Xe điện của VinFast lọt vào danh sách 10 sản phẩm bán chạy nhất trong 6 tháng đầu năm 2023.
Bước đầu “chạm ngõ”
Thị trường ô tô Việt đang chứng kiến bước chuyển mình mạnh mẽ của dòng xe điện, xe sử dụng năng lượng "xanh". Có thể thấy rõ điều này khi lần đầu tiên hai mẫu xe điện của VinFast là VF 8 và VF e34 cùng lọt vào danh sách 10 sản phẩm bán chạy nhất trong 6 tháng đầu năm 2023.
Đây là tín hiệu tích cực bởi VF 8 và VF e34 là 2 mẫu xe điện duy nhất trong danh sách, trong đó, VF 8 là mẫu xe có doanh số dẫn đầu phân khúc SUV hạng D.
Đáng kể hơn là dòng xe điện của VinFast đạt được thành quả trên trong bối cảnh thị trường lao dốc, người dân thắt chặt chi tiêu khiến sức tiêu thụ ô tô giảm mạnh.
Hiện nay, VinFast đã và đang phát triển dải sản phẩm gồm 6 mẫu ô tô điện trải đều các phân khúc A - B - C - D - E gồm: VF e34, VF 5 Plus, VF 6, VF 7, VF 8 và VF 9.
Một tên tuổi khác cũng đang có những bước đi đáng chú ý trong việc chiếm lĩnh thị phần xe "xanh" là Mercedes-Benz. Cuối năm 2022, Mercedes lần đầu tiên đưa về Việt Nam mẫu xe đầu bảng của dòng xe điện EQ - EQS sedan.
Sau EQS, Mercedes-Benz tuyên bố sẽ đưa thêm 3 mẫu SUV điện về Việt Nam, bao gồm: EQB SUV - SUV hạng sang cỡ nhỏ, EQE SUV - SUV hạng sang cỡ trung, và EQS SUV - SUV hạng sang cỡ lớn. Thương hiệu BMW cũng gia nhập cuộc đua đưa dòng xe điện vào thị trường Việt Nam bằng mẫu i7, bản thuần điện của chiếc sedan đầu bảng Series 7.
Mới đây, thương hiệu Volvo cũng tham gia phân khúc xe điện bằng kế hoạch đưa chiếc C40 về bán trong năm 2023. Còn hãng Nissan thì nổi bật với mẫu Kicks e-Power, một "chiến binh" tiên phong tại thị trường Việt Nam khi không cần phải sạc pin nhưng lại đem đến trải nghiệm lái như xe thuần điện và sở hữu hàng tá công nghệ hiện đại, độc quyền từ thương hiệu Nhật Bản.
Một dòng xe khác là hybrid (xe vừa chạy xăng vừa chạy điện) gần đây cũng được nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam quan tâm bởi dòng xe này nạp nhiên liệu dễ dàng như các mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống nhưng lại có khả năng tiết kiệm nhiên liệu khoảng 30 - 35% so với các dòng ô tô truyền thống.
Hãng Honda Việt Nam mới đây đã công bố thông tin về loạt xe hybrid sắp được ra mắt trong năm nay. Cũng tiếp cận thị trường Việt Nam bằng dòng xe hybrid, đầu tháng 8 vừa qua, thương hiệu ô tô Great Wall Motor của Trung Quốc chính thức ra mắt chiếc Haval H6 HEV thế hệ thứ ba sử dụng công nghệ hybird tại thị trường Việt Nam.
Do không cần phải lo sạc pin như ô tô thuần điện nên người dùng xe không cần phải tính toán quãng đường hay thay đổi thói quen sử dụng xe. Chiếc Haval H6 sử dụng công nghệ hybrid vẫn hoạt động như một chiếc xe trang bị động cơ đốt trong thông thường, chỉ khác là tiết kiệm nhiên liệu hơn, ít phát thải carbon hơn, từ đó giảm ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận định: "Những biến đổi ngày càng phức tạp của khí hậu cùng với sự khan hiếm về tài nguyên dầu mỏ, khí đốt đòi hỏi con người nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và việc các quốc gia trên thế giới đang có bước chuyển mạnh mẽ sang các phương tiện vận tải sử dụng nhiên liệu "xanh" là một xu thế tất yếu.
Không nằm ngoài xu thế ấy, tuy chậm hơn nhưng Việt Nam cũng đã có những động thái mới trong việc sử dụng phương tiện giao thông "xanh". Trước tiên, phải khẳng định đây là dòng xe hợp với đô thị vì giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường, hệ thống trạm sạc bao phủ rộng rãi, lộ trình ngắn.
Tại Việt Nam hiện mới chỉ phổ biến dòng ô tô chạy điện là xe taxi và xe buýt. Xe điện mini chạy trong các khu du lịch cũng có nhưng không đáng kể. Số người mua xe ô tô điện chưa nhiều".
Một mẫu ô tô điện hạng sang vừa có mặt tại Việt Nam.
