Người thợ cả ở Làng Hun

- Bằng kiến thức, kinh nghiệm được tích lũy từ thực tiễn, người thợ cả ấy đã thiết kế, xây rất nhiều ngôi nhà cao tầng trong xóm. Điều đặc biệt, những việc ấy đều làm không công, chỉ với suy nghĩ giản đơn giúp các hộ nghèo quê có ngôi nhà vững chãi. Anh là Bàn Dào Quyên - Người đặt viên gạch đầu tiên cho những ngôi nhà đoàn kết ở khu tái định cư làng Hun, thôn Hùng Dũng, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa).

Người thợ cả không công

Anh Quyên chỉ là một nông dân chân lấm tay bùn, sáng đi buôn lợn giống, chiều về làm ruộng. Trong ánh mắt mọi người dân, nhất là bà con ở làng Hun, thôn Hùng Dũng nói riêng, xã Hùng Mỹ nói chung, nói về anh là nói bằng sự ngưỡng mộ, biết ơn, khâm phục vì cái tâm, cái tài của anh. Anh Quyên được bà con gọi với nhiều cái tên trìu mến: “Thợ cả”, “Người đặt viên gạch đầu tiên cho những ngôi nhà đoàn kết ở làng Hun”...

Gần 20 năm trước, gia đình anh Bàn Dào Quyên cùng 24 hộ dân tộc Dao, xã Xuân Tân (Na Hang) về Hùng Dũng định cư. Khi ấy nhà ai cũng nghèo, nhà anh Quyên cũng không ngoại lệ. Công việc chính của vợ chồng anh là cấy lúa, trồng ngô, hết mùa vụ, anh Quyên làm thêm công việc chạy chợ buôn lợn giống, phụ vữa cho các đội xây trong và ngoài huyện kiếm thêm thu nhập phụ vợ nuôi con ăn học.

Anh Bàn Dào Quyên.

Phụ vữa 3 - 4 năm, anh mới được lên làm thợ chính đứng xây. Khi ấy, làng anh, nhà nhà cũng chỉ có tục lệ dựng ngôi nhà gỗ 3 gian. Theo thời gian, những ngôi nhà gỗ dần xuống cấp, cộng thêm con cái các gia đình lớn lên, ngôi nhà trở nên chật hẹp, cần phải mở rộng hơn. Tuy nhiên, gỗ giờ hiếm, chi phí mua gỗ dựng một cái nhà rất tốn kém. Bà con trong xóm bàn nhau chuyển sang nhà xây.

Ngặt nỗi, nhà ai cũng nghèo, kiếm đủ tiền mua vật liệu xây được cái nhà đã khó, tiền đâu trả công thợ. Thế là mấy người đàn ông trong xóm bàn nhau góp vật liệu, đổi công xây nhà. Người biết nhiều chỉ người biết ít, chị em không biết thì hộ đào móng, phụ vữa. Trong nhóm, anh Quyên là thợ xây giỏi nhất, chịu trách nhiệm làm thợ cả.

Anh hỗ trợ các gia đình thiết kế, tính toán nguyên vật liệu, phụ trách kỹ thuật, phân công mọi người làm các công đoạn để hoàn thiện một ngôi nhà. Ngôi nhà đầu tiên trong xóm được xây dựng theo hình thức đổi công là nhà anh Lý Phúc Bảo, rồi đến ngôi nhà thứ 2, thứ 3 tiếp tục mọc lên. Đến nay, Làng Hun có ngót 20 ngôi nhà xây kiên cố từ 1 đến 2 tầng.

 Căn nhà của gia đình anh Lý Văn Ngân do anh Bàn Dào Quyên thiết kế, xây dựng.

Anh Quyên chia sẻ: “Tất cả kiến thức, kinh nghiệm của tôi đều được đúc rút từ thực tiễn. Quá trình đi làm thợ hồ thuê, tôi chăm chỉ học tập, quan sát, về nhà nghiên cứu. Đi đến đâu, tôi quan sát mẫu mã những ngôi nhà xây bên đường, để về học và làm cho anh em trong xóm. Việc hỗ trợ thiết kế mẫu, tính toán nguyên vật liệu cho các gia đình đều là giúp không công”.

Việc thiết kế, tính toán xây mỗi ngôi nhà có khi 1 buổi, có nhà vài buổi, thậm chí có nhà anh phải mất ăn, mất ngủ vài đêm, tính toán sao cho hợp lý nhất, vừa tiết kiệm được chi phí, nhà vẫn đảm bảo yêu cầu, đủ diện tích sử dụng.

