“Sự kiện Vietnam Airlines chính thức được khai thác đường bay thường lệ Việt Nam - Mỹ là dấu ấn quan trọng trong quan hệ ngoại giao, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và trao đổi thương mại giữa hai nước phát triển mạnh mẽ, là động lực mới thúc đẩy thị trường hàng không Mỹ - Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines nhấn mạnh.
Động lực mới thúc đẩy giao thương
Trước khi chưa có đường bay thẳng tới Mỹ, từ năm 1996, Vietnam Airlines đã hợp tác với các hãng hàng không nước ngoài để nối chuyến, có các sản phẩm phục vụ đường bay giữa Việt Nam và Mỹ, qua đó thăm dò và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường.
Vietnam Airlines đã xúc tiến mở văn phòng đại diện ở San Francisco vào năm 2001 để xây dựng hệ thống bán và tiếp cận nguồn khách hàng. Từ năm 2010 đến nay, hãng đã hợp tác liên doanh linh hoạt với hãng hàng không Mỹ Delta Air Lines để có các sản phẩm phục vụ thị trường đường bay Mỹ. Đến ngày 25/10, Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không Việt Nam đầu tiên được Cục An ninh Vận tải Mỹ (TSA) chính thức chấp thuận đáp ứng toàn bộ yêu cầu về bảo đảm an ninh để khai thác đường bay thẳng thương mại thường lệ đến Mỹ.
Ngày 4/11, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã thông báo cấp phép cho Vietnam Airlines khai thác thường lệ các chuyến bay chở khách, hàng hóa giữa Việt Nam và Mỹ. Đây là điểm khác biệt quan trọng so với giấy phép mà Mỹ đã từng cấp cho các hãng hàng không Việt Nam trước đó để bay đến Mỹ dưới hình thức thuê chuyến kèm các điều kiện hạn chế về số lượng chuyến bay, thời gian và tần suất khai thác.
Với giấy phép của FAA, Vietnam Airlines đã chính thức trở thành hãng hàng không đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được cấp phép bay thường lệ đến Mỹ sau 2 thập kỷ nghiên cứu và chuẩn bị về mặt pháp lý, thủ tục, kế hoạch triển khai đường bay này.
Hiện tại, các quan hệ chính trị, kinh tế - xã hội giữa Việt Nam và Mỹ đang phát triển thuận lợi, tạo điều kiện cho vận tải hàng không giữa hai nước tăng trưởng. Việc Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) năm 2018, Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) với Liên minh châu Âu năm 2019 là những mốc mới tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và trao đổi thương mại giữa hai nước gia tăng mạnh mẽ, là động lực mới thúc đẩy thị trường hàng không Mỹ - Việt Nam tăng trưởng mạnh.
Do tình hình đại dịch Covid-19, thị trường hàng không quốc tế sụt giảm mạnh và dự báo đến năm 2023 mới có thể phục hồi về mức năm 2019. Từ nay đến năm 2023, nguồn lực tàu thân rộng của Vietnam Airlines nói riêng và của toàn ngành hàng không thế giới nói chung sẽ dư thừa.
Trong bối cảnh khả năng xử lý tàu bay thừa theo phương thức bán hoặc cho thuê lại gặp nhiều khó khăn, lãnh đạo Vietnam Airlines cho rằng việc mở thêm đường bay Mỹ có hiệu quả so chi phí biến đổi, giúp hãng tăng thêm doanh thu, giảm thiểu thiệt hại tài chính do dư thừa nguồn lực sau ảnh hưởng của Covid-19; đồng thời, đáp ứng được nhiệm vụ chính trị thiết lập cầu nối giao thương và tạo tiền đề cho sự phát triển khi thị trường phục hồi sau dịch.
“Dựa trên nhu cầu đi lại của cộng đồng người Việt tại Mỹ, yêu cầu giao thương phục vụ quan hệ Việt - Mỹ đang ngày càng được củng cố, cũng như các lợi ích về nguồn thu tiềm năng và tối ưu nguồn lực, đây là thời điểm phù hợp để triển khai mở đường bay thẳng tới Mỹ”, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines khẳng định.
Phân khúc khách Việt kiều chiếm tỷ lệ lớn
Trước dịch Covid-19, thị trường hàng không giữa Việt Nam và Mỹ đạt khoảng 1,4 triệu lượt khách/năm, tăng trưởng trung bình 8%/năm giai đoạn 2017-2019, là thị trường lớn nhất chưa có đường bay thẳng khai thác.
