Cái tâm với cộng đồng
Trưởng thành từ Bí thư Chi đoàn thôn Sông Lô 9 rồi đến cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã An Tường (nay là phường An Tường), năm 2010 chị được phân công kiêm nhiệm chức Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, đến năm 2013, chị Phương được bầu làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã. Từ đó đến nay, chị thường xuyên bám sát cơ sở, phối hợp chặt chẽ với Ban Công tác Mặt trận các tổ dân phố để nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người dân. Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào thi đua, đặc biệt là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng Quỹ Vì người nghèo…
Chị Nguyễn Thị Hoài Phương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường An Tường.
Chị Phương tâm sự, thời gian đầu nhận nhiệm vụ chị khá lo lắng bởi tuổi còn trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều. Do đó, chị không ngừng rèn luyện bản thân, học hỏi kiến thức, trau dồi kỹ năng giao tiếp để tuyên truyền, vận động nhân dân một cách thuyết phục. Chị quan niệm, làm công tác Mặt trận thì phải gần dân, bám dân, lắng nghe và thấu hiểu. Đó là trọng trách lớn lao. Là cán bộ trẻ, chị luôn giữ thái độ khiêm tốn, “kính lão đắc thọ”, song khi cần thiết cũng phải cứng rắn, kiên trì thuyết phục.
Với tác phong gần gũi, cởi mở và cách làm việc khoa học, từ sự tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cách làm ăn, hỗ trợ làm nhà, chị đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo. Từ năm 2013 đến nay, chị chủ động cùng tập thể kêu gọi sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các cá nhân xây dựng 1 ngôi nhà đại đoàn kết trị giá trên 60 triệu đồng; hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở cho 55 hộ nghèo, cận nghèo trị giá gần 400 triệu đồng; tặng quà Tết, hỗ trợ vật tư, cây, con giống và phát triển sản xuất kinh doanh cho hàng trăm lượt hộ nghèo, cận nghèo. Nhờ đó, từ 30 hộ nghèo năm 2013, đến hết năm 2022 phường chỉ còn 5 hộ nghèo.
Là một trong những gia đình được chị Phương và chính quyền địa phương giúp đỡ vươn lên, anh Hà Xuân Hiệu, tổ 18 chia sẻ, gia đình thuộc hộ nghèo nhiều năm, bản thân anh đau ốm thường xuyên, được hưởng trợ cấp xã hội. Kinh tế gia đình chỉ trông vào 2 sào ruộng, lại không biết làm kinh tế nên có thời gian vợ chồng anh định cho con nghỉ học vì quá khó khăn. Từ năm 2018, gia đình anh được chị Phương vận động các nguồn lực xã hội hỗ trợ kinh phí để sửa nhà; được hỗ trợ giống lúa, phân bón, 20 con gà giống và thức ăn chăn nuôi. Anh cũng được tập huấn kỹ thuật trồng cấy, chăm sóc gia cầm nên có thêm kiến thức và dần biết cách làm ăn. Nhờ chăm chỉ, biết cách chăn nuôi lại được sự động viên từ chị Phương và các đoàn thể, kinh tế gia đình anh ngày một khá. Trung bình mỗi năm gia đình anh thu lãi khoảng 60 triệu đồng, năm 2020 gia đình anh đã thoát nghèo, con cái giờ đây được học hành đầy đủ.
Miệng nói, tay làm
Chị Phương luôn tâm niệm, cán bộ Mặt trận muốn nói cho dân nghe trước hết phải gương mẫu, phải hy sinh lợi ích của mình để giúp bà con vươn lên trong cuộc sống. Trước đây, trên địa bàn phường nhiều khu vực, người dân chưa có ý thức thu gom rác thải, chưa biết cách phân loại rác thải nhựa. Trước thực trạng đó, chị đã cùng cán bộ tổ dân phố và các ngành chức năng trực tiếp tuyên truyền, phổ biến cho bà con về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh khu phố, bảo vệ môi trường.
Chị Nguyễn Thị Hoài Phương (thứ hai từ trái sang), Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường An Tường hướng dẫn người dân tổ 7 phân loại rác thải sinh hoạt.
Nói đi đôi với làm, bản thân chị và gia đình gương mẫu thực hiện từ việc giữ vệ sinh sạch nhà, sạch ngõ, trồng hoa trước cửa nhà tạo cảnh quan sạch đẹp. Năm 2020, chị triển khai 6 mô hình điểm khu dân cư tự quản về phân loại rác thải tại nguồn ở 6 tổ dân phố. Thực hiện mô hình, chị phân công các thành viên phụ trách riêng từng con đường, tuyến phố trong khu, cùng nhân dân ra quân dọn dẹp vệ sinh hàng tuần các tuyến đường. Năm 2021, chị vận động được gần 55 triệu đồng từ các đơn vị, cá nhân để thực hiện phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”; phát trên 3.000 tờ rơi tuyên truyền, tài liệu hướng dẫn về phân loại rác thải và chống rác thải nhựa; 150 túi vải thân thiện với môi trường; tuyên truyền vận động 37 hộ gia đình có quỹ đất vườn tự đầu tư xây dựng bể ủ rác thải hữu cơ có 2 ngăn với kinh phí 2 triệu đồng/bể; tặng mỗi tổ dân phố 2 cặp xô đựng rác thải vô cơ, hữu cơ và 5 chai đựng nước bằng thủy tinh trị giá trên 7 triệu đồng.
Từ năm 2020 đến nay, chị Phương đã phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân tổ 12 đóng góp 80 triệu đồng sửa chữa, nâng cấp, đổ nhựa 400 m2 sân nhà văn hóa; vận động nhân dân đóng góp xây mới trên 100 m² cổng và khuôn viên tường rào nhà văn hóa tổ 6 trị giá trên 100 triệu đồng và trên 1,2 tỷ đồng xây mới 3 nhà văn hóa tổ dân phố trên địa bàn phường… Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, 100% tổ dân phố đạt danh hiệu Văn hóa, 98,7% số hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa. Trên địa bàn phường hiện có 35 bể xử lý rác hữu cơ, duy trì hoạt động 19 mô hình tự quản với 85 nhóm và 247 thành viên trách nhiệm, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân phân loại rác thải tại nguồn thực hiện có hiệu quả phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”. Bà Lý Thị Hoàn, tổ 7 nói, mắt thấy, tai nghe cán bộ phường tuyên truyền, hướng dẫn nên bà và mọi người đã nhận thấy lợi ích từ việc phân loại rác thải. Bà cũng đã thay đổi thói quen sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần trong sinh hoạt hàng ngày. Gia đình bà thực hiện nghiêm việc thu gom, phân loại rác thải đúng quy định, thứ 6 hàng tuần bà cùng các thành viên tổ tự quản lại dọn vệ sinh môi trường tại các tuyến đường, ngõ xóm, nơi công cộng trong khu.
Đồng chí Nguyễn Hồng Chiến, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường An Tường nhận xét, chị Nguyễn Thị Hoài Phương là người thường xuyên đổi mới hoạt động phù hợp với tình hình thực tế; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân; triển khai các phong trào của địa phương đạt hiệu quả. Chị đã được các cấp, các ngành, đặc biệt năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về những đóng góp của mình.
Gửi phản hồi
In bài viết