Cơ chế bảo đảm thực hiện có hiệu quả nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng hiện nay

- Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản, chỉ đạo mọi hoạt động xây dựng tổ chức, sinh hoạt và lãnh đạo của Đảng, đồng thời cũng chi phối các nguyên tắc tổ chức, hoạt động khác của Đảng, nhằm bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng và chính trị của Đảng thông qua sự củng cố, thống nhất về tổ chức. Để nguyên tắc tập trung dân chủ phát huy được hiệu quả trong Đảng, cần có cơ chế bảo đảm việc thực hiện nghiêm ở các cấp ủy và tổ chức đảng.

Nhận thức về cơ chế thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng hiện nay

Trong quá trình đổi mới, Đảng ta đã có bước tiến mới về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng, trong việc chuẩn bị các quyết định của Đảng, bầu cử cấp ủy và đánh giá, đề bạt cán bộ. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng không ít cá nhân lợi dụng chính nguyên tắc tập trung dân chủ để cố tình thực hiện sai nguyên tắc, lợi dụng yếu tố tập trung để thâu tóm quyền lực; nhiều cán bộ, đảng viên đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, trong đó có cả đảng viên là cán bộ cấp cao. Nguyên nhân dẫn đến vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ có cả yếu tố chủ quan và khách quan. Một trong những nguyên nhân là do nguyên tắc tập trung dân chủ có nội dung chi phối rất rộng và khá trừu tượng, khó nắm bắt; hơn nữa, mỗi lĩnh vực, mỗi mặt công tác, hoạt động xây dựng Đảng lại có những yêu cầu cụ thể riêng. Mặc dù gần đây, Đảng ta đã có nhiều văn bản quy định, hướng dẫn, trong đó cụ thể hóa cách tiến hành theo nguyên tắc tập trung dân chủ; nhưng vẫn còn không ít lĩnh vực, mặt công tác chưa có được những quy định cụ thể như vậy; hoặc, có quy định nhưng vẫn chưa đủ rõ, tức là chưa có những quy định có tính hệ thống về cách thức thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Thực tế đó cho thấy, để các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; đồng thời, ngăn ngừa, hạn chế tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thì rất cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo đảm thực hiện có hiệu quả nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng hiện nay.

Đại biểu bỏ phiếu bầu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ phường Cát Dài (quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng) lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025_Ảnh: Tư liệu

Theo cách hiểu thông thường, cơ chế là “cách thức theo đó một quá trình thực hiện”(1). Khái niệm cơ chế được dùng từ lâu trong khoa học tự nhiên, kỹ thuật, như cơ chế quang hợp của cây xanh, cơ chế hoạt động của máy phát điện... Ngày nay, khái niệm cơ chế được sử dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Có thể thấy, cơ chế là những quy định về cách thức tiến hành hoạt động nào đó trong xã hội, trong tổ chức. Cơ chế do tổ chức, con người đặt ra nhưng lại quy định về hoạt động của tổ chức, con người; do vậy, cơ chế có thể đúng và có thể sai, phù hợp hoặc không phù hợp, tiến bộ hay lạc hậu. Cơ chế có nhiều cấp độ, từ đơn giản đến phức tạp. Ở cấp độ cao, cơ chế còn bao gồm cả quan điểm chính trị - xã hội, các quy phạm pháp luật, các quy định, quy chế, quy tắc, quy trình cụ thể trong từng tổ chức, từng công việc.

Từ nhận thức về khái niệm cơ chế như vậy, cho thấy: Cơ chế thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng là hệ thống những quy định về cách thức thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Vì cơ chế thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng bao gồm những quy định về cách thức thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; do đó, xây dựng cơ chế thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng thực chất là xây dựng hệ thống các quy định về cách thức thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Xây dựng tốt cơ chế thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng tức là xây dựng, hoàn thiện hệ thống các quy định chỉ rõ cách thức thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng, sẽ vừa hướng dẫn cho các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng thực hiện đúng nguyên tắc này, vừa ngăn ngừa tình trạng tùy tiện, lúng túng, cố tình làm sai, bóp méo trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Cơ chế thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ càng được hoàn thiện, rõ ràng, sẽ càng bảo đảm thực hiện có hiệu quả nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng.

