Năm 2024, Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc.
Theo số liệu thống kê của cơ quan Hải quan Hàn Quốc, trong năm 2023, Việt Nam là thị trường cung cấp sắn lớn nhất cho thị trường Hàn Quốc, với 94,13 nghìn tấn, trị giá 38,65 triệu USD, giảm 33,4% về lượng và giảm 35,5% về trị giá so năm 2022. Thị phần sắn của Việt Nam chiếm 51,09% trong tổng lượng sắn nhập khẩu của Hàn Quốc, cao hơn so mức 45,41% của năm 2022.
Về tinh bột sắn, Việt Nam là thị trường cung cấp tinh bột sắn lớn thứ 2 cho thị trường Hàn Quốc trong năm 2023, với 5,3 nghìn tấn, trị giá 3,03 triệu USD, tăng 32,5% về lượng và tăng 29,4% về trị giá so năm 2022. Năm 2023, thị phần tinh bột sắn của Việt Nam chiếm 14,38% trong tổng lượng tinh bột sắn nhập khẩu của thị trường Hàn Quốc, tăng so mức 11,13% của năm 2022.
Đối với mặt hàng thủy sản, năm 2023, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc giảm do kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm. Tính chung cả năm 2023, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc đạt 1,341 triệu tấn, trị giá 5,928 tỷ USD, giảm 15,9% về lượng và giảm 8,4% về trị giá so năm 2022. Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho Hàn Quốc trong năm 2023, thị phần thủy sản Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Hàn Quốc giảm từ 14,2% trong năm 2022 xuống còn 13,5% trong năm 2023.
Dự báo, năm 2024, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc có khả năng tăng trở lại khi kinh tế Hàn Quốc phục hồi. Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, tại "Hội nghị Triển vọng hàng hải và thủy sản 2024” tổ chức tại Seoul vào ngày 11/1/2024, sản lượng khai thác thủy sản của Hàn Quốc được dự báo sẽ đạt 3,73 triệu tấn năm 2024, tăng 2% so năm ngoái. Trong số đó, thủy sản ven bờ dự kiến tăng 1,3% lên 960.000 tấn, thủy sản xa bờ dự kiến giữ nguyên ở mức 400.000 tấn và sản lượng nuôi biển dự kiến tăng 2,5% lên 2,33 triệu tấn.
Mặc dù vậy, rất có thể các hiện tượng khí hậu cực đoan như nhiệt độ cao bất thường sẽ xảy ra thường xuyên hơn trong năm 2024 và gây thiệt hại tới trữ lượng cá, khiến sản lượng khai thác của Hàn Quốc không đạt được như dự tính, mở ra cơ hội xuất khẩu cho các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Năm 2024 cũng đang được kỳ vọng tạo ra bước đột phá xuất khẩu rau quả sang Hàn Quốc. Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, năm 2023, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Trung Quốc và Mỹ với kim ngạch đạt 226 triệu USD, đạt 125% kim ngạch 2022. Năm 2024, nhiều khả năng con số tăng trưởng này sẽ còn cao hơn nữa. Hiện, các sản phẩm trái cây nhiệt đới của Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn tại thị trường Hàn Quốc.
Theo dự báo, tổng sản lượng trái cây có múi của Hàn Quốc trong niên vụ 2023/24 đạt 570.000 tấn, giảm 2,1% so với niên vụ trước do năng suất quýt giảm và diện tích trồng giảm nhẹ. Mặt khác, Hàn Quốc không sản xuất cam trong nước, nguồn cung hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu. Khối lượng cam nhập khẩu trong niên vụ 2023/24 dự báo tăng 5,7% (5.000 tấn) so với niên vụ 2022/23 lên mức 92.000 tấn.
Với mặt hàng cà-phê, thông tin từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, doanh thu của thị trường cà-phê tại Hàn Quốc sẽ đạt khoảng 2,2 tỷ USD trong năm 2024. Tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2024-2028 ước đạt 3,71%/năm. Ước tính đến năm 2028, lượng cà-phê tiêu thụ tại thị trường này đạt 82,4 nghìn tấn. Năm 2024, dự kiến lượng tiêu thụ cà-phê trung bình của Hàn Quốc là 1,47 kg/người.
Đây là cơ hội lớn cho cà-phê Việt Nam thâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường Hàn Quốc. Năm 2023, xuất khẩu cà-phê của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng cả về lượng và giá trị. Cụ thể, giá trị xuất khẩu năm 2023 đạt 117,2 triệu USD, đạt 127% kim ngạch 2022; khối lượng xuất khẩu đạt 45,6 nghìn tấn, đạt 120% khối lượng năm 2022.
Gửi phản hồi
In bài viết