Sơ chế sầu riêng xuất khẩu tại Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu. (Ảnh MINH HÀ)
Theo Trung tâm WTO và hội nhập (thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), RCEP được thực thi từ ngày 1/1/2022 đã tạo nên một thị trường lớn có quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP gần 27 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu.
RCEP trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại.
Vì vậy, việc Việt Nam ký RCEP đã đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng như mang lại thêm nhiều cơ hội mới, lợi ích thiết thực khi tất cả các thành viên tham gia RCEP đều là những đối tác quen thuộc của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.
Sau gần 1 năm thực thi, RCEP được đánh giá góp phần tạo lập một cấu trúc thương mại mới trong khu vực, thúc đẩy thương mại theo hướng tự do hóa, thuận lợi hóa một cách bền vững. Từ đó giúp Việt Nam tiếp cận các thị trường tiêu dùng lớn gấp đôi quy mô của các thị trường trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Việt Nam đã được hưởng lợi rất lớn từ việc xuất khẩu trước nhu cầu của thị trường các nước thành viên RCEP đối với mặt hàng nông lâm thủy sản, công nghiệp chế biến, may mặc,...
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), riêng chín tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước RCEP đạt 108,48 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2021; trong khi với CPTPP chỉ đạt hơn 41 tỷ USD. Với các cam kết trong RCEP, quy trình xuất, nhập khẩu được đơn giản hóa, giúp giảm thời gian, chi phí, gia tăng tỷ suất lợi nhuận cho các doanh nghiệp Việt Nam,...
Chưa kể ngoài việc tạo nên một thị trường lớn, thời gian tới Việt Nam và các nước đối tác trong RCEP sẽ xóa bỏ khoảng 90% các dòng thuế nhằm tạo ra một thị trường tự do nội khối mang tính bền vững hơn, không có sự cạnh tranh bất bình đẳng. Từ đó, bảo đảm cho các doanh nghiệp Việt Nam được quyền tham gia vào thị trường các quốc gia trong khu vực, kể cả trong thương mại cũng như đầu tư, tăng khả năng xuất, nhập khẩu.
Tuy nhiên, với một sân chơi lớn đang được rộng mở thì cạnh tranh là xu hướng tất yếu của hội nhập kinh tế quốc tế. Bất kỳ FTA nào cũng tiềm ẩn thách thức bên cạnh cơ hội, đặc biệt với RCEP. Bởi những thách thức truyền thống có thể lớn hơn nhiều so các FTA khác khi các nền kinh tế thành viên của RCEP có sức cạnh tranh rất mạnh, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu gần tương đồng với Việt Nam (dệt may, giày dép, thực phẩm chế biến,…) khiến việc xuất khẩu sang các nước đối tác sẽ ngày một khó khăn hơn, với những tiêu chuẩn chất lượng cao hơn.
Từ những thành công và hạn chế trong quá trình thực thi RCEP một năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng triệt để lợi thế, biết hóa giải khó khăn để tạo sức bật mới cho tăng trưởng kinh tế đất nước. Luôn mang trong mình tâm thế sẵn sàng cho mọi tình huống, phòng ngừa rủi ro, xác định rõ những cơ hội và thách thức ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Chủ động nắm bắt, tìm hiểu để chuẩn bị trước những tác động bất lợi của RCEP, tránh gia tăng cạnh tranh ngay tại thị trường nội khối.
Về lâu dài, giải pháp nền tảng mang tính bền vững là nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, không chỉ nhằm tận dụng RCEP hay các FTA khác mà còn để trụ vững trong bối cảnh sự cạnh tranh trên thế giới đang ngày càng gia tăng.
Mặt khác, cùng với động lực từ các FTA mà Việt Nam đã có trước đó, Nhà nước cần thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn về thể chế, chính sách hỗ trợ vượt lên trên các cam kết của RCEP; đẩy nhanh việc xây dựng các văn bản pháp luật để thực thi RCEP vì lợi ích lâu dài của nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam,...
Gửi phản hồi
In bài viết