Những nội dung cụ thể của cơ chế cần được xây dựng, hoàn thiện để bảo đảm thực hiện có hiệu quả nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng hiện nay

Cơ chế bảo đảm thực hiện có hiệu quả nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng là loại cơ chế chính trị cấp độ cao, bao gồm cả quan điểm chính trị, các quy định, quy chế, quy trình cụ thể trong từng tổ chức, từng công việc của Đảng, để bảo đảm thực hiện có hiệu quả nguyên tắc tập trung dân chủ trong toàn Đảng.

Để xác định nội dung cơ chế thực hiện có hiệu quả nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, cần nhận thức rõ phạm vi thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Có thể chia ra các lĩnh vực chính trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, như thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác tổ chức của Đảng; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động lãnh đạo; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong các mặt công tác xây dựng Đảng khác.

Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác tổ chức của Đảng.

Công tác tổ chức là một trong các mặt công tác xây dựng Đảng, nhưng do nguyên tắc tập trung dân chủ trước hết là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng và do tính chất quan trọng của công tác tổ chức, nên cần tách ra thành một lĩnh vực chi phối chính của nguyên tắc tập trung dân chủ. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác tổ chức của Đảng bao gồm: Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong thiết kế mô hình tổ chức của Đảng, trong mối quan hệ giữa các tổ chức trong Đảng, giữa đảng viên với tổ chức; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng và tuân thủ quy chế làm việc của các cấp ủy, tổ chức đảng; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong thành lập tổ chức mới, kiện toàn, đổi mới tổ chức...

Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động lãnh đạo, gồm các khâu: Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong quy trình ban hành nghị quyết, quyết định lãnh đạo; chế độ thảo luận, ra quyết định, bảo lưu ý kiến thiểu số; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong chấp hành nghị quyết, như chế độ chấp hành, chế độ trách nhiệm, chế độ kiểm tra, giám sát; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong thực hiện chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách...

Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng, gồm các nội dung: Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tự phê bình và phê bình; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong đại hội đảng, trong sinh hoạt cấp ủy, chi bộ; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong thực hiện quyền và trách nhiệm của đảng viên; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong thực hiện bầu cử trong Đảng; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong thực hiện chế độ báo cáo, thông báo trong Đảng...

Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong các mặt công tác xây dựng Đảng, gồm các phương diện: Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác lý luận, như mối quan hệ giữa chấp hành nghị quyết với yêu cầu sáng tạo, đổi mới trong nghiên cứu lý luận; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác tuyên truyền, cổ động; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác văn hóa, văn nghệ, trong xử lý mối quan hệ giữa chấp hành nghị quyết, phục vụ đường lối, chủ trương của Đảng với đòi hỏi sự sáng tạo của văn hóa, văn nghệ; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong các khâu của công tác cán bộ, như đánh giá, tuyển chọn, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, kỷ luật, chính sách cán bộ...; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác đảng viên, như kết nạp đảng viên, đánh giá đảng viên, kỷ luật đảng viên...; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác dân vận; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ...

Sự phân chia nêu trên là cần thiết để nhận thức rõ hơn về nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng và có cơ sở để xác định nội dung cơ chế cần xây dựng, hoàn thiện nhằm bảo đảm thực hiện có hiệu quả nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Tuy nhiên, sự phân loại này cũng chỉ mang tính tương đối, vì trong thực hiện các hoạt động lãnh đạo, sinh hoạt nội bộ và các mặt công tác xây dựng Đảng luôn có sự đan xen nhau. 

Các đại biểu biểu quyết thông qua nhân sự Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới tại Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025_Ảnh: TTXVN

Những vấn đề cần chú ý trong xây dựng, hoàn thiện cơ chế để bảo đảm thực hiện có hiệu quả nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng hiện nay

Như vậy, để bảo đảm thực hiện có hiệu quả nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, phải xây dựng và hoàn thiện cơ chế thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng trên các phương diện chính là: Trong công tác tổ chức; trong hoạt động lãnh đạo trong sinh hoạt đảng và trong các mặt khác của công tác xây dựng Đảng. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng là việc phức tạp, phạm vi phải xây dựng các quy định rất rộng, cần sự kiên trì và sự chỉ đạo tập trung.

