Hồ sinh thái Na Hang rộng hơn 8.000 ha kết nối các tuyến đường thủy từ thị trấn Na Hang với 8 xã khu C của huyện và các xã của huyện Lâm Bình; nối liền với Khu danh thắng Quốc gia Ba Bể của tỉnh Bắc Kạn. Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang với trên 33.000 ha thuộc địa bàn xã Thanh Tương, Sơn Phú, Khâu Tinh, Côn Lôn và thị trấn Na Hang, giáp với các xã của huyện Chiêm Hóa, Lâm Bình và huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn). Trong khu bảo tồn có trên 21.000 ha rừng đặc dụng, cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, có độ đa dạng sinh học cao. Đến nay, các nhà khoa học đã xác định được trên 2.000 loài thực vật, nhiều loại được ghi trong sách Đỏ Việt Nam như trai, nghiến, lát hoa, đinh, thông tre, hoàng đàn, trầm gió, nhiều loài lan hài, cây thuốc quý... Khu bảo tồn có nhiều loài chim, thú quý, hàng nghìn loại cá, trong đó có cá dầm xanh, anh vũ; nhiều loài động vật trong khu bảo tồn được ghi trong sách Đỏ Việt Nam, sách Đỏ thế giới như voọc mũi hếch, voọc đen mũi trắng, rùa đất... nhận được sự quan tâm của du khách du lịch trải nghiệm, khám phá.
Du khách tham quan hồ sinh thái Na Hang. Ảnh: K.T
Du khách đến tham quan Na Hang thực sự ấn tượng với môi trường sinh thái ở lòng hồ Na Hang. Chị Trương Quỳnh Anh, du khách đến từ Hải Phòng chia sẻ, chị từng lên Na Hang nhiều lần rồi nhưng năm nào cũng muốn đến nơi này vì cảnh quan đẹp quá, khí hậu trong lành. Đi thuyền trên vùng lòng hồ hít hà không khí trong vắt vào lồng ngực thật thích thú. Chị sẽ kể cho bạn bè và người thân nghe về Na Hang thiên nhiên kỳ vĩ.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm qua, huyện đã huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch. Đồng chí Hoàng Anh Cương, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Na Hang cho biết, huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các nhà đầu tư có tiềm năng đến khảo sát, nghiên cứu lợi thế phát triển du lịch. Hàng năm, huyện lồng ghép các Chương trình mục tiêu Quốc gia và các nguồn vốn khác, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng về giao thông, điện, nước, cơ sở lưu trú... Ngoài việc tổ chức và tham gia các hoạt động quảng bá du lịch, huyện đã tập trung xây dựng các điểm du lịch, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh vào lĩnh vực này. Cụ thể, huyện đã hỗ trợ chỉnh trang nhà cửa cho các hộ gia đình triển khai du lịch cộng đồng; phối hợp với huyện Lâm Bình khảo sát xây dựng điểm đến thác Khuổi Nhi; giải tỏa mặt bằng khu vực bến thủy để triển khai xây dựng khu bến thủy Na Hang phục vụ du lịch; phát triển hệ thống giao thông đến các điểm du lịch như Bản Bung, xã Thanh Tương, xã Hồng Thái... UBND tỉnh đang phối hợp với UBND tỉnh Bắc Kạn lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận hồ Ba Bể - Na Hang - Lâm Bình là Di sản thiên nhiên thế giới.
Các đồng chí: Hoàng Anh Cương, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy; Tô Viết Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Na Hang cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh thăm mô hình trồng cây lê tại xã Hồng Thái. Ảnh: K.T
Huyện quan tâm phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ đáp ứng yêu cầu phục vụ du lịch. Hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng mở rộng, các loại hình dịch vụ khách sạn, nhà hàng, dịch vụ ăn uống chất lượng cao từng bước được hình thành, tập trung tại khu vực trung tâm thị trấn Na Hang và trung tâm các xã. Các lễ hội, nghi lễ truyền thống, nghề truyền thống được bảo tồn, giữ gìn, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách.
Vẻ đẹp của Na Hang là ở cái tĩnh lặng, trầm mặc của núi rừng, sâu lắng của làn điệu Then, Páo dung khiến người ta đến một lần nhớ mãi và muốn trở lại. Tỉnh có chủ trương xây dựng thị trấn Na Hang trở thành đô thị du lịch, du khách đến Na Hang sẽ gần hơn khi đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai được xây dựng, mang đến cho vùng đất này sức sống mới, đầy ắp sắc xuân...
Gửi phản hồi
In bài viết