Cơ hội và thách thức đối với ngành nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay

Việt Nam cần chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, chuyển từ theo đuổi giá trị gia tăng sang vừa tạo ra giá trị gia tăng, vừa giảm thiểu chi phí sản xuất, chi phí xã hội, chi phí môi trường... Do vậy, Việt Nam cần khởi tạo chuyển đổi số một cách phù hợp trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn; quản lý bài bản, khoa học các khâu canh tác, sản xuất, thu hoạch, phân phối.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại buổi tọa đàm “Kinh tế và kinh doanh nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay: Những vấn đề đặt ra”, ngày 16/11.

Ngày 16/11, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Kinh tế và kinh doanh nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay: Những vấn đề đặt ra”.

Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã chia sẻ về những cơ hội và thách thức của nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới.

Theo Bộ trưởng, thích ứng với bối cảnh mới, Việt Nam cần thúc đẩy nông nghiệp xanh, là nền nông nghiệp sản xuất áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nông nghiệp xanh bảo đảm phát triển hài hòa trên 3 trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh, Việt Nam cần chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, chuyển từ theo đuổi giá trị gia tăng sang vừa tạo ra giá trị gia tăng, vừa giảm thiểu chi phí sản xuất, chi phí xã hội, chi phí môi trường...

Toàn cảnh Tọa đàm “Kinh tế và kinh doanh nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay: Những vấn đề đặt ra” .

Đồng thời, chuyển từ “nền nông nghiệp sản lượng cao” sang “nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững”; chuyển từ “phát triển đơn ngành” sang mục tiêu “phát triển tích hợp liên ngành”, từ mục tiêu “đơn giá trị” sang mục tiêu “tích hợp đa giá trị”.

Từ đó, hình thành hệ sinh thái kinh tế nông thôn, phát triển hạ tầng nông nghiệp, không chỉ phục vụ sản xuất mà phục vụ phát triển kinh tế nông thôn; du lịch nông nghiệp, nông thôn..

Để thực hiện được mô hình trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần khởi tạo chuyển đổi số một cách phù hợp trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn; quản lý bài bản, khoa học các khâu canh tác, sản xuất, thu hoạch, phân phối. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nông dân, nâng cao dân trí nông dân, hướng đến thái độ sống tích cực, khuyến khích tinh thần tự lực, tự chủ, liên kết và hợp tác.

Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng đã trao đổi một số định hướng phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập; vấn đề xây dựng thương hiệu và chiến lược truyền thông cho các sản phẩm nông sản ở Việt Nam; kinh nghiệm phát triển chuỗi cung ứng xanh nông sản…

Theo nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, việc chuyển mạnh nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa đáp ứng vai trò cung cấp lương thực và thực phẩm của các tầng lớp dân cư đã được triển khai và thu được một số kết quả nhưng quá trình này diễn ra chậm. Sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp vẫn mang nặng tính tự phát, phong trào, thụ động… Còn sự chênh lệch lớn về mức độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở các địa phương…

Do vậy, theo các chuyên gia, trong bối cảnh phát triển mới, ngành nông nghiệp cần tái cơ cấu theo hướng khai thác tiềm năng và lợi thế; trong đó, tập trung kết nối chuỗi cung ứng nông sản trong nước và quốc tế; xây dựng thương hiệu nông sản và định vị giá trị của nông sản Việt trên thị trường nông sản thế giới. Hình thành và xây dựng các khu nông sản đặc thù, chuỗi hoa quả đặc sắc, kết hợp các lợi thế để tạo vị thế mới cho nông nghiệp.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục