Những ngày tháng cơ cực
Bà Quyền Thị Dưỡng tổ Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) |
Thời trẻ, bà Dưỡng là công nhân Lâm trường Hàm Yên, còn chồng bà, ông Quý làm công việc vận chuyển lâm sản thuê cho lâm trường trên sông Lô. Vợ chồng bà Dưỡng sống bình yên với 3 người con và một mẹ già. Thế nhưng ai ngờ, năm 1969, tai họa ập đến gia đình bà Dưỡng, ông Quý mắc bệnh phong - căn bệnh mà khiến ai cũng phải sợ hãi và xa lánh. Ở thời điểm những năm 60, 70 thế kỷ trước, bệnh phong thực sự là nỗi khiếp đảm không chỉ cho người bệnh mà còn cho cả những người thân trong gia đình. Người dân trong làng sợ hãi đến mức không còn dám đi làm đồng ngang qua nhà bà Dưỡng mà phải chấp nhận lội tắt qua con rạch. Những đứa con của bà Dưỡng cả tuổi thơ là những ký ức bị xa lánh... Đến năm 1974, bệnh tình của ông Quý phát nặng, ông được gia đình đưa vào Trại phong Phú Bình (Thái Nguyên) chữa trị và ở hẳn đó. Bà Dưỡng một mình nuôi 3 đứa con nhỏ và một mẹ già. Hàng ngày, ngoài giờ làm ở lâm trường, bà vào rừng lấy nứa về làm dạt phá bán lấy tiền đong gạo.
Cuộc sống vốn đã cơ cực nhưng tai họa lại ập đến, vài năm sau, người con nhỏ của bà Dưỡng bị sài giật qua đời. Gia đình giấu chuyện, phải mãi 3 năm sau ở trại phong ông Quý mới biết đứa con út của mình đã chết. Thương vợ, xót con ông Quý bỏ trại phong về nhà những mong đỡ đần chút việc cho vợ. Ông Quý sợ vợ con bị lây bệnh nên tự chọn cho mình một góc nhà, ăn riêng, ngủ riêng. Ở nhà chỉ được một thời gian ngắn, ông Quý lại phát bệnh nặng, chân tay co quắp không còn giúp được gì cho gia đình, ông lại được đưa đi trại phong Yên Phong (Bắc Ninh) rồi ở hẳn đó đến năm 2001 thì qua đời.
Dù nghèo nhưng giàu ý chí
Mặc dù khó khăn nhưng chưa lúc nào bà Dưỡng nản lòng. Bà Dưỡng vẫn cứ lầm lũi làm lụng nuôi các con ăn học, chăm sóc mẹ già thọ đến 97 tuổi. Điều khổ tâm nhất đối với bà Dưỡng là những người con của bà phải chịu sự thiệt thòi, ghẻ lạnh. Nhưng rồi xã hội đổi thay, khoa học phát triển, người ta không còn quan niệm nặng nề về bệnh phong nên những người con của bà đã bớt đi phần nào mặc cảm để đi học rồi làm công nhân lâm trường. Bà dựng vợ, gả chồng cho các con và đó cũng là điều khiến bà hạnh phúc nhất.
Bà Quyền Thị Dưỡng (ngồi ngoài, bên trái) cùng lãnh đạo tổ dân phố Đồng Bàng,
thị trấn Tân Yên trao đổi về việc làm đơn xin thoát nghèo
Chị Vũ Thị Ban, con gái bà Dưỡng tâm sự: "Sống trong khổ cực như vậy nhưng lúc nào mẹ tôi cũng tâm niệm một điều để có được cuộc sống như ngày nay, các con trưởng thành là nhờ bà con lối xóm đỡ đần, được Nhà nước quan tâm giúp đỡ". Chị Ban nhớ lại việc ông Lê Quang Tuyên, khi đó là Chánh Văn phòng huyện Hàm Yên hai lần chở cha mình bằng xe đạp đến trại phong chữa trị. Trên ban thờ của gia đình bà Dưỡng luôn treo lá cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ một cách trang trọng, thành kính. Bà Dưỡng thường nói với các con, có được cuộc sống tốt hơn như ngày hôm nay cần phải trân trọng. Điều quan trọng nhất là phải sống tốt, biết chia sẻ.
Ông Lê Quý Đáng, Tổ trưởng Tổ dân phố Đồng Bàng cho biết, từ xưa đến nay, hoàn cảnh của bà Dưỡng không ai không biết. Trường hợp như bà Dưỡng làm đơn xin thoát nghèo và đã được chính quyền thị trấn xác nhận là hành động đẹp thật đáng trân trọng và nể phục. Tấm gương của bà Dưỡng xứng đáng để người khác noi theo, góp phần động viên, cổ vũ người nghèo trên địa bàn tỉnh vươn lên thoát nghèo.
Gửi phản hồi
In bài viết