Ngã ở đâu đứng lên ở đấy
Một buổi chiều cuối tháng 4, chúng tôi tới thăm mô hình nông nghiệp sạch của Nguyễn Hoàng Anh, sinh năm 1990. Khác với nhiều bạn trẻ khác, đây là dịp để tụ họp gia đình, để bạn bè tụ tập, rủ nhau đi chơi thì căn nhà của Hoàng Anh lại vắng lặng, chẳng một bóng người. Còn Hoàng Anh thì mải miết với cây cối. Phải gọi mãi, một chàng thanh niên dáng người dong dỏng, nước da ngăm đen, với khuôn mặt hơi gầy mới từ dưới vườn chạy lên. Chúng tôi hỏi tại sao ngày nghỉ lễ lại không đi chơi, Hoàng Anh bảo: “Em làm gì đã có người yêu nên chả biết đi đâu chị ạ!”, rồi cười trừ.
Hoàng Anh giới thiệu với Bí thư Đoàn phường Nông Tiến về mô hình trồng dưa chuột baby trong nhà lưới.
Rót mời chúng tôi cốc nước, em chia sẻ, từ nhỏ em đã thiếu vắng tình yêu thương, chăm sóc, che chở của cha. Đến năm em 14 tuổi, căn bệnh ung thư quái ác lại cướp nốt của em người mẹ yêu quý. Từ đó, em sống cùng bà ngoại. Bà ngoại nghèo, hai bà cháu nương tựa vào nhau sống bằng sự hỗ trợ của anh em họ hàng, bà con lối xóm. Thế rồi em cũng học xong và tốt nghiệp trường Trung cấp Y tế Tuyên Quang. Sau khi ra trường, tháng 4-2011, theo lời giới thiệu của bạn bè, em quyết định rời quê hương vào thành phố Hồ Chí Minh theo học 2 năm y học cổ truyền tại Trung tâm kế thừa ứng dụng Y học cổ truyền Việt Y. Vừa học em vừa làm thêm tại trung tâm để có tiền ăn học. Năm 2015, em trở về sống cùng bà, tiếp tục mở dịch vụ chữa bệnh về cơ, xương khớp tại nhà. Không chỉ phục vụ tại nhà mình, em còn đến tận nhà khách hàng, chăm sóc sức khỏe cho bà con cô bác khi bị đau mỏi vai gáy, cứng cổ, đau người, trúng gió... với chi phí từ 100 - 200 nghìn/đồng/lần. Số tiền tiền kiếm được, một phần em phụ giúp thêm cho bà ngoại các chi phí sinh hoạt, phần còn lại em giữ tiết kiệm.
Nhận thấy diện tích vườn tạp của gia đình còn nhiều để không thì hoang phí, em bàn với bà ngoại phát triển trồng cây ăn quả và chăn nuôi lợn để tăng thêm thu nhập. Được bà ủng hộ, em cải tạo vườn tạp, đầu tư gần chục triệu đồng để mua 300 gốc ổi, 60 gốc bưởi, 20 gốc mít. Em mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội theo chương trình ưu đãi cho hộ nghèo để đầu tư xây dựng một chuồng chăn nuôi lợn với diện tích 65m2, nuôi hơn chục con lợn nái và lợn thịt. Tuy nhiên, do lần đầu chăn nuôi chưa có kinh nghiệm phòng ngừa dịch bệnh nên năm đầu lợn bị dịch bệnh và ốm chết. Do không biết chọn giống nên bưởi và ổi nên khi thu hoạch không hiệu quả và bán không được giá. Vậy là lần đầu làm kinh tế, em thất bại.
Hoàng Anh cẩn thận chăm sóc từng cây đưa chuột
“Mất trắng số vốn ban đầu, em buồn lắm. Nhưng “thất bại là mẹ thành công”, em phải mạnh mẽ đối mặt với thất bại, tự rút ra bài học cho bản thân. Em quyết định để chuồng lợn nghỉ 5 năm, chặt bớt cây bưởi và ổi đã trồng để chuyển sang trồng rau. Vừa trồng rau, vừa làm dịch vụ chữa bệnh y học cổ truyền, em vừa tiết kiệm tiền để làm lại từ đầu, với quyết tâm “ngã ở đâu đứng lên ở đấy”.
