Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các đại biểu dự tại điểm cầu Tuyên Quang. Ảnh: Thành Công
Tại điểm cầu Tuyên Quang dự lễ công bố có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí Thư tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Mạnh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành trên địa bàn tỉnh, các huyện, thành phố.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh bấm nút triển khai áp dụng hóa đơn điện tử trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thành Công
Để triển khai có hiệu quả Luật Quản lý thuế, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, ngày 19-10-2020 quy định về hóa đơn, chứng từ. Ngày 17-9-2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Theo đó, giai đoạn 1 về triển khai hóa đơn điện tử được thực hiện thí điểm tại 6 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định và Phú Thọ. Tiếp nối thành công của giai đoạn 1, Bộ Tài chính đã tổ chức bấm nút công bố triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc tiếp tục triển khai tại 57 tỉnh, thành còn lại.
Lãnh đạo tỉnh và các thành viên Ban Chỉ đạo triển khai áp dụng hóa đơn điện tử của tỉnh kiểm tra ứng dụng phần mềm quản lý hóa đơn điện tử tại Cục Thuế tỉnh. Ảnh: Thành Công
Mục tiêu là đến ngày 1-7-2022, tất cả doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh toàn quốc sử dụng hóa đơn điện tử (chính thức dừng phát hành và sử dụng hóa đơn giấy). Để đưa chính sách thuế vào cuộc sống, Cục Thuế tỉnh hiện đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị sử dụng hóa đơn điện tử. Đây được xem là bước đi quan trọng trong việc chuyển đổi số của ngành Thuế nói riêng và ngành Tài chính nói chung.
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra phần mềm quản lý hóa đơn điện tử tại Cục Thuế tỉnh. Ảnh: Thành Công
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương kết quả đạt được về triển khai hóa đơn điện tử trong giai đoạn 1. Thủ tướng đề nghị ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng quyết tâm cao hơn nữa, vượt qua khó khăn, thách thức tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Điều này có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số rõ ràng; thu hút, tuyển chọn nguồn nhân lực trình độ cao về lĩnh vực công nghệ thông tin; tạo sự thống nhất về nhận thức từ Trung ương đến cơ sở, phối hợp nhịp nhàng giữa ngành Thuế với các ngành, giữa ngành Thuế với người dân góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế - xã hội...
Gửi phản hồi
In bài viết