Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội trường, chiều 30/5. (Ảnh: quochoi.vn)
Phát biểu trong phiên họp tại hội trường chiều 30/5, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ đồng tình và đánh giá cao Quốc hội lựa chọn chuyên đề “việc thực hiện các chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” để giám sát tối cao trong năm 2022.
Theo Bộ trưởng, đây là một quyết định đúng đắn, sát thực tiễn, kịp thời và cũng là một sự đổi mới trong công tác giám sát của Quốc hội khóa XV, thể hiện sự chia sẻ và đồng hành của Quốc hội đối với Chính phủ trong việc kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là những vấn đề khó, vấn đề mới, vấn đề phức tạp giúp công tác điều hành của Chính phủ thuận lợi hơn.
Đối với công tác quy hoạch, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội góp phần đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng của công tác quy hoạch, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới.
Nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra từ Báo cáo giám sát
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Báo cáo giám sát của Đoàn giám sát đã chỉ ra nhiều thành tựu đạt được cũng như những hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan, kèm theo đó là các giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.
Đặc biệt, Đoàn giám sát đã kiến nghị Quốc hội ban hành một nghị quyết giám sát mới để xử lý những tồn tại, hạn chế theo 2 bước, cả những vấn đề trước mắt cần tháo gỡ ngay cũng như những vấn đề căn cơ trong trung và dài hạn.
Bày tỏ sự nhất trí với các nội dung Báo cáo giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát của Quốc hội, Bộ trưởng nhấn mạnh thông qua Báo cáo giám sát, rất nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra trong quá trình lập quy hoạch thời gian qua.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt và đạt được một số kết quả nhất định như: hoàn thành phê duyệt toàn bộ các nhiệm vụ lập quy hoạch của 110/111 quy hoạch (còn 1 quy hoạch chưa làm được là quy hoạch về khoáng sản năng lượng nguyên tử); hình thành được khung định hướng đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia và 5 quy hoạch vùng còn lại để làm cơ sở lập các quy hoạch khác.
Quang cảnh phiên họp tại hội trường, chiều 30/5. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu, vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc do khối lượng công việc lớn, vấn đề mới, khó, phức tạp, từ hệ thống quy hoạch cho đến khái niệm tích hợp quy hoạch, mối quan hệ giữa các quy hoạch, trình tự lập các quy hoạch, nội dung quy hoạch đến phương pháp tiếp cận, phối hợp trong công tác lập quy hoạch…
Ưu tiên phấn đấu hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia trong năm 2022
Để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch và nâng cao chất lượng quy hoạch trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan, các địa phương rà soát, đánh giá, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch để thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phù hợp tình hình thực tiễn, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch.
Theo Bộ trưởng, chất lượng quy hoạch cần phải được ưu tiên hàng đầu và có tính dẫn dắt trong việc cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phải phát huy được tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của quốc gia và phải khắc phục được các hạn chế, khó khăn, mâu thuẫn, chồng chéo, yếu kém, những thách thức của các ngành, lĩnh vực của các vùng lãnh thổ và của các địa phương.
Đồng thời, đáp ứng được yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững của đất nước, và phải tạo được động lực để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, hướng tới mục tiêu trở thành một nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trong năm 2022 sẽ ưu tiên phấn đấu hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia và một số quy hoạch quan trọng, cấp bách, còn các quy hoạch khác sẽ được tổ chức triển khai và hoàn thành dứt điểm trong năm 2023.
Cùng với đó, Chính phủ sẽ tập trung giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, trong đó chú trọng nhiều đến vấn đề nâng cao năng lực của đơn vị tư vấn và cán bộ quản lý nhà nước về quy hoạch. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu của quốc gia về quy hoạch; ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, học tập, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để đổi mới, hoàn thiện phương pháp và nội dung quy hoạch nhằm bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng quy hoạch mà Quốc hội đã đề ra.
Gửi phản hồi
In bài viết