Tiếng lòng sơn nữ
Trước đây trên mạng xã hội nhiều người biết đến Chẩu Thị Nga với thương hiệu là nàng sơn ca có những clip ca nhạc chất lượng trên mạng xã hội. Khi nhịp sống luôn chuyển động, người trẻ nông thôn, miền núi thử sức làm du lịch, cô gái Tày năng động này hăng hái tiếp bước trên con đường mới với bao háo hức dự định.
Từng nhiều năm thử sức với mảng kinh doanh Online về sản phẩm nông sản, Nga quyết định dấn thân hoạt động mảng du lịch với mong muốn quảng bá vẻ đẹp xứ Tuyên, từng bước đưa du khách đến với quê hương. Chị bảo, cảnh sắc quê mình đẹp lắm! Con người hài hòa thân thiện, văn hóa các dân tộc giữ được nét nguyên sơ, bản địa. Được đi nhiều nơi, đến nhiều chỗ thế nhưng mình vẫn thấy quê mình đẹp nhất, tiềm năng du lịch rộng mở như vậy sao người trẻ như mình lại không đồng hành. Năm 2019, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Cô Sơn Nữ ra đời từ những trăn trở đó. Đây là doanh nghiệp lữ hành đầu tiên của tỉnh tổ chức đón khách về thăm Tuyên Quang.
Chẩu Thị Nga luôn xuất hiện xinh đẹp trong các video clip quảng bá du lịch.
Cái tên “Cô Sơn Nữ” mang theo nhiều điều mà nữ Giám đốc trẻ Chẩu Thị Nga muốn gửi gắm. Nga bảo, ngay từ khi còn nhỏ, hình ảnh những người phụ nữ miền núi lam lũ trên nương rẫy, đồng ruộng trở thành ký ức tốt đẹp trong tiềm thức của mình. Bóng dáng áo chàm của các thiếu nữ thấp thoáng sau triền đồi, các bà, các chị gùi ngô sau ánh nắng chiều tà... Họ tần tảo, chịu thương chịu khó làm lụng, chăm sóc gia đình, con cái. Ngày tháng dần trôi, tuổi xuân họ đi qua, họ quẩn quanh với bản làng nhưng sự hy sinh của những người phụ nữ nơi đây luôn được trân trọng. “Và ngày hôm nay, mình đặt tên công ty của mình là Cô Sơn Nữ là để lan tỏa hình ảnh những người phụ nữ miền sơn cước. Những người đàn bà dẫu có cuộc sống ẩn khuất thế nhưng vẻ đẹp của họ luôn tỏa sáng. Đó là sự dịu dàng, chăm chỉ, thủy chung... Cái tên “Cô Sơn Nữ” là để tôn vinh, trân quý nét đẹp “Chè Thái, gái Tuyên” - niềm tự hào của người dân Tuyên Quang”.
“Cá lội ngược dòng...”
Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Cô Sơn Nữ hiện có trụ sở tại phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) với 10 nhân viên. Ngoài ra còn có một số cộng tác viên trên địa bàn toàn quốc. Cô Giám đốc trẻ “chân ướt, chân ráo” đến với nghề mới với bao bỡ ngỡ. Nga tâm sự, Công ty thành lập đúng thời điểm có ca bệnh Covid-19 đầu tiên trên thế giới, sau đó xuất hiện ca bệnh đầu tiên ở Việt Nam. Vậy là liên tục chuỗi ngày thực hiện giãn cách xã hội, “ai ở đâu ở yên ở đó”, du lịch gần như bị đóng băng.
Với vốn liếng còn khá khiêm tốn, nếu không giỏi xoay thì dự án khởi nghiệp có nguy cơ đổ bể. Những khó khăn đó là quá sức với một doanh nghiệp cỡ “mini” như của Nga. Cách thức mà Nga ứng phó để “sống sót” đó là phương châm “lấy ngắn nuôi dài”.
Trong những chuyến đi nghiên cứu thực tế tua tuyến, Nga cùng nhân viên bán các nông sản địa phương, đặc sản ẩm thực, dược liệu ở miền núi. Nga bảo: “Đúng là con buôn thực sự luôn đấy chị ạ! Mình làm ngành du lịch dễ dàng kết nối được với nhiều cơ sở ở các địa phương khác nên khâu tiêu thụ sản phẩm cũng không đáng lo ngại. Hàng hóa được mua tận gốc rồi bán tận ngọn, bà con đồng bào ủng hộ, các nhân viên nhiệt tình nên dòng hàng cũng chạy đều đều. “Mèo bé bắt chuột bé”, khách có khi chỉ một vài gói chè Shan Tuyết, vài ba kg bún khô, vài mớ rau củ rừng, ta cứ “tích tiểu thành đại” vậy thôi!”.
