Chuyện người lái đò trên hồ thủy điện

-Mọi người ấn tượng về ông Quan Văn Đạt, thôn Khau Phiêng, xã Khau Tinh (Na Hang) qua những câu chuyện kể về cuộc đời gắn bó với sông nước. Nhiều lần đang chở khách, thấy người bị nạn trên sông, ông đã không ngại ngần dừng thuyền và lao mình xuống dòng nước cứu người. Với người làm nghề lái thuyền thường kiêng kỵ, nhưng với ông Đạt thì đó lại là niềm vui vì tạo phúc lớn.

Quá nửa đời gắn bó với sông nước

Năm 1981, sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, ông Quan Văn Đạt nhận công tác tại Lâm trường Bản Lãm, xã Khau Tinh (Na Hang). Năm 1986, một trận lũ lớn tràn qua sông Năng cuốn trôi cây cầu của nhân dân các xã khu C ra thị trấn Na Hang, người dân đi lại vô cùng khó khăn. Là một người lính, từng có thời gian chiến đấu ở biên giới Lạng Sơn, tiếp xúc nhiều với sông nước, vận chuyển đạn dược qua sông, ông Đạt đã làm một chiếc mảng lớn để đưa khách qua sông. Ông bỏ công mày mò, tự chế dây cáp nối liền 2 bên bờ sông. Ông vào rừng chọn 15 cây tre ngộc (loại tre to, đặc ruột) về kết lại với nhau bằng dây thừng và những lớp dây rừng để đưa khách qua sông. Làm cán bộ lâm trường, nên nhiều khi do công việc, ông không thể đảm nhiệm việc lái thuyền. Những lúc như vậy thì bao hoạt động của nhân dân đều ngưng trệ, có nhiều người tình nguyện làm thay ông nhưng đều thất bại do không nắm được quy luật của dòng chảy nên không thể kéo được thuyền sang sông. Năm 1990, ông quyết định nghỉ làm ở Lâm trường Bản Lãm và theo đuổi sự nghiệp lái thuyền chở khách đến tận bây giờ.


Ông Quan Văn Đạt, thôn Khau Phiêng, xã Khau Tinh (Na Hang).

Gần 40 năm gắn bó với sông nước, chở hàng vạn chuyến đò đưa khách qua sông, ông Đạt hiện nay được gọi là “bậc thầy” về lái đò. Trong trí nhớ của ông, ông đọc vị được từng khúc sông, biết được đoạn nào thường có cây, có đá ngầm. Lúc nước lên, nước xuống phải đi như thế nào cho thuận giữa mênh mông biển nước. Ông kể, nhìn dòng nước bao la rộng lớn là vậy, tưởng bình yên thuyền cứ thế băng băng nhưng thực ra quãng đường từ Bến thủy (thị trấn Na Hang) về đến Bản Lãm (Khau Tinh) lại tiềm ẩn nhiều điều nguy hiểm. Dưới hồ sâu có những cây nghiến cổ thụ tại điểm Đén Luông, Đén Lác... khi nước lòng hồ dâng lên, nó sừng sững, nếu ai lái thuyền mà không nhớ, không tỉnh táo chỉ cần va vào các ngọn cây nghiến là sẽ gẫy chân vịt, thậm chí lật thuyền.

Câu chuyện nhớ nhất của ông Đạt về hành trình cứu người đó là năm 2000, trong 1 ngày mưa tầm tã, nghe hàng xóm hô hoán của người bị chìm mảng khi tự ý qua sông Năng (ngày chưa dâng nước thủy điện). Không chần chừ, ông lao theo dòng nước cứu người. Nước siết, lại mưa, ông một mình vùng vẫy bơi theo dòng nước gần 100 m cứu được chị Seo Thị Phương, thôn Bản Lãm (Khau Tinh). Ông kể, cứu người xong mình lại đi cứu mảng, ngày đó chiếc mảng với người dân rất quan trọng, bởi đó là phương tiện giao thương của người dân nơi đây. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Khau Tinh Hoàng Việt Thanh cho biết: hiện nay, ở xã Khau Tinh có trên chục hộ dân chạy thuyền chở khách, nhưng thủ lĩnh vẫn là ông Quan Văn Đạt, ông là người có nhiều tâm huyết với nghề, luôn đề cao sự an toàn khi chở khách và hướng dẫn lớp trẻ noi theo. Mỗi khi xảy ra tai nạn trên lòng hồ thủy điện đều có sự giúp đỡ của ông Đạt, ông là người không nề hà mưa nắng, gió sương.

