻ: “Điều khâm phục ở chị Yên là chưa bao giờ thấy chị ngại khó, ngại khổ hay kêu ca về bất cứ vấn đề gì trong 20 năm công tác. Tôi luôn ngưỡng mộ chị về ý chí vượt qua mọi khó khăn, mọi hoàn cảnh. Không ai nghĩ rằng đằng sau những nụ cười rạng rỡ của chị là một cơ thể với nhiều bệnh tật”.

Cô giáo Trần Thị Yên chuẩn bị bài giảng ở nhà.

Cô Yên bảo, dù môn Giáo dục công dân từ trước đến nay vẫn được coi là môn “phụ”, không nằm trong hệ thống môn thi đại học, không được dùi mài cho học sinh, nhưng cô không cảm thấy buồn. Cô vẫn tìm nguồn vui trong từng tiết dạy và đưa vào bài giảng những câu chuyện pháp luật, những tình huống thật, hấp dẫn để tạo hứng thú cho học sinh. Bên cạnh đó, cô còn thường xuyên cập nhật kiến thức mới, hướng dẫn học sinh những kỹ năng trong cuộc sống, giúp hoàn thiện nhân cách cho học sinh.

Cô giáo Trần Thị Yên trong một giờ lên lớp.

Em Nông Khánh Linh, lớp 12C2 cho biết, mặc dù bị bệnh nhưng cô Yên luôn tận tụy và hết mình, bài giảng của cô dễ hiểu. Đặc biệt, cô rất tình cảm với học sinh, sau giờ học cô thường gọi học sinh là “con”, vì thế mà học sinh rất hay gần gũi và thường xuyên động viên cô, lấy tấm gương của cô để làm cảm hứng để vươn lên.

Thầy Nguyễn Văn Hanh, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, học sinh học môn cô Yên luôn có ý thức tự giác trong rèn luyện và học tập, đó cũng một phần do cô Yên luôn có trách nhiệm với công việc, với học sinh. Không vì rào cản bệnh tật mà cô buông bỏ công việc. Chính vì vậy mà trường luôn hết sức tạo điều kiện để cô tiếp tục nỗ lực cống hiến, truyền cảm hứng cho học sinh.

Cô giáo Trần Thị Yên với học sinh trong giờ giải lao.

Hàng tháng, cô Yên vẫn tự mình đi xuống bệnh viện để điều trị mà không cần ai đi cùng chăm sóc. Mỗi đợt điều trị bệnh của cô Yên thường tiêu tốn từ 2 đến 3 triệu đồng, cộng thêm mua thuốc ngoài cũng 5 đến 6 triệu đồng. Dù vất vả, dù khó khăn, dù phải trang trải nhiều tiền để điều trị bệnh, nhưng cô Yên bảo vẫn đặt niềm tin vào y học. Cô tin một ngày nào đó bệnh của mình sẽ được chữa khỏi để hàng tháng không phải xa mái trường, xa đồng nghiệp và những học sinh thân yêu.

Sự lạc quan, nghị lực và ý chí không đầu hàng số phận của nữ giáo viên Trần Thị Yên, đặc biệt là niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống luôn là nguồn cảm hứng cho đồng nghiệp, là điểm tựa tinh thần cho học sinh vươn lên.

Bài, ảnh: Việt Hòa

Tin cùng chuyên mục