Nắm bắt cơ hội
Gia đình chị Bàn Thị Nguyên, tổ dân phố 11, phường An Tường, TP Tuyên Quang từng là hộ có hoàn cảnh rất khó khăn, do bố mẹ thường xuyên đau ốm và một người con gái bị câm, điếc bẩm sinh. Hai vợ chồng chị từng đi làm thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống và tích cực tăng gia sản xuất với mô hình nuôi lợn, nuôi bò; nhưng không hiệu quả. Đầu tháng 3-2021, chị Nguyên đã dồn toàn bộ số tiền tích cóp được, vay mượn để mua lại một trại gà với giá rẻ. Chị đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại rộng 1.200 m2, với 7.000 con gà đẻ và gà hậu bị Ai Cập.
Trung bình mỗi ngày, chị xuất bán hơn 2.000 quả trứng, với giá 2.600 - 3.000 đồng/quả... Ngoài ra, chị còn bán phân gà ủ trấu để bón cho cây trồng, với giá 22.000 đồng/bao. Chị tận dụng hơn 3.000 m đất ao, nuôi thả cá trê ta lai và trồng hoa sen. Chỉ sau nửa năm đầu tư chăn nuôi gà, chị đã thu về hơn 400 triệu đồng. Sau trừ chi phí, thu lãi trên 30 triệu đồng/tháng. Hiện mô hình đã giúp gia đình chị có nguồn thu nhập khá và ổn định, tạo việc làm cho 2 vợ chồng người con gái cả bị khuyết tật, với mức lương 5 triệu đồng/tháng/người.
Chị Bùi Thị Hằng, chủ cửa hàng nội thất Trọng Tín, ở tổ 11, phường Tân Quang vốn là một cử nhân ngành tài chính ngân hàng. Thế nhưng chị lại thành công với nghề “tay trái”. Chị đã trợ giúp đắc lực để chồng chị thành lập và điều hành Công ty TNHH một thành viên Trọng Tín khi gia tài có chưa đến chục triệu đồng.
Nhờ biết nắm bắt cơ hội, chị Bùi Thị Hằng, chủ cửa hàng nội thất Trọng Tín, ở tổ 11, phường Tân Quang có thu nhập 1,2 tỷ đồng/năm từ buôn bán đồ gỗ nội thất.
Với phương châm: “Đem sản phẩm tốt, giá tốt nhất đến khách hàng”, công ty đã bán, sửa chữa máy tính và các loại phần mềm thiết bị văn phòng cho hàng nghìn lượt khách hàng từ cá nhân đến các đơn vị, doanh nghiệp, trường học... trong suốt 13 năm qua; tạo việc làm cho 6 lao động địa phương.
Gia đình chị mua được đất, làm được nhà ngay tại Khu dân cư Việt Mỹ, nơi dân cư sầm uất và có tốc độ xây dựng nhà ở mạnh nhất trên địa bàn thành phố. Tận dụng lợi thế về vị trí này, cuối năm 2021, chị Hằng mạnh dạn bước riêng sang lĩnh vực chị yêu thích từ lâu. Đó là khai trương cửa hàng nội thất Trọng Tín, chuyên bán các loại giá kệ siêu thị, bàn ghế nội thất gia đình, trường học, văn phòng, quán cà phê... Chị đã ứng dụng công nghệ thông tin, thường xuyên viết bài quảng cáo, giới thiệu, bán hàng trên mạng xã hội. Nhiều người biết đến chị và các đơn hàng của các cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp ngày càng nhiều. Năm 2022, doanh thu của cửa hàng đạt trên 1,2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 3 lao động, với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng.
Đồng hành cùng phụ nữ
Chị Long Thị Hằng, tổ 13, phường Đội Cấn lại “đi lên” từ nghề may quần áo thời trang, phông, rèm, đồng phục và kinh doanh chăn, ga, gối, đệm. Năm 2019, chị thành lập Công ty TNHH đầu tư sản xuất Hoàng Hà, chuyên thiết kế, bán buôn và bán lẻ các sản phẩm quần áo thời trang trẻ em. Qua nắm bắt tình hình và nhu cầu của chị Hằng, năm 2020 Hội LHPN phường Đội Cấn đã đứng ra tín chấp để chị Hằng được vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Số vốn được vay đã “trợ lực” giúp chị Hằng có thêm nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất.
Chị đã đưa các sản phẩm do mình sản xuất lên quảng cáo, giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki... Các mặt hàng của chị được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến và đặt hàng với số lượng lớn. Hiện công ty đang duy trì một xưởng may, tạo việc làm cho 10 lao động, với mức lương từ 4 - 10 triệu đồng/người/tháng. Bình quân xưởng sản xuất trên 500 sản phẩm/ngày. Nhờ mô hình này, cuộc sống gia đình chị ngày càng khá giả. Hiện chị đang có một mảnh đất rộng 4 ha, với nhiều dự tính trong tương lai.
Nhờ Hội LHPN phường đứng ra tín chấp, chị Long Thị Hằng, tổ 13, phường Đội Cấn được vay 100 triệu đồng để mở rộng
mô hình thiết kế, may, bán buôn, bán lẻ quần áo.
Theo báo cáo của Hội LHPN thành phố, trong năm qua, thành phố Tuyên Quang đã tiếp tục duy trì và phát triển 1.207 mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, với mức thu nhập trên 150 triệu đồng/năm; vận động xây dựng mới 15 mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ. Nhằm giúp các chị em phát triển ngày càng có hiệu quả các mô hình kinh tế, các cơ sở Hội phụ nữ thành phố đã phối hợp tổ chức 10 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về chuyển đổi vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi cho trên 500 lượt hộ hội viên tham gia; vận động hội viên tham gia tập huấn đào tạo thương mại điện tử do TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Hội cũng thường xuyên phối hợp với Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh rà soát nhu cầu, thẩm định và giải ngân cho thành viên vay vốn; duy trì có hiệu quả hoạt động của 93 tổ tiết kiệm vay vốn. Các cấp Hội phụ nữ thành phố đã nhận ủy thác 11 chương trình với tổng dư nợ trên 88 tỷ đồng, cho 2.265 hộ vay vốn.
Để chị em hội viên yên tâm sản xuất kinh doanh, Hội LHPN thành phố xây dựng 2 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản sạch của hội viên phụ nữ thành phố tại phố đi bộ bờ hồ Tân Quang vào dịp Lễ hội Thành Tuyên; 1 gian hàng tham gia Ngày “Phụ nữ khởi nghiệp” với hơn 50 loại sản phẩm. Qua đó, góp phần giúp các chị em quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đây cũng chính là những giải pháp các cấp Hội phụ nữ thành phố cần tiếp tục được phát huy trong thời gian tới.
Gửi phản hồi
In bài viết