Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang. Ảnh: Việt Hòa
Dự họp tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang có các đồng chí: Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; Hoàng Việt Phương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; các thành viên Ban chỉ đạo chuyển đổi số; lãnh đạo một số sở, ngành, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2023 được xác định là năm dữ liệu số quốc gia, trong năm cơ quan Nhà nước đã đưa vào vận hành, khai thác 7 cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia. Tỷ lệ các bộ, tỉnh đã xác định danh mục cơ sở dữ liệu đạt 64%. Số CSDL chuyên ngành tại các bộ, ngành, địa phương được thiết lập tăng 38,5% so với năm 2022, từ 1.280 CSDL lên 2.087 CSDL.
Tốc độ mạng của Việt Nam năm 2023 tăng từ 15-30% so với năm 2022. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực cũng đạt được kết quả ấn tượng, trong đó du lịch trực tuyến tăng 82%, thanh toán số tăng 19%, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán số tại khu vực Đông Nam Á.
Cũng trong năm 2023, Việt Nam có hơn 1,5 nghìn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng hơn 7% so với năm 2022. Tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài ước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2022. Đặc biệt năm 2022 và 2023, Việt Nam liên tiếp nằm trong nhóm 10 nước dẫn đầu về số lượng lượt tải mới ứng dụng trên thiết bị di động.
Số lượng người dùng trên các nền tảng số Việt Nam năm 2023 tăng trưởng 46% so với năm 2022. 3 ứng dụng của cơ quan Nhà nước thu hút được số lượng người dùng lớn ở Việt Nam là VNeID của Bộ Công an, VssID của Bảo hiểm Xã hội và Thanh niên Việt Nam của Trung ương Đoàn, với tổng người dùng của cả 3 ứng dụng vào khoảng 65 triệu người.
Đại biểu các sở, ngành dự hội nghị. Ảnh: Việt Hòa
Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đặt ra 62 mục tiêu, trong đó: 18 mục tiêu đã hoàn thành, 27 mục tiêu có khả năng hoàn thành cao và 17 mục tiêu cần phải nỗ lực tập trung mới có thể hoàn thành đúng hạn. Kế hoạch năm 2023 đặt ra 126 nhiệm vụ, 102 nhiệm vụ đã hoàn thành, đạt tỷ lệ 81%.
Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, các nền tảng số Việt Nam phục vụ nhu cầu thiết yếu như: giáo dục và học tập, chăm sóc sức khỏe chưa được thúc đẩy mạnh, hiện chưa có nền tảng số “Make in Vietnam” thống lĩnh thị trường.
Mặc dù hạ tầng số đã được triển khai rộng khắp, công nghệ cơ bản được lan tỏa phổ biến nhưng việc áp dụng một số công nghệ tiên tiến như điện toán đám mây (cloud), rô-bốt, phân tích dữ liệu lớn của Việt Nam còn tương đối non trẻ. Theo báo cáo Coursera 2023, Việt Nam xếp hạng 55/100 về chỉ số kỹ năng số toàn cầu. Điều này cho thấy, lực lượng lao động Việt Nam còn thiếu hụt về các kỹ năng số cần thiết để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong thời đại công nghệ số...
Tại tỉnh Tuyên Quang, công tác tuyên truyền về chuyển đổi số được các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Trang ZaloOA “Chính quyền số tỉnh Tuyên Quang” hiện có 4.350 lượt người quan tâm theo dõi. 100% cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đều có mạng LAN; 100% cán bộ, công chức có máy tính kết nối Internet phục vụ công tác.
Tỉnh đã triển khai các hoạt động nâng cao năng lực phát triển và quản trị dữ liệu thuộc phạm vi quản lý của địa phương. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn được tiếp cận dùng thử các nền tảng số, trên 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa thường xuyên sử dụng các nền tảng số phục vụ công tác sản xuất, quản lý doanh nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao những nỗ lực của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số trong các nhiệm vụ công tác đã thực hiện năm 2023. Đồng chí lưu ý thời gian tới, cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tạo đột phát với quan điểm toàn diện không để ai bị bỏ lại phía sau trong chuyển đổi số. Huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế số, hạ tầng số.
Ủy ban Quốc gia về CĐS cần xây dựng môi trường pháp lý tương thích với sự phát triển; nâng cao chất lượng xử lý dịch vụ công trực tuyến, dữ liệu số hóa, quan tâm phát triển hạ tầng số; chủ động nâng cao hệ thống an toàn thông tin; đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, minh bạch các quy trình để đảm bảo sự công bằng, khách quan.
Gửi phản hồi
In bài viết