Tình thương… nên duyên
Chúng tôi có dịp đến thăm lớp khuyết tật đặc biệt của cô trong những ngày cơn bão số 3 (Yagi) và lũ lụt vừa đi qua, cô và trò đang cùng nhau lao động vệ sinh lớp học xen vào đó là tiếng cười nói, “trò chuyện” bằng ký hiệu của những đứa trẻ “đặc biệt”. Cô Hương luôn tay, luôn miệng giao tiếp với các em bằng ngôn ngữ ký hiệu.
Năm 1995, cô tốt nghiệp khoa Sư phạm Tiểu học hệ Trung cấp Hà Giang và dạy học tại Hoàng Su Phì - Hà Giang. Đến năm 2017 cô chuyển công tác về giảng dạy tại trường Tiểu học Bình Thuận (TP Tuyên Quang), nuôi dạy trẻ khuyết tật như một mối duyên.
Cô giáo Trần Thị Hương.
Cô Hương chia sẻ: “Thời gian đầu về trường cô được phân chủ nhiệm lớp 2 học sinh bình thường. Nhưng cô thường thấy hình ảnh các bạn học sinh khuyết tật của trường có những nụ cười thơ ngây, đôi mắt trong veo, hành động vô thức cô hỏi các cô giáo trong trường, thì được biết đó là các em học sinh khuyết tật đặc biệt của trường. Cô cứ suy nghĩ mãi, nghĩ mình có mối lương duyên chẳng thể dứt bỏ được những đứa trẻ này.
Năm học 2019 - 2020, cô giáo chủ nhiệm lớp khuyết tật của trường về nghỉ theo chế độ của Nhà nước, cô Hương được Ban giám hiệu nhà trường vận động sang dạy lớp học khuyết tật đặc biệt này. Cô không đắn đo suy nghĩ gì, nên nhận lời chủ nhiệm lớp học luôn. Thời gian đầu, khi mới tiếp nhận lớp học cô gặp nhiều khó khăn vì mỗi em một dạng tật khác nhau, em không kiểm soát được hành vi, thi thoảng lại cào cấu bản thân, đánh bạn, la hét, chạy lung tung… Cô mới hiểu rõ hơn từ lớp học “đặc biệt” là như nào, cô lại càng dành tình yêu thương và muốn bù đắp cho các em nhiều hơn.
Một giờ học chữ của cô giáo Trần Thị Hương và các em học sinh lớp học Khuyết tật đặc biệt A, trường Tiểu học Bình Thuận.
Người mẹ thứ hai
Cô Hương hướng đôi mắt về phía những em học trò nhỏ đang chăm chỉ lau chùi bàn ghế, lớp học và nói: “Lớp học cô có 12 em học sinh, nhiều em hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ phải đi làm ăn xa ở với ông bà nội, ngoại, thiếu thốn tình cảm, bàn tay chăm sóc mẹ. Vì vậy, bản thân cô và các thầy cô giáo ở trường đều hết lòng thương các em”.
Để có phương pháp truyền tải kiến thức dành cho những em khuyết tật hàng ngày, ngoài giờ lên lớp cô vào internet, đọc sách, báo… để tìm hiểu học tập thêm kinh nghiệm của những thầy cô có thâm niên trong nghề dạy trẻ khuyết tật. Nhờ đó, cô rút ra những phương pháp dạy và trang bị thêm kiến thức cho mình để truyền đạt cho các em một cách phù hợp nhất.
Có những em vừa dạy viết được tên mình xong khi cô quay sang hỏi thì lại quên, cô lại phải chỉ bảo lại từ đầu. Dạy trẻ khuyết tật phải từ từ hướng dẫn từng nét chữ, con số, phép tính hay con vật… dần dần các em mới hiểu được. Có những em học 1 - 2 năm rồi vẫn học lớp 1 vì không đọc, viết được chữ. Do vậy, cô luôn kiên trì, chịu khó nắm bắt tính cách, bệnh tật của từng em, đồng thời phải có sự đồng cảm, yêu thương để các em dần dần tiếp thu được kiến thức.
Bên cạnh đó, ngoài giờ học chữ cái, học Toán, cô tổ chức cho các em tập thể dục, vui chơi, múa hát tạo không khí vui nhộn để các em phấn khởi cùng tham gia. Bằng sự nhiệt tình, tìm tòi các phương pháp dạy học phù hợp với từng em, tận tâm giúp đỡ cho các em trong mỗi giờ học trên lớp cô được nhiều phụ huynh tin tưởng và gửi gắm con em mình.
Cô giáo Trần Thị Hương hướng dẫn học sinh lớp học Khuyết tật đặc biệt A, trường Tiểu học Bình Thuận học chữ.
Anh Nguyễn Tiến Trung, tổ dân phố 12, phường Tân Quang cho biết: “Con trai anh là cháu Nguyễn Minh Hiếu, học lớp khuyết tật đặc biệt của cô giáo Hương chủ nhiệm. Tình thương yêu của cô dành cho trẻ khuyết tật đã giúp gia đình yên tâm hơn. Cô giáo như người mẹ thứ 2 của các cháu, gia đình anh vui và ấm lòng trước những cử chỉ ân cần, sự quan tâm của cô dành cho cháu Hiếu. Anh hy vọng cô luôn là người mẹ “truyền lửa” dạy bảo, động viên các cháu không may bị khuyết tật, bớt tự ti để hòa nhập với cuộc sống”.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hương, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Thuận cho biết: “Cô Trần Thị Hương là một giáo viên yêu nghề, tận tâm với học sinh khuyết tật, có nhiều phương pháp dạy học phù hợp để bật lên điểm mạnh, khắc phục dần khiếm khuyết, hạn chế, giúp học sinh khuyết tật tự tin hòa nhập.
Cô thường xuyên chia sẻ công việc cùng đồng nghiệp, nhiệt tình tham gia các phong trào của trường, ngành phát động. Tôi luôn trân trọng tấm lòng, ý chí cầu tiến, nghị lực của cô Hương để làm tròn nhiệm vụ của một nhà giáo trong lớp học giáo dục đặc biệt. Với lòng yêu nghề, mến trẻ và sự phấn đấu của bản thân, nhiều năm liền cô đạt danh hiệu lao động tiên tiến, được các cấp tặng nhiều giấy khen”.
Chia tay lớp học Khuyết tật đặc biệt A của cô giáo Trần Thị Hương, chúng tôi nhớ mãi hình ảnh những đôi mắt lanh lẹ đáng yêu ú ớ gọi từng câu chậm rãi “con, chào cô, con chào mẹ! Con về”. Đó là điều hạnh phúc lớn nhất mà cô Hương mong các em khuyết tật được hòa nhập với cộng đồng, xã hội.
Gửi phản hồi
In bài viết