Theo nghiên cứu của Vietnam Airlines, thị trường khách đi/đến Mỹ rất lớn, phát triển ổn định. Khách đi lại giữa Mỹ và Việt Nam phần lớn là từ tới bờ Tây nước Mỹ, cụ thể là Los Angeles (LAX) và San Francisco (SFO), bang California, chiếm khoảng 42% dung lượng thị trường Mỹ - Việt Nam.
Phía Vietnam Airlines nhận định, phân khúc thị trường khách Việt kiều vẫn sẽ là lượng khách quan trọng nhất của thị trường Mỹ - Việt Nam trong nhiều năm tới. Từ góc độ dung lượng khách, tiểu bang California, có số lượng Việt kiều tới 39% tổng số Việt kiều sinh sống ở Mỹ, được đánh giá là thị trường khách quan trọng và tiềm năng. Vì vậy, các chính sách tiếp cận thị trường Mỹ khi hãng mở đường bay cũng sẽ nhằm xoay quanh việc tiếp cận phân thị khách này (trong số khách đi lại giữa hai nước, có đến 78% khách đi/đến TP Hồ Chí Minh; khách đi/đến Hà Nội chỉ chiếm 12% và Đà Nẵng chiếm 8%.
Tuy nhiên, Vietnam Airines cũng cho rằng, trong tương lai hãng chắc chắn sẽ tiếp cận và phục vụ cả phân khúc thị trường khách hàng là doanh nhân, doanh nghiệp, những khách hàng tiềm năng, có khả năng chi trả cao nhờ sự phát triển kinh tế, thương mại, du lịch giữa hai nước cũng như ưu thế đường bay thẳng, chất lượng dịch vụ tốt của hãng.
Nhấn mạnh việc mở đường bay Mỹ không chỉ là giải quyết bài toán kinh tế mà còn là trách nhiệm chính trị của Hãng hàng không Quốc gia, Vietnam Airlines đã tích cực nghiên cứu và chuẩn bị trong nhiều năm nay, ông Hòa cho biết, việc đường bay có khả thi về mặt thương mại hay không phụ thuộc khá nhiều vào dung lượng hành khách, vấn đề kỹ thuật, tàu bay.
“Đến thời điểm này chưa có loại máy bay nào bay thẳng mà chở được đủ khách và hàng. Do đó, nếu có phương án bay dừng một điểm thì chi phí, thời gian bay tăng lên rất nhiều và tính cạnh tranh của sản phẩm chưa đủ cao. Trong thời gian tới, Vietnam Airlines luôn tích cực trao đổi với Boeing, Airbus và các hãng về động cơ tàu bay để xem khi nào có loại máy bay như A350-1000 (365 ghế) và B777 8X (352 ghế) có tầm bay dài, cấu hình lớn và bảo đảm khả năng thương mại bay đến Mỹ”, ông Đặng Ngọc Hòa nói.
Hiện tại, Vietnam Airlines đã xây dựng kế hoạch thực hiện các chuyến bay thương mại thường lệ đầu tiên giữa Việt Nam và Mỹ. Dự kiến, chuyến bay chiều đi sẽ khởi hành vào tối 28/11 với hành trình từ TP Hồ Chí Minh đến San Francisco kéo dài 13 tiếng 50 phút. Chuyến bay chiều về xuất phát từ San Francisco vào đêm 29/11 (giờ địa phương) và hạ cánh tại TP Hồ Chí Minh vào sáng 1/12, thời gian bay khoảng 16 tiếng 40 phút. Hai chuyến bay đầu tiên dự kiến được khai thác bằng tàu bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner.
Từ tháng 12/2021, Vietnam Airlines sẽ khai thác thường lệ đường bay giữa TP Hồ Chí Minh và San Francisco với tần suất 2 chuyến/tuần. Hãng sẽ tăng lên 7 chuyến/tuần sau khi dịch bệnh được kiểm soát và Chính phủ Việt Nam cho phép mở lại các đường bay quốc tế thường lệ. Các chuyến bay được thực hiện bằng đội tàu bay thân rộng hiện đại nhất của Vietnam Airlines là Boeing 787 và Airbus A350 nhằm mang đến trải nghiệm thoải mái, tiện nghi cho hành khách.
Gửi phản hồi
In bài viết