"Kỹ sư" nông nghiệp không chuyên
Năm 2018, em trả nợ hết cho ngân hàng. Nhưng năm đó bà ngoại em mất. Từ đó đến nay, căn nhà nhỏ chỉ còn mình em với ruộng vườn. Em nghĩ rằng: “Với một người trẻ tuổi như em, thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn, nếu chỉ chăn nuôi và trồng trọt theo phương pháp truyền thống thì em sẽ không thể cạnh tranh được với muôn vàn thực phẩm ngoài chợ kia. Chỉ có làm nông nghiệp sạch, cung cấp những thực phẩm sạch từ khâu chăn nuôi, trồng trọt đến lúc cung cấp ra thị trường, em mới giành được sự quan tâm của khách hàng, mới có thu nhập cao”.
Vườn được quy hoạch khoa học nhưng tiết kiệm tối đa chi phí
Thế rồi, chỉ với chiếc smartphone nhỏ xinh, em bắt đầu vào mạng tìm hiểu về kiến thức “mênh mông” trong làm nông nghiệp sạch. Ngoài tìm hiểu, học tập các mô hình nông nghiệp sạch trong các bài viết trên sách, báo... em tham gia các nhóm, hội về trồng rau sạch, chăn nuôi sạch. Hễ thấy ai có các mô hình tốt, cách làm hay em lại lân la hỏi han, tìm hiểu, tham khảo kinh nghiệm về việc lựa chọn các loại cây, con giống có năng suất, chất lượng cao và mới mẻ để nuôi, trồng thử nghiệm; nhờ họ tư vấn, hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cây, con, kỹ thuật làm nhà lưới... sao cho tốn ít chi phí nhưng vẫn đạt hiệu quả.
Từ một chàng y sỹ đa khoa định hướng y học cổ truyền bỗng chốc em trở thành một “kỹ sư” nông nghiệp không chuyên. Năm 2020, còn chút tiền tiết kiệm và được sự hỗ trợ của người thân, em đầu tư 20 triệu đồng để nâng cấp hệ thống chuồng nuôi lợn như: lắp đặt hệ thống phun khử trùng tự động ở cửa vào chuồng; lắp đặt hệ thống nước uống tự động, điện và hệ thống làm mát, quạt thông gió, hệ thống xử lý phân; hệ thống chuồng đẻ cho lợn, có hệ thống sưởi ấm vào mùa đông và làm trần cách nhiệt cho chuồng. Em mua 8 con lợn nái áp siêu về nuôi theo quy trình khép kín và bằng hình thức cho ăn cám ăn thẳng. Mỗi con được nuôi nhốt riêng bằng 1 chuồng sắt. Phân lợn em tận dụng để nuôi giun trùn quế, có phân để bón cho cây.
Chả thế mà khi chúng tôi bước vào khu chuồng chăn nuôi lợn của Hoàng Anh, không hề thấy có mùi hôi. Chuồng lợn khô ráo, lợn được tắm sạch sẽ, trắng hồng. Con nào con nấy đều béo tròn, núng nính, nằm thảnh thơi nghe nhạc. Thấy cậu chủ vào cho ăn cám, chúng cứ quấn lấy chân, rồi dụi dụi vào người cậu chủ, trông đáng yêu vô cùng.
Hoàng Anh phấn khởi khoe, năm đầu tiên làm lại sau thất bại, em bán được 2 lứa lợn thịt và lợn giống, thu về hơn 100 triệu đồng. Hiện nay, chuồng lợn của em có 8 con lợn nái áp siêu và 15 con lợn trắng. Từ đầu năm đến nay, em đã xuất được 3 lứa lợn, với 32 con lợn giống, thu về 30 triệu đồng.