Chị Chẩu Thị Nga (ngoài cùng bên phải) cùng đoàn khách du lịch tỉnh Bến Tre khám phá vẻ đẹp Na Hang.
Ngoài ra, Nga cũng nhanh nhạy kết nối bán mặt hàng mỹ phẩm Hàn Quốc. Mong muốn có được đồng ra đồng vào, cô giám đốc trẻ xoay xở đủ nghề để tạo nguồn tài chính duy trì hoạt động công ty.
Đặc biệt để quảng bá thương hiệu công ty trong thời điểm du lịch tĩnh lặng, Nga chinh phục không gian trên nền tảng mạng xã hội. Nhiều người biết đến tài khoản Facebook, Youtube, Tiktok như: “Review du lịch Tuyên Quang”, “Du lịch Cô sơn nữ”, “Cô sơn nữ travel”… với hình ảnh, clip được đầu tư chất lượng. Đặc biệt là những video ca nhạc khá chuyên nghiệp với những góc quay, hình ảnh đẹp của địa điểm du lịch ở Na Hang, Lâm Bình, Sơn Dương, TP Tuyên Quang... Nhiều video thu hút hàng nghìn lượt view điển hình như: “Na Hang em hẹn ngày về”, “Người xây cầu vùng cao”, “Độ ta không độ nàng”, “Chín bậc tình yêu”…
Từ những clip này, bạn bè bốn phương được ngắm nhìn cảnh đẹp xứ Tuyên, nhiều bình luận như: “Chị hát hay quá, cảnh ở đâu mà đẹp thế”, “Ôi ước một lần đến nơi đây”... Sự mặn mà, đằm thắm của “Cô Sơn Nữ” trong giới thiệu phong cảnh, ẩm thực đất Tuyên đã cuốn hút nhiều lượt view. Chị bảo, điều này rất quan trọng để “đón đầu” du khách khi dịch bệnh được kiểm soát và đẩy lùi. Qua hoạt động quảng bá trên mạng xã hội, chị đã ký kết được nhiều tour du lịch từ khắp mọi miền đất nước về thăm xứ Tuyên.
Chị linh hoạt kết nối với các điểm du lịch trong tỉnh, xây dựng các tour tuyến du lịch nội tỉnh, từ Tân Trào lịch sử, thác Bản Ba (Chiêm Hóa), Hồng Thái (Na Hang), Hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình... Chị Nga chia sẻ, các tour tuyến du lịch nội tỉnh trong 2 năm 2020, 2021 tăng đột biến, đặc biệt là khi có sự hỗ trợ từ công nghệ, những điểm check - in đẹp như vườn lê mùa hoa nở, điểm săn mây ở Hồng Thái được các bạn trẻ khám phá, giới thiệu và tạo được dấu ấn lớn với khách du lịch. Thời điểm mùa hoa lê nở rộ, trung bình mỗi tuần Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Cô Sơn Nữ đưa 2 - 3 đoàn khách du lịch đến với địa điểm này.
Hiện nay, khi dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, Công ty đẩy mạnh các hoạt động liên kết quảng bá để đưa du khách đến Tuyên Quang. Trong đó ưu tiên các tour tuyến có chất lượng dịch vụ tốt, giá cả phải chăng. Với Nga và nhiều doanh nghiệp lữ hành thời điểm này, đây là cách làm tốt nhất để khôi phục lại ngành du lịch địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Kết quả, từ năm 2020, Công ty đã kết nối hơn 300 đoàn khách trong và ngoài nước đến với Tuyên Quang. Điển hình như: Sài Gòn, Bến Tre, Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai, Bắc Giang…
Công ty của Nga là doanh nghiệp lữ hành đầu tiên của tỉnh tổ chức tua du lịch trọn gói đón khách về thăm Tuyên Quang. Theo lịch trình du khách sẽ được xe của Công ty đón tận nơi. Các hướng dẫn viên của công ty sẽ mặc áo dài Tày niềm nở, nhiệt tình hướng dẫn, đưa đón. Anh Trần Bá Hậu, du khách đến từ Bến Tre chia sẻ: “Công ty phục vụ rất chuyên nghiệp, mình ấn tượng nhất là các cô sơn nữ mặc trang phục dân tộc truyền thống đón khách ngay tại sân bay Nội Bài. Trong suốt cuộc hành trình 3 ngày, 2 đêm, đoàn của mình ai cũng háo hức với những trải nghiệm, khám phá mới lạ ở mảnh đất này”.
Nga tâm đắc với câu nói: “Cá lội ngược dòng là cá sống, người vượt nghịch cảnh mới mong thành công”. Hành trình cô sơn nữ người Tày Phúc Sơn vượt bão Covid-19, nỗ lực để vươn mình thực hiện giấc mơ góp phần phát triển thị trường du lịch Tuyên Quang theo cách của người trẻ!
Gửi phản hồi
In bài viết