Mưu sinh trên hồ

Mấy chục năm gắn bó với sông nước, ông Đạt như một hướng dẫn viên du lịch. Khách đi thuyền của ông rất vui vì được ông giới thiệu từng địa danh trên đoạn sông, giải thích cả nghĩa tiếng Tày và nguồn gốc của việc đặt tên địa danh. Như khu Phe Phong nghĩa tiếng Tày là “đá vôi”; khu Đén Luông nơi có thác nước tuyệt đẹp; khu Pác Nẻn hay còn gọi là Hổ Nhảy vì khúc sông này trước đây rất hẹp, con hổ cũng có thể nhảy qua… Đến khu Đén Luông, ông Đạt bảo đây là đoạn đẹp và hẹp nhất của khúc sông. Những hôm trời nắng đẹp, nhìn rõ 2 ngọn núi nửa trên trời nửa dưới nước. Ở đoạn này, nhiều hôm chở khách ông còn nhìn thấy cả bầy khỉ đen ra sông uống nước. Ông Lê Văn Hà, tổ 10, phường Tân Quang (TP. Tuyên Quang) cho biết: lần nào lên thăm họ hàng trên xã Thượng Giáp ông cũng đi thuyền ông Đạt như một thói quen. Ông tìm thấy ở đó sự an toàn, nhất là người lái thuyền lại nhiệt tình, cởi mở với khách.

Ông Quan Văn Đạt, thôn Khau Phiêng, xã Khau Tinh (Na Hang) giúp khách lên tàu mặc áo phao.

Những ngày đầu tuần, 6 giờ sáng, thuyền ông Đạt đã chật kín khách từ thị trấn Na Hang vào các xã khu C làm việc. Ông bảo, ngày xưa không có nhiều thuyền như này. Năm 1990, ông đầu tư 28 triệu đồng mua một chiếc thuyền để chở khách qua sông đã hoành tráng lắm rồi, đến năm 2012, sau khi hoàn thành tuyến đường bộ vào xã Khau Tinh, người dân dần bỏ thói quen di chuyển bằng đường thủy. Nếu như năm 2010, ở Bến Thủy có khoảng 10 chiếc tàu chở khách, thì đến năm 2013 còn mỗi thuyền của ông duy trì hoạt động. Lại một lần ông phải quyết định, hoặc là bỏ thuyền đi làm nghề khác hoặc là quyết bám trụ. Ông tự thu hút khách bằng việc phục vụ khách với giá rẻ, và cho người dân thấy được chi phí đi đường bộ và đường thủy là bằng nhau. Thời gian di chuyển bằng đường thủy bằng 2/3 thời gian đi đường bộ... “Mưa dầm thấm lâu”, sự kiên trì của ông đã giữ chân được hành khách. Năm 2016 là năm bùng nổ về thuyền chở khách trên lòng hồ Na Hang với gần 20 chiếc, lần đầu tiên có những chiếc thuyền trị giá đầu tư vài trăm triệu đồng.

Là một thanh niên trẻ, anh Nguyễn Văn Hưng, chủ thuyền chở khách Hưng Thoa cho biết: Năm 2018, sau thời gian đi làm ăn xa, trở về địa phương không có việc làm, anh cũng từng muốn bỏ nhà đi xa xứ, trong một lần di chuyển từ thị trấn Na Hang về xã Khau Tinh, anh được ông Quan Văn Đạt khuyên bảo, định hướng mua thuyền chở khách, và ông sẽ đứng ra giúp đỡ anh kỹ thuật lái thuyền và những kinh nghiệm sông nước. Nghĩ là làm, anh đầu tư mua thuyền và mỗi tháng có thu nhập ổn định khoảng 10 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

Anh Triệu Trung Suy, 27 tuổi, chủ chiếc thuyền chở khách thương hiệu Trung Suy cho biết: Là lớp người trẻ, anh vô cùng biết ơn người thầy là ông Đạt đã giúp đỡ anh từ lúc chập chững bước vào nghề. Ông Đạt chính là người đã bỏ công đi cùng anh hàng tuần để anh tập làm quen với sông nước, hướng dẫn anh cách đảm bảo an toàn cho hành khách, và đặc biệt duy trì chữ “Tâm” với nghề.

Trên Bến thủy hiện có khoảng 34 thuyền chở khách, mỗi thuyền đều cho thu nhập ổn định khoảng 10 triệu đồng/tháng. Các chủ thuyền hiện nay, ngoài việc đảm bảo an toàn cho khách đi thuyền còn trở thành những hướng dẫn viên du lịch thực thụ. Có ngày hôm nay, ai cũng đều nhớ ơn ông Quan Văn Đạt. Với ông Đạt, sự an toàn cho hành khách du lịch trên lòng hồ là điều ông quan tâm nhất.

Ghi chép: Lê Duy

Tin cùng chuyên mục