Một góc thôn Phong Quang, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa).
“Cha truyền con nối”
Những ngày giữa tháng tư, chúng tôi có dịp về thăm thôn Phong Quang. Làng vắng lặng là bởi những “ong thợ” tỏa đi khắp nơi đảm nhận các công trình xây dựng, đẩy nhanh tiến độ để bàn giao cho gia chủ.
Theo các cụ cao niên trong làng, vào những năm 1966 theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước đi khai hoang phát triển vùng kinh tế mới, hơn 20 hộ dân quê gốc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình chọn thôn Phong Quang làm nơi an cư lạc nghiệp, mang theo nghề xây truyền thống lên vùng kinh tế mới. Tuy nhiên ở nơi sở tại, điều kiện còn rất khó khăn, ít gia đình xây nhà cửa, công trình nên không có đất để “dụng võ”. Mãi đến những năm 90 của thế kỷ trước, bến đò Chinh ở Vinh Quang tấp nập người mua kẻ bán, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân khấm khá, nhu cầu xây cất nhà cửa tăng lên, nghề xây dựng mới thịnh hành. Những người tay nghề “lão luyện” ngày trước truyền dạy cho con, cháu xây, sửa nhà kiên cố để ở đến những căn nhà cao tầng mọc lên và cũng từ đây làng Phong Quang xuất hiện nhiều “cai thầu” xây dựng vào loại nhất nhì trong vùng.
Phong Quang bây giờ không chỉ những người nhiều tuổi mới có tay nghề cao trong việc xây cất nhà cửa mà nhiều người trẻ cũng đảm nhiệm được toàn bộ công việc của một “thợ cả”. Anh Phan Văn Tuyên mới hơn 40 tuổi nhưng đã có hơn 20 năm theo nghề thợ xây. 18 tuổi, sau khi học xong phổ thông anh Tuyên theo một cai xây dựng đi làm công trình khắp các huyện trong tỉnh học nghề, ban đầu thì trộn vữa, chuyển gạch, lắp giàn giáo. Nhưng sau một năm, nhờ sự chăm chỉ, chịu khó quan sát, chăm học hỏi và khéo léo của bản thân, anh đã biết xây và trở thành thợ chính. Những năm tiếp theo, không chỉ “đầu quân” cho những gánh thợ làm ở địa phương mà anh còn tham gia vào những gánh thợ nhận làm những công trình ở những địa phương lân cận để trau dồi, học hỏi thêm kinh nghiệm.
Nhờ có nghề, người dân thôn Phong Quang, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) tự chỉnh trang khuôn viên của gia đình.
Anh Tuyên kể, 20 tuổi anh đã trở thành “thợ cả” thường xuyên dẫn hàng chục công nhân đi nhận công trình xây dựng, có nhiều công trình lớn và phức tạp. Giờ đây anh thạo nghề cũng nhờ những lớp thợ trong làng đi trước. Để đảm nhiệm công việc được tốt từ lúc nhận công trình đến khi bàn giao cho chủ, anh vừa làm vừa học hỏi, phối hợp tốt với kỹ thuật bên đơn vị đầu tư, nếu có vướng mắc gì thì cùng bàn cách giải quyết. Đến nay, anh không nhớ nổi là mình đã hoàn thành bao nhiêu công trình nữa.
Ông Vũ Đức Tuyến, Trưởng thôn Phong Quang cho biết, đến nay, 80% hộ dân trong thôn đều làm nghề xây. Thôn có 100 hộ thì có 10 “cai thầu”. Mỗi “cai thầu” thường có 13 đến 15 người tập hợp thành một tổ thợ, trong đó sẽ có 1 thợ cả đảm nhận những công việc khó như định vị công trình, đọc bản thiết kế, trang trí, đánh mặt bằng, lấy tim, lấy cốt và hướng dẫn những thợ khác cùng làm... Thu nhập nghề này chiếm 75% tổng giá trị thu nhập của địa phương. Các nhóm thợ ngày ngày dựng nhà cho người dân khắp trong và ngoài huyện, nhiều cánh thợ có thể nhận thầu các công trình lớn đòi hỏi kỹ thuật cao như trụ sở nhà làm việc của UBND xã, trường học, nhà vườn, trùng tu di tích lịch sử, văn hóa… Ông Tuyến tự hào khoe, nhà làm việc của UBND xã Vinh Quang hiện nay được xây dựng bằng chính những tốp thợ của người dân thôn Phong Quang.
Để nghề bền vững
Theo những “cai thầu” ở Phong Quang thì nghề thợ xây hầu như không có ngày nghỉ, chỉ trừ mấy ngày Tết. Mùa khô, công nhân làm cả 30 ngày trong tháng. Thu nhập trung bình người làm công được trả từ 250.000 đồng đến 400.000 đồng/ngày, tùy theo tay nghề. Vì thế, bao năm qua, nghề thợ xây của thôn đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo quê hương.
Cơ sở hạ tầng ở thôn Phong Quang được chính người dân trong thôn xây dựng lên.
Năm 2017, xã Vinh Quang đã hoàn thành xây dựng NTM và năm 2021 hoàn thành NTM nâng cao. Thôn Phong Quang được chọn làm điểm thôn NTM kiểu mẫu. Chỉ sau 1 năm triển khai, các tiêu chí của thôn NTM kiểu mẫu đã hoàn thành. Ông Lê Quý Hòa, Bí thư Chi bộ thôn Phong Quang chia sẻ, nhờ thu nhập từ nghề thợ xây, mà việc đóng góp, xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu đều được triển khai thuận lợi. Thu nhập bình quân đầu người của thôn đã đạt hơn 56 triệu đồng/năm.
Theo Chủ tịch UBND xã Vinh Quang Phạm Văn Cầu, nghề thợ xây ở địa phương xuất phát từ tính tự phát, độ rủi ro cao, người tham gia chưa có các kiến thức về bảo hộ, an toàn lao động… Để khắc phục khó khăn, đảm bảo an toàn lao động bước đầu các nhóm thợ đã tự bảo nhau chú ý cẩn thận trong suốt quá trình làm. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương chú trọng công tác tuyên truyền về tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân để họ hiểu rằng đó là một trong những hình thức bảo vệ, đảm bảo cuộc sống của mình ở hiện tại và khi về già…
Chia tay Phong Quang, chúng tôi đi qua những con đường được bê tông hóa rộng rãi, nhà cửa được đầu tư xây dựng khang trang, sạch, đẹp. Dáng dấp của một “phố trong làng” đang hiện hữu ở nơi đây.
Gửi phản hồi
In bài viết