Tổ chức xã hội hỗ trợ người dân Mali. (Ảnh: ASME)
Lãnh đạo các nước ECOWAS, trong một hội nghị được tổ chức bất thường, đã nhất trí áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Mali, bao gồm triệu hồi đại sứ của tất cả các nước thành viên ECOWAS tại Bamako về nước, đóng cửa biên giới trên không và trên bộ, đình chỉ mọi giao dịch tài chính và kinh tế-thương mại, trừ các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Các lệnh trừng phạt của ECOWAS nhằm vào Mali có hiệu lực ngay lập tức. Trước đó, tháng 8/2020, ECOWAS cũng áp đặt một số biện pháp trừng phạt đối với Bamako.
Quyết định trừng phạt Mali được ECOWAS đưa ra cho thấy dấu hiệu của “giọt nước tràn ly” khi tổ chức này không còn đủ kiên nhẫn nhìn chính quyền quân sự quốc gia Tây Phi cứ tìm mọi lý do để trì hoãn lịch trình khôi phục chính phủ dân sự sau hai cuộc đảo chính và một cuộc tiếp quản quân sự. Trong khi ECOWAS gây sức ép đòi Mali tổ chức các cuộc bầu cử hợp pháp vào tháng 2/2022 theo đúng cam kết để người dân có quyền lựa chọn một chính phủ dân sự, thì chính quyền quân sự quốc gia Tây Phi lại khăng khăng cho rằng, sẽ chỉ ấn định ngày bầu cử sau khi tổ chức một hội nghị toàn quốc.
ECOWAS đã giữ đúng lập trường cứng rắn và các cảnh báo được đưa ra trước đây đối với Mali. Tại Hội nghị cấp cao ECOWAS được tổ chức vào giữa tháng 12/2021, tại Nigeria, các nhà lãnh đạo Tây Phi đã yêu cầu Mali tuân thủ kế hoạch tổ chức các cuộc bầu cử vào tháng 2/2022, nếu không sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung ngay trong tháng 1/2022. Chủ tịch ECOWAS Jean-Claude Kassi Brou (G.Bru) nêu rõ, tổ chức khu vực này đã cho Mali nhiều cơ hội nhưng Bamako đều để vuột khỏi tầm tay, dù trước đó người đứng đầu chính quyền quân sự Mali cam kết sẽ trình ECOWAS khung thời gian tiến hành bầu cử trong tháng 1/2022.
Mali đã bị ECOWAS đình chỉ tư cách thành viên sau hai cuộc đảo chính quân sự xảy ra ở quốc gia Tây Phi trong chưa đầy một năm, vào tháng 8/2020 và tháng 5/2021. Tháng 11/2021, ECOWAS cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào giới lãnh đạo quân sự ở Mali.
Dưới áp lực từ ECOWAS và cộng đồng quốc tế, chính quyền quân sự Mali từng cam kết sẽ chuyển giao quyền lực cho lực lượng dân sự sau các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội dự kiến được tổ chức vào đầu năm 2022. Theo đó, tháng 4/2021, Bộ trưởng phụ trách hành chính lãnh thổ của chính quyền quân sự Mali, Trung tá Abboulaye Maiga (A.Mai-ga) khẳng định sẽ tổ chức vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 27/2/2022 và vòng 2 sau đó một tháng, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt cam kết về một tiến trình chuyển tiếp kéo dài 18 tháng để trao trả quyền lãnh đạo đất nước cho chính phủ dân sự. Tuy nhiên, các cam kết của chính quyền quân sự Mali đều bị chính họ phá vỡ ngay trước thời điểm dự kiến tổ chức các cuộc bầu cử. Chính quyền Mali cũng từng đề xuất “thời gian đệm” kéo dài 5 năm để chuyển giao quyền lực từ quân sự sang dân sự, song bị ECOWAS và liên minh các chính đảng ở Mali thẳng thừng bác bỏ.
Cùng với ECOWAS, Liên hợp quốc cũng rất tích cực đóng góp cho việc khôi phục an ninh và trật tự tại Mali, thể hiện qua việc Tổng Thư ký Liên hợp quốc bổ nhiệm một nhân vật giàu kinh nghiệm là ông El-Ghassim Wane (E.Oa-nê) làm Đặc phái viên về Mali. Nhà ngoại giao mang quốc tịch Mauritania này từng có nhiều năm công tác tại Liên minh châu Phi (AU) và từng làm Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc về các hoạt động gìn giữ hòa bình. Kể từ khi được bổ nhiệm vào tháng 3/2021, ông Wane đã tích cực kết nối, hòa giải và thực hiện nhiều chuyến đi con thoi tới Mali và khu vực. Tuy nhiên, các nỗ lực này chỉ như “đá ném ao bèo” trước thái độ hờ hững và thiếu hợp tác của chính quyền quân sự Mali.
Trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt đang siết chặt, tình trạng an ninh bất ổn, kinh tế sa sút, dịch Covid-19 vẫn phủ bóng lên Mali, cộng đồng quốc tế mong chờ động thái tích cực trong tiến trình chuyển giao quyền lực hợp pháp để người dân quốc gia Tây Phi bước vào năm mới 2022 với một tương lai tươi sáng và ổn định.
Gửi phản hồi
In bài viết