Các hệ thống công nghệ đã giúp rút ngắn 70% thời gian người dân thực hiện các thủ tục hành chính tư pháp. Ảnh: Viettel
Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel) đã đồng hành, tư vấn, cung cấp và triển khai các giải pháp công nghệ số cho Tòa án nhân dân Tối cao từ năm 2021.
Trong 3 năm triển khai ứng dụng các hệ thống công nghệ vào hoạt động, ước tính tòa án đã tiết kiệm được 20% chi phí hoạt động và chi phí xã hội; tăng 30% năng suất lao động của thẩm phán, công chức tòa án; rút ngắn 70% thời gian người dân thực hiện các thủ tục hành chính tư pháp tại tòa án.
Trong đó, Trung tâm Giám sát và điều hành hoạt động tòa án nhân dân đóng vai trò là bộ não số của tòa án. Nền tảng này tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có trong toàn bộ ngành tòa án với các phần mềm điều khiển trung tâm, bảo đảm vận hành thông suốt, công khai, minh bạch, dễ dàng theo dõi, giám sát và đánh giá hoạt động của gần 800 tòa án nhân dân trên toàn quốc.
Ngoài ra, Trung tâm dữ liệu Tòa án nhân dân được đầu tư, trang bị các thiết bị số hiện đại đạt chuẩn Tier 2+. Hệ thống này được thiết kế theo hướng mở cho phép nâng cấp theo từng giai đoạn nhằm bảo đảm cho công tác quy hoạch, mở rộng theo lộ trình chuyển đổi số, xây dựng tòa án điện tử.
Đặc biệt, phần mềm trợ lý ảo đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng xét xử của tòa án.
“Trợ lý ảo” đang đóng vai trò như một thư ký riêng, được lập trình am hiểu pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ của tòa án, làm việc 24/7 và luôn bên cạnh thẩm phán, giao tiếp với thẩm phán bằng ngôn ngữ tự nhiên thông qua điện thoại di động, máy tính cá nhân.
Trước đây, các thẩm phán phải mất rất nhiều thời gian để mã hóa các bản án thủ công. Nhưng giờ chỉ sau 1 cú “click” chuột là đã có thể mã hóa một cách chính xác.
Tính từ năm 2022 đến nay, trợ lý ảo đã hỗ trợ gần 5,8 triệu lượt hỏi đáp, trung bình từ 10.000-15.000 lượt/ngày; mã hóa gần 500 bản án mỗi ngày…
Gửi phản hồi
In bài viết