Lãnh đạo Ủy ban MTTQ huyện chủ trì hội nghị phản biện xã hội.
Hiện nay, đồng bào Mông chiếm 5,7% dân số toàn huyện, sinh sống tập trung chủ yếu tại xã Hùng Lợi, Trung Minh. Đời sống của đồng bào Mông còn rất nhiều khó khăn, hạ tầng kinh tế - xã hội còn thấp, thiếu đồng bộ; thu nhập bình quân đầu người đạt thấp (khoảng 20 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo chiếm đa số; trình độ dân trí đại đa số người dân vùng đồng bào dân tộc Mông còn chưa cao. Từ những khó khăn về điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian qua đã nảy sinh không ít những phức tạp về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Xuất phát từ vấn đề nêu trên, việc xây dựng Đề án là giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội, quốc phòng - an ninh. Đề án cũng góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định 1719 ngày 14-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Dự thảo đề án đã phân tích cụ thể thực trạng kinh tế - xã hội, hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc Mông của huyện, của xã Hùng Lợi, Trung Sơn; xác định mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ và giải pháp.
Tại hội nghị, các đại biểu đưa ra ý kiến phản biện tập trung vào các nội dung: điều chỉnh lại chỉ tiêu về mức thu nhập của người dân vùng dân tộc Mông đến năm 2023, 2026; cân nhắc lại một số chỉ tiêu về tỷ lệ giảm nghèo, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề, các công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm để sát hơn với thực tiễn. Các đại biểu cũng cho rằng, trong tổ chức thực hiện, cần cụ thể hóa hơn nữa nội dung phân công nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị của huyện và các xã; tăng cường sự phối hợp để phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án.
Các ý kiến tham gia, đóng góp tại hội nghị sẽ được Ủy ban MTTQ huyện tiếp thu, tổng hợp, chọn lọc để tiếp tục chỉnh sửa, góp phần nâng cao chất lượng của Đề án.
Gửi phản hồi
In bài viết