Vận động nhân dân nhận rừng, hiến đất
Anh Trần Văn Khu. |
Thôn Bắc Lè xưa nghèo lắm, là một thôn thuộc vùng lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang phải di dời vào năm 2006. Nói là di cư nhưng thực ra là chuyển lên cao hơn vị trí đang ở do mực nước dâng của thủy điện. Ngày mới về khu tái định cư, mặt bằng chưa hoàn thiện, đường giao thông, điện, nước chưa có trong khi việc di dời cấp bách vì nước tích nhanh, phương tiện vận chuyển duy nhất là bè mảng. Anh Khu kể: ngày đó người dân chưa quen, di chuyển khó khăn bởi nước dâng nhanh, phương tiện duy nhất là bè mảng. Sau khi có người mất mạng do ngã xuống nước, người dân lại càng lo lắng. Thấy bà con di chuyển đi lại bằng bè mảng quá nguy hiểm, anh Khu đã tự vay mượn số tiền 30 triệu đồng, giá trị ước khoảng bằng 4 con trâu to để mua một chiếc xuồng hỗ trợ nhân dân đi lại lúc mới về nơi ở mới.
Ngày đó anh Khu mới 30 tuổi, nhưng được bà con tin tưởng bầu làm phó thôn, anh bảo: lúc ấy mình còn trẻ, nói năng chưa lưu loát, nên nói nhiều khi dân họ còn cười, mình cũng ngại. Nhưng ai cũng biết mong muốn của mình là giúp đỡ nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống nên mọi người cũng tự giác thực hiện và nghe theo.
Anh tích cực trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước và những người có uy tín trong thôn về cách tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết, đẩy mạnh phát triển kinh tế, tăng nguồn thu nhập, nâng cao đời sống, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng xã, thôn ngày càng phát triển. Năm 2012, khi nhà nước có chương trình bàn giao đất rừng theo Quyết định số 327, toàn thôn có 78 hộ dân thì có 60 hộ nhận đất rừng, còn lại không nhận hoặc cũng nhận hộ. Chính quyền xã mở nhiều cuộc tuyên truyền cho nhân dân nhưng nhận được đó là sự không hợp tác. Anh Khu tự mình đến tận nhà các hộ dân không nhận đất rừng hoặc nhận hộ nói rõ về lợi ích khi nhận đất rừng mang lại.
Ông Trần Văn Mùng, thôn Bắc Lè nhớ lại: ngày đó ông là người kiên quyết không nhận giao khoán đất rừng bởi nghĩ là sẽ chẳng mang lại lợi ích gì. Sau nhiều lần chính quyền xã vận động ông cũng nhận 5 ha nhưng thực ra là nhận hộ chứ không phải cho gia đình. Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, đích thân anh Khu đã đến từng nhà để phân tích về hiệu quả của chương trình 327, anh cũng nhiều đêm suy nghĩ rồi quyết định nhận 3 ha trong tổng số 5 ha để tự chăm sóc. Anh cho biết: năm 2016, sau 4 năm nhận rừng anh bán đi thu được số tiền 80 triệu đồng, anh sửa được nhà, mua được 2 con trâu để làm kinh tế.
Anh Trần Văn Khu (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn nhân dân cách chăm sóc đàn vật nuôi.
Năm 2016, khi toàn thôn Bắc Lè bắt đầu khai thác lứa rừng đầu tiên theo chương trình 327, anh Khu đã xuống tận thị trấn Na Hang tìm gặp Công ty Vĩnh Bình chuyên thu mua lâm sản để tìm đầu ra cho nhân dân. Sau khi bên phía công ty đi khảo sát thực địa thì đều lắc đầu, bởi sự khó khăn về đường sá đi lại. Anh Khu lại đến vận động 13 hộ dân có đất dẫn vào khu sản xuất, đề xuất phương án làm đường nhưng các gia đình sẽ hiến đất nếu con đường đi qua. Mất nhiều lần thuyết phục, cuối cùng người dân trong thôn cũng hoàn thành con đường 6 km dẫn từ thôn Bắc Lè đi vào thôn Đán Mẩy, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) tạo điều kiện cho thương lái thu mua lâm sản được thuận lợi.