Nghĩa tình bản làng, vì bà con đã giúp anh tận tụy như thế. Anh bảo, bà con trong xóm còn nghèo. Cứ cái gì tốt cho làng, cho bà con, mình làm được, mình cố gắng làm, không tính toán nhiều. 

Với suy nghĩ chân thành ấy, đến nay, anh Bàn Dào Quyên đã nhận trọng trách “thợ cả” cho rất nhiều ngôi nhà xây kiên cố tại Làng Hun. Nhờ thế, diện mạo Làng Hun ngày một khang trang hơn, đẹp đẽ hơn, cuộc sống bà con bản Dao ngày càng được nâng cao hơn.

Những ngôi nhà xây từ tình đoàn kết

Hiện, hầu hết những người đàn ông trẻ ở Làng Hun đều học nghề xây từ anh Quyên.

- Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ mình có được ngôi nhà khang trang thế này. Thế nhưng, ước mơ đã trở thành hiện thực. Vợ chồng tôi mừng, phấn khởi lắm - chị Lý Thị Phái, người dân Làng Hun, thôn Hùng Dũng đã thốt lên như vậy khi chia sẻ có căn nhà mới.

Chị Phái cho biết, vợ chồng chị kết hôn hơn 20 năm nay, chồng chị ốm đau quanh năm, ngôi nhà gỗ, vách nứa hễ mưa là dột, gió thì lùa thông thốc nhưng gia đình chưa có điều kiện làm mới. Một căn nhà kiên cố để chống chọi với bệnh tật là niềm mong mỏi lớn lao đối với chị. Trước hoàn cảnh của gia đình chị Phái, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã huy động nguồn lực hỗ trợ 50 triệu đồng để gia đình xây dựng nhà mới.

 Anh Bàn Dào Quyên giới thiệu những ngôi nhà do anh hỗ trợ xây dựng.

Thế nhưng, dù biết đã được hỗ trợ một phần, nhưng chị Phái vẫn không dám làm. Chị ngẫm nghĩ, chồng bệnh tật, làm cái nhà hết nhiều tiền thế, mình thân đàn bà chân yếu tay mềm, biết gì mà lo, làm sao làm trụ cột gánh vác được. Hiểu được nỗi lòng chị, anh Quyên đã giúp chị thiết kế, dự toán kinh phí đến thi công. Hầu hết các công việc xây dựng đều một tay anh Quyên quán xuyến, lo liệu. Ngày nhận nhà mới, chị Phái mừng lắm. 2 mắt chị rơm rớm vì xúc động, biết ơn anh Quyên cùng bà con lối xóm đã giúp đỡ chị hoàn thành ngôi nhà. Vậy là từ nay, gia đình chị không phải lo lắng chạy mưa nữa rồi.  

Rời nhà chị Phái, chúng tôi đến thăm ngôi nhà 2 tầng sơn xanh, nền lát hoa bóng loáng giữa làng của gia đình anh Lý Văn Ngân. Anh Ngân cho biết, gia đình anh xây nhà năm 2019, đều do một tay anh Quyên hỗ trợ lên dự toán kinh phí, phân công mọi người làm. Mặc dù anh Ngân cũng biết xây, nhưng anh Quyên cứng tay nghề hơn, nên gia đình đã nhờ anh Quyên làm thợ cả, đứng ra do liệu mọi việc từ dự toán kinh phí đến đôn đốc anh em hộ nhau làm.

“Tinh thần đoàn kết và cách làm sáng tạo của anh Quyên cùng bà con Làng Hun  đã xây dựng thôn xóm ngày càng phát triển khang trang. Đặc biệt, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả chương trình xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn” - Đồng chí Hà Hướng Dương,  Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hùng Mỹ chia sẻ.

Chia tay làng Hun, chúng tôi thầm cảm phục tấm lòng anh Quyên. Một người nông dân bản Dao không qua các trường lớp đào tạo nhưng anh đã làm được những điều kỳ diệu, đó là dựng xây được rất nhiều những ngôi nhà cao tầng tại bản làng. Và hơn cả, chính là dựng xây tinh thần đoàn kết, sẻ chia bà con lối xóm, để ngày càng nhiều hộ nghèo trong thôn có ngôi nhà ấm cúng.

Bàn

Tin cùng chuyên mục