Việc hoàn thiện cơ chế để bảo đảm thực hiện có hiệu quả nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng hiện nay cần tập trung vào xây dựng, hoàn thiện các quy định về cách thức thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ sao cho khắc phục được những hạn chế, bất cập trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, như tình trạng dân chủ hình thức; bóp méo dân chủ để phục vụ ý đồ cá nhân; không quy được trách nhiệm cá nhân khi có sai phạm xảy ra; nhân danh nguyên tắc tập trung dân chủ nhưng hành xử gia trưởng, độc đoán... Trong xây dựng, hoàn thiện cơ chế bảo đảm thực hiện có hiệu quả nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng hiện nay, cần lưu ý một số vấn đề sau:

1- Cơ chế thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng, bầu người đứng đầu trong các tổ chức của Đảng.

Cần hoàn thiện các quy định về chế độ bầu cử theo hướng mở rộng bầu cử trực tiếp cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy từ cơ sở đến cấp huyện, tỉnh từ nay đến năm 2030. Để khắc phục tình trạng dân chủ hình thức và bóp méo dân chủ trong bầu cử ở nơi này hay nơi khác, theo tinh thần mở rộng quyền đề cử và tự ứng cử, cần giới thiệu nhiều phương án nhân sự để lựa chọn, quy định bắt buộc có số dư trong giới thiệu ứng cử và bầu cử cấp ủy và cả các chức danh là người đứng đầu. Sự không hài lòng trong dư luận, tính hình thức và nguy cơ làm biến dạng dân chủ do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu ở tình trạng phổ biến là chỉ có một ứng viên cho một chức danh lãnh đạo trong bầu cử hiện nay.

Bên cạnh đó, cũng cần tập trung nghiên cứu thực hiện chế độ để những người tham gia bầu có thể bãi miễn đại biểu do mình bầu ra.

2- Cơ chế thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong thực hiện chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong Đảng.

Cần hoàn thiện các quy chế làm việc của các cấp ủy, tổ chức đảng, trong đó quy định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo (cấp ủy, ban thường vụ, ban cán sự đảng...) theo hướng chỉ bàn và quyết định những vấn đề lớn, chỉ trực tiếp quản lý cán bộ là người đứng đầu; đồng thời, tăng thẩm quyền, trách nhiệm của cá nhân là thành viên tập thể lãnh đạo, người đứng đầu (nhất là bí thư, các phó bí thư cấp ủy), đi đôi với hoàn thiện các quy định, thiết chế kiểm soát quyền lực bằng chế độ kiểm tra, giám sát, bỏ phiếu bất tín nhiệm...

Hoàn thiện quy định về chế độ tổ chức, làm việc của thường trực cấp ủy, ban cán sự đảng và đảng đoàn vì đây là những cơ cấu tổ chức đặc biệt, được hình thành không do bầu cử trực tiếp, nhưng có trách nhiệm, thẩm quyền rất lớn, dễ vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ nếu thiếu các quy định cụ thể và chế độ kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Trong trường hợp bí thư cấp ủy đồng thời làm chủ tịch ủy ban nhân dân, vẫn phải bố trí thường trực cấp ủy đủ ba thành viên lãnh đạo để thực hiện được nguyên tắc tập trung dân chủ.

3- Cơ chế thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong đại hội đảng.

Cần xây dựng, hoàn thiện các quy định bảo đảm Đại hội đại biểu toàn quốc thật sự là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng; đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên là cơ quan lãnh đạo có vị trí, vai trò cao nhất trong tổ chức đảng, khắc phục biểu hiện hình thức của đại hội đảng các cấp. Ngay trong chính đảng mác-xít đầu tiên do C. Mác và Ph. Ăng-ghen sáng lập là Liên đoàn những người cộng sản, Điều lệ của Liên đoàn năm 1847 đã quy định Ban chấp hành trung ương tham dự Đại hội, nhưng không có quyền biểu quyết(2). Với quy định này, cho thấy C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã rất quan tâm đến ngăn chặn ảnh hưởng của ban chấp hành đối với đại hội đảng và là chỉ dẫn có ý nghĩa đối với vấn đề hạn chế ảnh hưởng quá mức của ban chấp hành đến đại hội đảng.