Cần có chính sách ưu tiên
Nhu cầu về xe điện tại Việt Nam có thể tăng nhanh hơn nữa vào năm 2025, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước châu Âu giảm xuống. Cùng với đó, những chính sách hỗ trợ xe điện của Nhà nước cũng khiến giá thành cũng như chi phí sở hữu xe điện sẽ thấp hơn.
Nghị định 10/2022/NĐ-CP quy định ô tô điện chạy pin sẽ nộp phí trước bạ lần đầu với mức thu là 0% kể từ ngày 1-3-2022, trong vòng 3 năm. Trong 2 năm tiếp theo, mức thu bằng 50% so với ô tô chạy xăng, dầu có cùng chỗ ngồi. Chính sách này khiến nhiều người tiêu dùng quan tâm hơn đến xe ô tô điện, bước đầu thu hút thêm nhiều nhà sản xuất và phân phối ô tô tham gia vào thị trường này.
Tiếp đó, Quốc hội chính thức thông qua Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó có nội dung giảm thuế cho ôtô điện. Cụ thể, từ 1-3-2022 đến 28-2-2027, ôtô điện chạy pin loại chở người từ 9 chỗ trở xuống chịu mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) 3% thay vì 15% như trước đó. Ngoài ra, xe thuần điện loại chở người từ 10 đến dưới 16 chỗ chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt 2%, loại chở người từ 16 - 24 chỗ chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt 1%. Loại vừa chở người, vừa chở hàng chịu mức thuế suất 2%.
Các chuyên gia nhận định, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ góp phần giúp các hãng có cơ hội hạ giá bán xe thuần điện tại Việt Nam, đồng thời khuyến khích đầu tư, sản xuất ôtô điện chạy pin, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và định hướng sản xuất tiêu dùng theo hướng phát triển công nghiệp sạch.
Cũng trong năm 2022 (ngày 22-7), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon và khí metan của ngành Giao thông vận tải. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng lộ trình chấm dứt nhập khẩu, sản xuất và phân phối xe động cơ đốt trong đến năm 2050. Các nhà sản xuất ô tô điện nội địa được ví như niềm tự hào của ngành công nghiệp của mỗi quốc gia. Do đó, những doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi sang EV sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt như miễn thuế doanh nghiệp có thời hạn, trợ cấp công nghiệp...
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, vì ô tô điện mới chỉ bước những bước đầu tiên vào thị trường ô tô Việt Nam nên dòng xe này cũng đang gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Văn Thanh chỉ rõ: "Xe điện chưa được sử dụng nhiều nguyên nhân chính là do kế hoạch dài hạn cho dòng xe này còn ít. Nếu muốn phát triển dòng xe ô tô điện, không phải đợi đến 2050, mà ngay từ 2030 các đô thị đã phải có kế hoạch hạn chế các xe chạy bằng xăng trong đô thị. Ngoài ra, phương tiện giao thông "xanh" này đòi hòi cơ sở hạ tầng phải đầy đủ, hệ thống trạm sạc, các trạm bảo trì, sửa chữa... bố trí hợp lý. Tuy nhiên việc xây dựng hay thiết kế cơ sở hạ tầng dành cho loại xe này còn khá mới mẻ tại Việt Nam".
Trước thực trạng trên, anh Lê Tiến Thịnh, Giám đốc điều hành Haval Việt Nam bày tỏ, điều kiện mang tính sống còn của ô tô điện là phải có hạ tầng trạm sạc. Tại các quốc gia châu Âu, các hãng sản xuất ô tô nội địa được hưởng nhiều chính sách khuyến khích phát triển trạm sạc như: Ưu tiên về quỹ đất xây dựng hạ tầng, kết nối lưới điện, chính sách ưu đãi vay vốn... Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có những chính sách này nên các trạm sạc còn ít. Cụ thể, tại Hà Nội hiện chỉ có các trạm sạc tại trung tâm thương mại Vincom, ngoài ra không có một trạm sạc tư nhân nào. Câu chuyện không đơn giản như việc "thiếu thì lắp thêm" mà do các hãng xe không chắc chắn được việc xe của mình có bán chạy không, nếu lắp trạm sạc sau khi bán xe thì lại không đủ số lượng trạm sạc cho người dùng có thể sử dụng được. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chưa được đẩy mạnh, người dân chưa biết từ xe xăng chuyển sang xe điện sẽ như thế nào, chạy ra làm sao, sơ đồ trạm sạc nằm ở đâu"...
Có thể thấy, hiện vẫn còn quá sớm để bình luận về cơ hội thành công của "xe xanh" tại thị trường Việt, nhưng hiện tại, với cuộc đua của các hãng xe, người tiêu dùng sẽ là người hưởng lợi trực tiếp khi được tiếp cận các sản phẩm có giá tốt và đa dạng lựa chọn. Đặc biệt, không thể phủ nhận đây là dòng xe phù hợp với đô thị, khi nhu cầu tăng cao, hệ thống trạm sạc bao phủ rộng rãi hơn... thì chắc chắn "xe xanh" sẽ có được chỗ đứng vững chắc trong thị trường Việt.
Gửi phản hồi
In bài viết