Gia đình ông Sằm Văn Ứng, thôn Bắc Lè là hộ hiến hơn 1.000 m2 đất nhớ lại: ngày đó bản thân ông cũng không muốn hiến vì sẽ phải chặt bỏ một phần diện tích cây mới trồng được năm thứ 2. Nhưng sau khi cùng anh Khu đi khảo sát, được tận mắt chứng kiến giá bán chênh lệch giữa nơi đường đi lại khó khăn và thuận lợi, ông đã tự nguyện hiến 1.000 m2 đất cho con đường đi qua. Ngoài ông còn có gia đình anh La Văn Cảnh cũng hiến gần 800 m2 đất để làm đường...
Thay đổi nhận thức của người dân
Ngoài làm Trưởng thôn, anh Khu còn biết đến là y tế thôn bản có nhiều tâm huyết. Tốt nghiệp lớp y tá thôn bản năm 1996, đến nay, đã hơn 20 năm gắn bó với nghề. Anh Khu kể: đa số người dân thôn Bắc Lè đều là người Tày, đời sống gặp nhiều khó khăn, vấn đề chăm sóc sức khỏe vẫn chưa được chú trọng, việc tiếp cận các dịch vụ y tế còn hạn chế.
Ngày mới về nơi ở mới, trăn trở lớn nhất của anh là vấn đề nhà vệ sinh cho các hộ gia đình. Với tinh thần đảng viên đi trước, làng nước theo sau, anh Khu đã tự xây tại gia đình 3 công trình vệ sinh rồi mời bà con trong thôn đến tham quan, học tập. Anh động viên các hộ gia đình cùng làm và cũng đích thân tham gia giúp đỡ các hộ công làm khi có nhu cầu.
Anh Trần Văn Khu (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn nhân dân cách chăm sóc đàn vật nuôi.
Nhưng với anh, cái để thay đổi tư duy của nhân dân lớn nhất là từ ngày có dịch bệnh lợn gạo, đây thực ra là lợn ăn phải chất thải của người có mầm bệnh giun sán. Anh kể: năm 2010, lúc đó nhân dân trong thôn nhà nào nuôi lợn cũng bị dính sán lợn gạo, nhiều hộ đến Tết thịt lợn nhưng không ăn được đều phải bỏ toàn bộ, sau khi được anh phân tích về nguyên nhân và cách phòng bệnh, không ai bảo ai các hộ dân tự giác nghe theo, tự thay đổi thói quen sinh hoạt và chăn nuôi của gia đình. Anh Khu cũng họp dân, đề nghị các gia đình không thả rông gia súc, vì thế ý thức của người dân đã thay đổi, các bệnh truyền nhiễm giảm dần. Nếu như năm 2010 hàng năm số ca mắc bệnh liên quan đến tiêu hóa trên 150 ca thì đến nay gần như không còn.
Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, thôn Bắc Lè đứng đầu về công tác phòng dịch và tiêm phòng đạt tỷ lệ 100%. Anh Khu cũng đến tận nhà các hộ gia đình có con đi làm ăn xa, đi làm tại các khu công nghiệp để lên phương án phòng dịch, anh cũng tự mình đến tận nhà các hộ dân tuyên truyền tiêm phòng đầy đủ, túc trực tại các gia đình có người thân mắc bệnh nền sau khi tiêm để kịp thời xử lý các tình huống xấu xảy ra.
Đồng chí Hà Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Đà Vị phấn khởi, Bắc Lè nay đã đổi khác, đời sống kinh tế của người dân Bắc Lè được nâng lên. Thôn hiện có 104 hộ nhưng chỉ còn 10 hộ nghèo và cận nghèo. Có được ngày hôm nay là nhờ có sự đóng góp lớn của trưởng thôn Trần Văn Khu, đáng quý hơn những năm qua, người dân của thôn Bắc Lè đã đóng góp gần 300 triệu đồng xây dựng công trình hạ tầng cơ sở của thôn và xã.
Nhớ nhất câu nói của anh Khu khi được hỏi về trọng trách là trưởng thôn với anh như nào, anh dí dỏm bảo, việc gì có lợi cho dân thì mình làm, càng gần dân thì càng dễ làm, càng xa dân thì càng dễ thất bại. Nhưng hơn hết mình phải làm trước, có hiệu quả thì dân sẽ tự làm theo thôi.
Gửi phản hồi
In bài viết