Cần xây dựng quy định về chế độ thảo luận trong đại hội đảng bảo đảm sự thảo luận, tranh luận thật sự trong đại hội đảng, khắc phục tính hình thức của tham luận tại đại hội.

4- Cơ chế thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong thực hiện chế độ ra nghị quyết và chấp hành nghị quyết.

Xây dựng, hoàn thiện quy chế ra quyết định của Đảng, bảo đảm phát huy trí tuệ tập thể. Các quy định phải bảo đảm để mọi cán bộ, đảng viên thực hiện được quyền tham gia quyết định công việc của Đảng; quyền được thông tin, thảo luận, tranh luận, nêu ý kiến riêng, bảo lưu ý kiến trong tổ chức; khi Đảng đã có nghị quyết thì phải nói và làm theo nghị quyết. Quy định rõ chế độ lãnh đạo các cấp phải lắng nghe ý kiến của cấp dưới, của đảng viên và nhân dân, hồi đáp các ý kiến góp ý, các kiến nghị.

 Xây dựng, hoàn thiện chế độ thảo luận, tranh luận trong xây dựng nghị quyết bảo đảm khuyến khích mọi đảng viên thảo luận dân chủ tất cả mọi vấn đề trong phạm vi chức năng tổ chức đảng của mình; đồng thời, cấp ủy, tổ chức đảng phải tạo cơ chế để khơi gợi, khuyến khích được đảng viên dân chủ thảo luận, phát huy cao nhất tính sáng tạo và giá trị đóng góp của đảng viên. Bảo đảm tất cả ý kiến của đảng viên phải được tôn trọng, ghi nhận, kể cả có đúng, có sai, dù xuôi chiều hay trái chiều. Không đưa ra các quy định hạn chế ý kiến góp ý, chất vấn, hay đồng nhất việc có ý kiến trái chiều với sự mất đoàn kết trong tổ chức đảng.

Chế độ ra quyết định phải bảo đảm việc ban hành nghị quyết của Đảng đều trên cơ sở được tổ chức thảo luận dân chủ rộng rãi, lấy ý kiến của các tổ chức đảng và đảng viên từ cơ sở trở lên, lấy ý kiến góp ý của nhân dân nếu cần, được cân nhắc nhiều mặt, phân tích thấu đáo, nhất là những vấn đề có ý kiến trái chiều trước khi quyết định. Đối với những vấn đề mới, khó, phức tạp thì cần được tổ chức hội thảo, tọa đàm để tiến hành thảo luận, trao đổi kỹ lưỡng, xin ý kiến chuyên gia trước khi quyết định.

5- Cơ chế thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong thực hiện quyền và nhiệm vụ của đảng viên.

Cần cụ thể hóa các quy định để thực sự thực hiện được các quyền của đảng viên về: Quyền được thông tin và thảo luận các vấn đề về Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương của Đảng; biểu quyết công việc của Đảng; quyền ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương; quyền phê bình, chất vấn về hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên ở mọi cấp trong phạm vi tổ chức; báo cáo, kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm và yêu cầu được trả lời; quyền trình bày ý kiến khi tổ chức đảng nhận xét, quyết định công tác hoặc thi hành kỷ luật đối với mình. 

6- Cơ chế thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong thực hiện thẩm quyền của tổ chức đảng các cấp.

Cần xây dựng, hoàn thiện các quy định về việc tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình nhưng không trái với nguyên tắc, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên. Điều này sẽ ngăn ngừa được tình trạng vi phạm thẩm quyền khi ban hành các nghị quyết, dẫn đến việc ban hành các nghị quyết sai trái của một số tổ chức đảng như trong thời gian vừa qua. Thực hiện có nền nếp chế độ kiểm tra, giám sát các quyết định của tổ chức đảng các cấp và xử lý các quyết định trái với nguyên tắc, đường lối của Đảng, nghị quyết của cấp trên và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Các đảng viên biểu quyết tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ của Đảng ủy xã Ia Rmok, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai_Ảnh: baogialai.com.vn

7- Cơ chế thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong thực hiện chế độ báo cáo và thông báo hoạt động của cấp ủy.