Đối với vườn cây, em chặt bỏ bớt số ổi và bưởi cũ để trồng thêm na Đài Loan, ổi lê Đài Loan, mít Thái. Mỗi loại vài chục cây. Để lấy ngắn nuôi dài, em còn đầu tư trồng thêm các loại cây ngắn ngày như: dưa leo Nhật, dưa leo Baby, dưa Kim Thái, dưa lê Thúy Kiều, dưa bở, đỗ, rau sạch theo mùa.
Em đã xây dựng 2 mô hình nhà lưới để trồng thử nghiệm giống dưa leo Nhật và dưa leo Baby. Vì muốn tiết kiệm chi phí nên em chỉ thuê thợ hàn cho khung nhà lưới bằng sắt, còn mọi thứ đều tự mày mò để làm dần dần, từng tí một. Mỗi nhà lưới được em thiết kế cao 3,5 m; mái và xung quanh được quây kín bằng lưới cước chống côn trùng, đảm bảo thông gió nhưng chống mưa và gió hiệu quả; đủ sáng và ngăn chặn chuột và côn trùng hiệu quả. Em chia khung nhà lưới theo từng luống, với tỷ lệ luống cách luống 1,2 m, cây cách cây 50 cm. Ở mỗi cây đều được buộc bằng các sợi dây se nông nghiệp từ đỉnh khung giàn xuống để cho thân cây leo lên. Toàn bộ phần nền đất trong nhà lưới được trải bằng màng phủ nông nghiệp. Ngoài ra, để tiết kiệm công sức lao động, em tự mua các ống nước nhựa tiền phong và các phụ kiện khác để lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt tự động, hệ thống tưới phân...
Dẫn chúng tôi tham quan khu vực nhà lưới trồng dưa, vừa đi Hoàng Anh vừa cẩn thận đỡ từng ngọn dưa Baby quấn vào các dây se đã buộc sẵn để ngọn cây leo lên. Em bảo: “Trồng loại dưa này đòi hỏi người trồng phải mất nhiều công, tỉ mẩn. Dưa được trồng gối vụ, thu hoạch từ 3-4 vụ/năm, với giá 25.000 đồng/kg. Mỗi lần thu hoạch, em thường đem bày ở chiếc bàn nhỏ đặt trước cổng nhà để bán cùng với các loại rau, đỗ, ổi, na. Bà con, bạn bè thân quen và khách đi đường là những khách hàng ủng hộ em. Rau quả hái đến đâu bán hết đến đó, bước đầu chủ yếu là lấy công làm lãi”.
Lợn được nuôi bằng cám ăn thẳng, theo quy trình khép kín nên rất sạch sẽ.
Anh Quang Tuyến, một tiểu thương ở chợ Phan Thiết 9TP Tuyên Quang) bày tỏ sự ngưỡng mộ Hoàng Anh trên trang cá nhân của mình. Anh cho biết, có những khi vào lấy hàng đã quá 12h trưa, anh vẫn thấy Hoàng Anh cặm cụi ở vườn cây. Hoàng Anh là người có nghị lực phi thường, có chí khí và rất chịu khó. Bởi thế, thi thoảng anh lại lấy rau quả sạch của Hoàng Anh để bán hoặc giới thiệu khách hàng cho Hoàng Anh.
Đi qua khỏi khu nhà lưới, xuống phía dưới là các mảnh vườn trồng dưa, trồng đỗ. Nhìn khu vườn rộng hơn 2.000m2 đất, được quy hoạch quy củ, sạch sẽ, khoa học, tôi tò mò hỏi về dự định sắp tới của Hoàng Anh. Em bảo: “Những loại dưa kia em đã trồng thử nghiệm thấy rất hiệu quả. Tới đây em sẽ tập trung trồng loại dưa này và duy trì, nhân rộng đàn lợn. Trước mắt, em mong muốn mọi người biết tới mô hình vườn sạch của em và hy vọng rằng sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của mọi người. Em cũng mong muốn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ về vốn, kỹ thật để có thể phát triển mô hình tốt hơn”. Chia tay em khi bóng chiều đã ngả, tôi càng thêm khâm phục sự cần cù, chịu khó, niềm đam mê làm nông nghiệp sạch và ý chí, nghị lực phi thường của Hoàng Anh.
Gửi phản hồi
In bài viết