Ngọn lửa nhiệt thành
Trường Tiểu học Hùng Lợi 2 cách trung tâm xã 7 km, nơi có gần 300 em học sinh ở độ tuổi từ 6 đến 10 tuổi đang theo học. Trường có 13 lớp, trong đó điểm trường chính chỉ có 5 lớp còn lại là ở các phân hiệu thôn bản nhiều khó khăn.
Thầy Nguyễn Quang Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có trên 80% học sinh là dân tộc Mông. Với đặc thù đó, yếu tố cốt lõi, nhiệm vụ hàng đầu là truyền dạy tiếng phổ thông cho học sinh. Chỉ khi nào học sinh thành thạo tiếng phổ thông khi đó mới nâng cao được chất lượng dạy chữ. Các thầy cô đều có chung một trăn trở, nỗ lực là làm sao để học trò làm quen được với tiếng phổ thông nhiều nhất có thể.
Cùng với các bài học chính khóa, nhà trường luôn chú trọng tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, hoạt động dưới cờ đầu tuần, tổ chức các trò chơi, các hoạt động trải nghiệm... giúp các em tích cực tương tác, dùng tiếng phổ thông nhiều hơn. Trường duy trì đều đặn tỷ lệ học sinh đúng độ tuổi đến trường, không để xảy ra tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng.
Để làm tốt điều đó, mỗi thầy cô ở trường phải là ngọn lửa nhiệt thành. Trong những ngọn lửa đó, có “ngọn lửa thầy Hòa” tỏa sáng cho lớp lớp thế hệ học sinh. Thầy Đỗ Trọng Hòa, người được học trò yêu mến, phụ huynh tin tưởng bởi thầy luôn sâu sát, nắm bắt hoàn cảnh thực tế của từng học trò để có các biện pháp giúp đỡ kịp thời, phù hợp.
Các em nhỏ trao quà cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn.
Thầy Hòa chia sẻ: Mỗi khi nhận lớp, thầy thường ghé thăm nhà học sinh còn nhiều khó khăn để tìm hiểu hoàn cảnh. Lớp thầy chủ nhiệm có nhiều học sinh nghèo, bố mẹ đông con, đều đi làm xa, các em ở nhà với ông bà già yếu đó là một thiệt thòi không thể đong đếm. Học trò nghèo thường hay tự ti, vậy nên trên lớp, thầy luôn nỗ lực xóa bỏ mọi rào cản, chỉ đạo cán bộ lớp phải quan tâm, gần gũi các bạn, giúp các bạn vơi bớt những ngại ngần, mặc cảm. Nhờ đó bọn trẻ đã mạnh dạn, tự tin hơn giữa vòng tay bè bạn.
Phong trào “Kết nối vòng tay bè bạn” do Liên đội trường phát động cũng được các thầy cô giáo và học sinh nhiệt tình hưởng ứng. Đám trẻ bảo nhau đóng góp những khoản tiền nhỏ ủng hộ bạn nghèo mua sách bút, rồi gói ghém cẩn thận tặng dưới cờ đầu tuần, vậy nên tình bạn giữa các con thêm gắn bó. Cô giáo Triệu Thị Tuyền, Tổng Phụ trách Đội của trường chia sẻ.
Cô giáo Mã Thị Xây, người có gần 30 năm gắn bó với mái trường này cho biết, đường đến trường bây giờ không còn khó như xưa nữa nhưng cái nghèo ở Hùng Lợi thì vẫn còn nan giải. Nghèo chủ yếu là do đông con nên các em chưa được quan tâm đúng mức, sách vở đồ dùng học tập thiếu trước, hụt sau… Thương trò, các thầy cô lại ứng tiền ra mua đồ dùng học tập cho các con đến lớp. Cuối năm, phụ huynh nào thu xếp được tiền gửi lại thầy cô thì tốt, không có thì cũng thôi, miễn các con được đến trường đầy đủ, đi học đều là thầy cô mừng lắm rồi.
Buổi sinh hoạt ngoại khóa tìm hiểu an toàn giao thông đường bộ của học sinh trường Tiểu học Hùng Lợi 2 (Yên Sơn).
Cô giáo trẻ người Mông truyền cảm hứng
Ở Hùng Lợi, rất nhiều phụ huynh đều lấy tấm gương cô giáo Ngô Thị Kia, sinh năm 1999, người Mông trẻ nhất của trường Tiểu học Hùng Lợi 2 để khích lệ con em mình theo đuổi việc học chữ. Hành trình chinh phục ước mơ vươn tới giảng đường đại học của cô là cả một câu chuyện đẹp về nỗ lực vượt khó, vươn lên.
Cô giáo Kia là con gái thứ 4 trong gia đình có 5 người con tại thôn Toạt, xã Hùng Lợi. Ông Ngô Ninh, bố của cô nhận thấy đời mình đã quá lam lũ, vất vả. Mong muốn cháy bỏng của ông là con gái phải có tương lai, có cuộc sống tốt đẹp hơn mình. Bao cô gái mười tám, đôi mươi ở Hùng Lợi này đã lần lượt lấy chồng, sinh con… nhưng ông Ninh kiên tâm định hướng cho con gái phải theo đuổi việc học hành đến nơi, đến chốn.
Ông dồn tất cả những gì có thể để nuôi con ăn học nên người. Mỗi lần về thăm nhà, thấy bố mẹ ăn cơm rau, Kia thấy mình thật có lỗi, muốn bỏ học để bố mẹ vơi đi vất vả vì mình. Hiểu điều đó ở con, ông Ninh nhỏ nhẹ nhưng giọng rất cương quyết “phải đi học, mày phải đi học thì mới hết khổ như bố, như mẹ mày thế này...”. Kia lại gói ghém đồ đạc về trường học tiếp. Kia tốt nghiệp chuyên ngành Giáo dục Tiểu học, trường Đại học Tân Trào và trở thành cô giáo từ bao khó khăn, nhọc nhằn.
Buổi ngoại khoá giúp tăng cường khả năng giao tiếp cho học sinh.
Được trở về dạy học ở chính mái trường tuổi thơ của mình, cô Kia vui lắm, cô bảo, mình là người Mông, mình hiểu việc nghe, nói, đọc, viết tiếng phổ thông của các em học sinh người Mông khó khăn thế nào. Với các em, mình luôn tìm cách nói, cách giải thích sao cho các em dễ hiểu, dễ thực hiện nhất. Với mỗi bài học, mình luôn cân đối giữa vốn từ tiếng phổ thông thực tế của từng em với nội dung bài học để điều chỉnh cho phù hợp với năng lực của từng em, cùng với đó, để các em chăm dùng tiếng phổ thông hơn, cô đã tạo ra những tình huống giao tiếp cụ thể, gần gũi với cuộc sống hàng ngày của các em, các em có thể hiểu, thực hành dễ dàng hơn, học được nhiều cái chữ hơn, sau này có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Hiện nay, cơ sở vật chất của trường Tiểu học Hùng Lợi 2 còn nhiều khó khăn, còn thiếu các phòng học chức năng, chưa đủ giáo viên đứng lớp, nhất là môn Tin học… Vậy nên, để con chữ đến với học sinh Hùng Lợi nhiều hơn rất cần sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ bài bản hơn nữa xây dựng trường lớp, đào tạo, bổ sung đủ đội ngũ giáo viên cho trường.
Gửi phản hồi
In bài viết