Cán bộ dự án bảo vệ voọc
Nguyễn Phương Nga là một cô gái Hà Thành sinh ra và lớn lên ở quận Hoàng Mai, Hà Nội nhưng sớm có niềm đam mê về môi trường. Lớn lên Nga quyết tâm thi đỗ và theo học Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ra trường xung phong lên huyện Lâm Bình công tác, công việc của Nga là cán bộ Dự án bảo tồn voọc đen má trắng của Tổ chức Con người, Tài nguyên và Môi trường thuộc hai xã Khuôn Hà, Thượng Lâm.
Nhận ra đây là vùng sinh cảnh tuyệt vời, Nga và đồng nghiệp tích cực tuyên truyền, vận động bà con sở tại quyết tâm bảo vệ đàn voọc. Đồng thời tạo sinh kế cho người dân bớt tác động tới rừng. Những cuộc tuần rừng, điều tra sinh kế trong đoàn không thể vắng mặt một chàng trai dân tộc Tày bản địa thông thạo địa hình là anh Chẩu Thanh Phương, lúc đó là Bí thư Chi đoàn thôn Nà Kẹm.
Vợ chồng Nga - Phương xây dựng điểm check in cho khách chụp ảnh.
Nga kể: “Ngay lúc đầu gặp, em đã có thiện cảm với anh Phương, Bí thư Chi đoàn thôn Nà Kẹm. Bởi anh ấy rất nhiệt tình, năng nổ, hoạt bát. Tính tình điềm đạm, giản dị, chân thật, không quản ngại khó khăn vất vả. Qua những lần hợp tác làm dự án, em thấy mọi việc hiệu quả, ai cũng phấn đấu vì mục đích chung. Rồi qua công việc chúng em đã bén duyên nhau. Gia đình em mong muốn con gái đi công tác xa vài năm rồi về Thủ đô lấy chồng cho gần nhà. Nhưng đúng là, “khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Em đã yêu vùng đất này lắm rồi. Chúng em quyết định kết hôn trong sự giao thoa văn hóa Kinh - Tày. Nhờ có sự đùm bọc, yêu thương của làng xóm, dòng họ, gia đình, nên em không bỡ ngỡ, nhanh hòa nhập”.
Công việc của Nga vẫn diễn ra đến tháng 10-2017 thì xảy ra một biến cố. Trên đường đi công tác lên Khau Đao, em bị ngã xe máy vỡ xương đầu gối nên đành xin nghỉ việc ở nhà chăm con. Sau đó Nga sinh tiếp một bé gái nữa. Giờ hai vợ chồng có 2 cô con gái xinh xắn, bên ngôi nhà nhiều niềm vui, nụ cười. Ở Khuôn Hà, Thượng Lâm do có Dự án bảo tồn đàn voọc đen má trắng mà thiên nhiên được giữ gìn hiệu quả. Người dân tự giác giao nộp súng kíp tự chế, không săn bắn thú, phá rừng. Nhờ đó những cánh rừng nguyên sinh vẫn được bảo tồn được nguyên trạng, hoang sơ, đàn voọc có sinh cảnh để tồn tại, phát triển đàn. Đặc biệt khu bảo tồn thiên nhiên Lũng Ngòi, xã Khuôn Hà được bảo vệ nghiêm ngặt, tạo môi trường an toàn cho voọc phát triển. Ngày nay, khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình rộng lớn được công nhận là danh thắng quốc gia đặc biệt có ý nghĩa hết sức quan trọng trong tiến trình đề cử Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Bể (Bắc Kạn) - Na Hang (Tuyên Quang) là Di sản thiên nhiên thế giới. Trong hành trình chung ấy có sự đóng góp hết sức có ý nghĩa, quan trọng của Tổ chức Con người, Tài Nguyên và Môi trường, cũng như cá nhân Nga đối với đàn voọc đen má trắng, voọc mũi hếnh ở địa phương.
Xây dựng An’s homestay
Hồi đại học, Nga có được học một bộ môn “phát triển du lịch cộng đồng”, máu nghề nghiệp chuyên môn lại nổi lên. Năm 2018, Nga bàn với chồng dựng một ngôi nhà sàn gỗ, trên lợp lá cọ truyền thống của đồng bào Tày nơi đây để làm du lịch homestay. Khi hoàn thành vào tháng 4-2019, cả nhà nghĩ mãi rồi cuối cùng đặt An’s Homestay, tức ngôi nhà của sự bình yên. Tọa lạc giữa một nơi giàu bản sắc, dân tộc Tày, có phong cảnh đẹp An’s Homestay bước đầu đã thu hút được du khách. Tuy nhiên cuối năm 2019 dịch bệnh Covid-19 bùng nổ, ảnh hưởng mạnh đến du lịch địa phương. Trong hơn 2 năm phòng chống dịch, giãn cách xã hội, vợ chồng Nga - Phương tập trung hoàn thiện homestay để chờ đón du lịch mở cửa trở lại.
An’s Homestay nằm ngay bên bờ hồ thơ mộng.
Và thời cơ đó đã đến, vừa qua tỉnh tổ chức khai mạc Năm Du lịch Tuyên Quang 2022 tại thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm - nơi chỉ cách thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà chừng 3 km, hoạt động như một luồng gió mới thổi vào du lịch địa phương. Du lịch thích ứng an toàn hoàn toàn đã được mở cửa, du khách tìm đến du lịch homestay ngày một nhiều. Bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng Phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Tôi đã đi nhiều homestay trong tỉnh, song An’s Homestay có phong cảnh đẹp, một nơi check in lý tưởng. Gia chủ ở đây biết cách bảo tồn, tôn tạo, phát huy cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, bản sắc văn hóa phong phú, đặc sắc để phát triển du lịch bền vững. Đây là một hướng đi quan trọng đối với du lịch của Khuôn Hà. Với cách làm này tôi tin các em ấy sẽ thành công”.
Tạo ấn tượng với du khách, vợ chồng Nga -Phương cho đóng thêm mảng tre, thiết kế view chụp ảnh cho du khách. Ngoài ra, An’s Homestay còn mua thêm ngựa cho du khách cưỡi trải nghiệm, chụp ảnh. Bên cạnh ngựa của gia đình, Phương còn mượn thêm ngựa hàng xóm, bạn bè cho du khách cưỡi. Hôm tổ chức các hoạt động ở sân vận động Nà Tông, xã Thượng Lâm, đội của Phương mang sang 4 con ngựa để phục vụ du khách, khiến nhiều người thích thú. Chẩu Thanh Phương cho rằng, chính tình yêu thiên nhiên của vợ đã giúp anh xác định rõ hơn con đường đi của mình.
Chẩu Thanh Phương (bên trái ngoài cùng) cho du khách thuê ngựa cưỡi ngắm cảnh.
Trong thời gian tới An’s Homestay với sứ mệnh đưa du lịch trở về với thiên nhiên thanh bình, bản sắc văn hóa dân tộc Tày đặc sắc, hai vợ chồng Nga - Phương sẽ hoàn chỉnh dịch vụ cho du khách cưỡi ngựa khám phá nhiều cảnh đẹp của thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà, khu rừng nguyên sinh, trong đó có đàn voọc đen má trắng trên địa bàn.
Gửi phản hồi
In bài viết