Quy định rõ về chế độ cấp ủy các cấp báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước đại hội cùng cấp; cấp ủy các cấp báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước cấp dưới, bảo đảm thật sự là một “kênh” kiểm soát quyền lực trong Đảng; chế độ định kỳ thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức đảng trực thuộc, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, thực chất tự phê bình và phê bình.

8- Cơ chế thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng người có đức, có tài. Cơ chế phát hiện, tuyển chọn phải bảo đảm phát hiện từ cơ sở để lựa chọn được người có đầy đủ phẩm chất, năng lực, xứng đáng được bầu vào cấp ủy khóa mới; phát hiện người có tài, đức để tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng.

Thực hiện nghiêm và hoàn thiện chế độ ràng buộc trách nhiệm cả về chính trị, tinh thần và kinh tế với người đề cử, tiến cử trong công tác nhân sự nếu việc đề cử, tiến cử vi phạm các quy định, để chống tư tưởng cục bộ, bản vị, địa phương, thân quen, “cánh hẩu”, “lợi ích nhóm”; đồng thời, tránh cách làm giản đơn, tùy tiện, vô nguyên tắc trong công tác cán bộ. Tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát có nền nếp việc chấp hành nghiêm Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23-9-2019, của Bộ Chính trị, “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Cần tập trung kiểm tra, giám sát thực hiện quy định về không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng; bố, mẹ của vợ hoặc chồng; con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cùng cấp ủy; chủ tịch ủy ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị. Tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp xen ghép ý đồ cá nhân, đề ra tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện, nhận xét, đánh giá mang tính áp đặt, không đúng bản chất, không đúng sự thật nhằm vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình tham mưu thực hiện quy trình công tác cán bộ; để vợ, chồng, bố, mẹ, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để thao túng, can thiệp công tác cán bộ. Cần thực hiện ráo riết các biện pháp trọng tâm như trên để đưa việc chấp hành các quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ đi vào nền nếp, trở thành văn hóa trong Đảng và hệ thống chính trị.

Thường xuyên hoàn thiện cơ chế phát hiện, thay thế kịp thời những cán bộ kém năng lực và kém phẩm chất, có khuyết điểm nghiêm trọng, không còn đủ uy tín. Tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát có nền nếp việc chấp hành Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3-11-2021, của Bộ Chính trị, “Về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ”.

9- Cơ chế thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác tư tưởng.

Xây dựng và hoàn thiện chế độ thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác lý luận theo hướng mở rộng dân chủ trong nghiên cứu lý luận, thu hút và phát huy trí tuệ của đông đảo các chuyên gia trên các lĩnh vực cùng tham gia; tạo môi trường cho nghiên cứu dự báo phát triển. Những vấn đề lý luận và thực tiễn mới, khó phải được tổ chức nghiên cứu một cách thấu đáo, chuyên sâu, bài bản.

Cần quy chế hóa trách nhiệm và khuyến khích sự cống hiến của đảng viên làm công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, đồng thời cụ thể hóa các điều cấm đối với đảng viên theo Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về những điều đảng viên không được làm” trong nói, viết, tuyên truyền, để tạo thành chế độ vừa phát huy dân chủ, thúc đẩy sáng tạo, vừa bảo đảm giữ nghiêm kỷ luật trong công tác tư tưởng.

10- Cơ chế thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong thực hiện chế độ bảo lưu ý kiến thuộc về thiểu số.

Cần xây dựng quy định về chế độ bảo lưu ý kiến thuộc về thiểu số, gồm: Trường hợp được bảo lưu ý kiến thuộc về thiểu số; quy trình và thời gian xử lý bảo lưu ý kiến thuộc về thiểu số; quyền và trách nhiệm của đảng viên có ý kiến được bảo lưu; phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng bảo lưu mang tính hình thức; ngăn ngừa sự lợi dụng, lạm dụng quyền dân chủ của một số đảng viên./.

PGS, TS. NGUYỄN VĂN GIANG

Hội đồng Lý luận Trung ương

-----------------------------

 

(1) Viện Ngôn ngữ học: Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng, 2003, tr. 214
(2) Xem: C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 737

Theo Tạp chí Cộng sản điện tử

Tin cùng chuyên mục