Phái đoàn doanh nghiệp UAE thăm Syria.
Các quốc gia Arab vùng Vịnh đã hạ cấp hoặc đóng cửa các cơ quan đại diện ngoại giao ở thủ đô Damascus sau khi Chính phủ Syria trấn áp những cuộc biểu tình leo thang thành cuộc nội chiến hồi năm 2011. Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), quốc gia đã mở lại cơ quan đại diện ngoại giao tại Damascus hồi cuối năm 2018, đã cử Bộ trưởng Ngoại giao sang thăm Syria và gặp Tổng thống nước chủ nhà Assad tháng 11/2021. Abu Dhabi cũng kêu gọi cho phép Syria quay trở lại Liên đoàn Arab (AL). Syria và UAE đã ký một thỏa thuận xây dựng nhà máy điện Mặt trời gần thủ đô Damascus. Trong khi đó, Oman cũng đã khôi phục vị trí Đại sứ tại Syria và hai bên đã tổ chức cuộc hội đàm nhằm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực.
Jordan và Syria quyết định tăng cường quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, sau hội nghị cấp bộ trưởng giữa hai bên. Jordan và Syria kêu gọi củng cố quan hệ đối tác trong các lĩnh vực năng lượng, nước và nông nghiệp. Về thương mại, hai bên đã thống nhất danh mục hàng hóa ưu tiên trao đổi, cũng như việc mở lại Khu vực tự do Jordan-Syria. Trong lĩnh vực nước, hai bên đồng ý tái khởi động ủy ban chung để thực hiện một thỏa thuận ký năm 1987 và tăng cường hợp tác để thu lợi từ nguồn nước ở lưu vực sông Yarmouk. Về năng lượng, Jordan và Syria đồng ý tái kích hoạt tuyến đường dây tải điện nối hai nước, tập trung vào khôi phục lưới điện tại Syria.
Các cuộc tiếp xúc và động thái cải thiện quan hệ ngoại giao giữa Syria và các nước trong khu vực là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ ấm dần lên giữa Syria với khối Arab vốn bị gián đoạn kể từ khi nổ ra cuộc nội chiến ở Syria năm 2011. Việc khôi phục hợp tác với các nước Arab trong khu vực mở ra những cơ hội hợp tác góp phần giúp tái thiết nền kinh tế Syria. Sau một thập kỷ bị chiến tranh, xung đột tàn phá và chịu ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, bên cạnh tác động của dịch Covid-19, kinh tế Syria đứng trước nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo gia tăng, trong khi đồng nội tệ Syria mất giá mạnh. Quốc hội Syria vừa thông qua dự thảo ngân sách trị giá 5,3 tỷ USD cho năm 2022, giảm so với mức tương ứng 6,8 tỷ USD của năm 2021, trong bối cảnh những khó khăn kinh tế tại quốc gia Trung Đông này ảnh hưởng tới tình hình tài chính công.
Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế lo ngại về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria, Bộ Tài chính Syria cam kết rằng, chính sách an sinh xã hội của nước này sẽ được duy trì ổn định và không bị ảnh hưởng trong thời gian tới. Chính quyền Damascus đã dành riêng 5.530 tỷ bảng Syria cho các chương trình hỗ trợ xã hội, trong đó có trợ cấp các mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu, lúa mì, đường và gạo. Năm ngoái, Syria cũng đã chi khoảng 3.500 tỷ bảng Syria cho các chương trình tương tự. Chính phủ Syria đang trong quá trình triển khai nhiều biện pháp mới để hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Dự kiến, quốc gia này cũng sẽ phân bổ khoảng 2.000 tỷ bảng Syria cho nguồn lực đầu tư mới, trong khi thâm hụt ngân sách của năm tới sẽ vào khoảng 4.100 tỷ bảng Syria.
Việc thiết lập trở lại quan hệ với các quốc gia Arab góp phần đưa Syria hội nhập dần trở lại khu vực sau nhiều năm nội chiến. Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Syria, ông Geir Pedersen (G.Pi-đơ-xơn) kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại Syria, đưa quốc gia Trung Đông trở lại quỹ đạo phát triển.
Gửi phản hồi
In bài viết