Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nông Thị Bích Huệ chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang.
Dự tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang có đồng chí Nông Thị Bích Huệ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội, HĐND tỉnh. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới 63 tỉnh thành trong cả nước.
Khi triển khai Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn trong cả nước đã nhận được sự đồng tình, nhất trí cao của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể cũng như đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong giai đoạn 2009-2023, Đề án đã cung cấp gần 600 đầu sách với tổng số hơn 14 triệu bản in về cơ sở.
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã số hóa trên 500 đầu sách của Đề án; ra mắt bạn đọc mô hình “Thư viện điện tử sách xã, phường, thị trấn" từ năm 2020, phục vụ trên 700 nghìn lượt truy cập…
Sách của Đề án là những tài liệu bổ ích cần thiết, góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu tự nghiên cứu, tham khảo học tập của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở xã, phường, thị trấn. Thông qua đó nâng cao nhận thức, củng cố kiến thức ứng dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vận dụng trong công việc, đời sống hàng ngày.
Sách thuộc Đề án bám sát yêu cầu của cơ sở, nội dung phong phú thiết thực, hình thức trình bày đẹp. Đây là nguồn thông tin chính thống tin cậy, bảo đảm tính khách quan, khoa học, cập nhật những thông tin mới về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tại Hội nghị các đại biểu đã có nhiều tham luận đề cập đến những khó khăn, tồn tại, hạn chế như: số lượng bộ sách của Đề án gửi cho xã, phường, thị trấn còn ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu; một số xã, phường chưa có phòng đọc riêng; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý, khai thác sử dụng sách… Đồng thời đưa ra những giải pháp, cách làm phù hợp với mỗi địa phương để thực hiện hiệu quả Đề án.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận và đánh cao những kết quả đã đạt được của Đề án. Đây là đề án có ý nghĩa hết sức quan trọng để hướng về cơ sở. Qua 15 năm triển khai đề án thực sự đã phát huy được hiệu quả, từng bước nâng cao kiến thức, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình trang bị sách cho cơ sở, các cấp, các ngành, địa phương cần nâng cao hơn nữa vai trò của cán bộ, đảng viên về văn hóa đọc. Đồng thời, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền mạnh mẽ và phát huy vai trò nêu gương trong thực hiện Đề án.
Bên cạnh đó, cần phải nắm bắt và định hướng nhu cầu hưởng thụ, mong muốn của nhân dân để lựa chọn nội dung, hình thức phong phú, cách truyền tải phù hợp, hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động xã hội hóa, quan tâm đẩy mạnh việc đọc sách trên không gian mạng…
Gửi phản hồi
In bài viết