Độc đáo homestay

- Mùa xuân đã đến tô thêm vẻ đẹp vùng cao Lâm Bình. Năm 2020 khép lại, thị trường du lịch gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, thế nhưng với cách làm homestay độc đáo, du lịch Lâm Bình vẫn đạt được kết quả khích lệ.

Đánh thức tiềm năng

Lâm Bình có nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, sơn thủy hữu tình và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của 13 dân tộc thiểu số. Hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình như bức tranh thủy mặc làm ngất ngây lòng người. Ở đó có núi, có rừng nguyên sinh bao quanh và hệ động thực vật phong phú khiến du khách nhớ mãi và luôn muốn trở lại...

Huyện còn có những thắng cảnh hấp dẫn khác như động Song Long, thác Khuổi Nhi, Khuổi Súng, hang Phia Vài... Phong cảnh thiên nhiên hoang sơ của miền sơn cước là điểm đến của du khách gần xa. Về Lâm Bình còn thích thú với cá mát xa chân ở thác Khuổi Nhi, thác nước như một chùm mây trắng tinh khôi đổ xuống mang theo những đàn cá bám quanh chân người chinh phục thác nước. Cá rúc vào chân, cảm giác thật êm dịu. Đấy là cảm nhận của anh Hoàng Khánh Bằng, quận Hoàng Mai (Hà Nội) và nhiều du khách khi trải nghiệm thác Khuổi Nhi. Mùa hè này, anh và bạn bè, người thân lại về đây để hòa mình với thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ Lâm Bình. 


Homestay Hoàng Tuấn, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm mỗi tháng thu hút
gần 300 lượt khách du lịch đến tham quan.

Sau một thời gian đến tham quan và khảo sát mảnh đất, văn hoá nơi đây, anh Lương Duy Doanh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch 5 sao (Hà Nội) thấy nhu cầu của khách du lịch đến với Lâm Bình rất lớn, nhất là đối với loại hình du lịch trải nghiệm. Từ đó, anh đã quyết định đầu tư xây dựng khu du lịch Homestay Nặm Đíp, tại thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can; khu du lịch Bản Bon, xã Phúc Yên. Anh Doanh cho biết: “Chúng tôi luôn tạo cho du khách những khoảng thời gian trải nghiệm hấp dẫn, được thực sự thư giãn với loại hình du lịch homestay”.

Chính từ loại hình du lịch độc đáo này, những năm qua 2 điểm du lịch Homestay Nặm Đíp và Bản Bon đã đón rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với Lâm Bình. Chị Nguyễn Ngọc Anh, một khách du lịch đến từ huyện Mai Sơn (Sơn La) chia sẻ: “Ở các khách sạn, việc ăn uống, ngủ nghỉ, rồi đi chơi đều do hướng dẫn viên du lịch đảm nhiệm, tôi cảm thấy ít hào hứng. Vì vậy, khi đến với Lâm Bình, tôi đã chọn dịch vụ homestay. Loại hình du lịch này cho tôi cơ hội được trải nghiệm những nét văn hóa ẩm thực, trò chuyện với người dân bản địa, được trải nghiệm các phong tục tập quán, văn hóa địa phương. Tất cả khiến tôi cảm thấy thú vị và hấp dẫn hơn nhiều”.

Cùng với Homestay Nặm Đíp, Homestay Tài Ngào, xã Thượng Lâm cũng được rất nhiều du khách chú ý, đặc biệt là đối với các bạn trẻ. Ban đầu, homestay này được một nhóm bạn trẻ ở xã Thượng Lâm xây dựng nên. Anh Hoàng Văn Minh, chủ Homestay Tài Ngào nói, những thành viên trong nhóm đều là những người ưa thích du lịch. Vì vậy đã quyết định xây dựng homestay - nơi mà mọi người có thể đến vui chơi, trải nghiệm, nghỉ ngơi lấy lại thăng bằng để làm việc tốt hơn.

Nhiều hình thức trải nghiệm

Đồng chí Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết, hiện Lâm Bình có gần 30 hộ làm homestay. Phát triển du lịch homestay là sự độc đáo, khác biệt của Lâm Bình để níu chân du khách.

Cùng với việc được trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt thường ngày của người dân bản địa, du khách có thể tham gia nhiều hoạt động hấp dẫn như đạp xe, bơi lội, chèo bè, bắt cá... Ngôi nhà sàn của ông Hoàng Văn Tuấn, chủ Homestay Hoàng Tuấn, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm nằm nép mình dưới chân núi, phong cảnh hữu tình đã được nhiều du khách lựa chọn làm điểm dừng chân. Ông Tuấn chia sẻ, gia đình ông bắt đầu phát triển du lịch cộng đồng từ năm 2016. Khách du lịch đến đây không chỉ được nghỉ ngơi, tận hưởng không khí trong lành của bản làng, thưởng thức những món ăn dân tộc, mà còn trải nghiệm cách làm các vật dụng từ mây, tre, nghề dệt truyền thống hoặc mua về làm quà kỷ niệm.

Tại homestay, du khách còn được thưởng thức các tiết mục văn nghệ như những câu chuyện kể về con người và núi rừng Lâm Bình qua lời Then, lời Cọi, Páo dung, múa khèn... Hiện toàn huyện có 107 đội văn nghệ, 5 Câu lạc bộ hát Then - đàn Tính. Đặc biệt, ở một số thôn phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn như thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can; Nà Tông, Nà Đông, xã Thượng Lâm; Nà Muông, xã Khuôn Hà... có từ 2 - 3 đội văn nghệ với 7 - 15 thành viên thường xuyên luyện tập, biểu diễn phục vụ khách du lịch.

Chị Vũ Thị Ngọc Tuyết, Đội trưởng Đội văn nghệ Homestay Khuôn Hà chia sẻ, trung bình mỗi năm đội văn nghệ thực hiện được 120 buổi biểu diễn tại homestay. Nhiều du khách thích thú với cây đàn Tính hòa vào tiếng ới la của điệu Then như sự giao cảm với đất trời, thiên nhiên, khiến lòng người lâng lâng trong hương rượu ngô thơm nồng...

Đến với Lâm Bình, du khách còn được trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm của các bà, các mẹ và các thiếu nữ nơi 99 ngọn núi. Tại nhiều điểm homestay có một góc không gian về nghề dệt vải. Người ta thật thán phục với những nét tinh sảo của các cô gái Tày làm nên những đường hoa văn của tấm chăn bông, tấm khăn quàng cổ... Mùa đông này mà đắp chăn bông thổ cẩm của người Tày Lâm Bình dệt thì thật tuyệt, cái rét như tan đi thì phải. Anh Hoàng Quang Hải ở thành phố Hải Dương (Hải Dương) bảo rằng, về Thượng Lâm, về Khuôn Hà, Lăng Can thấy lòng nhẹ bẫng, là bởi những thứ mệt nhọc ở phố phường không còn nữa. Những cô gái Tày ngồi bên khung cửi dệt vải như nàng tiên từ câu chuyện cổ tích bước ra... Anh sẽ cùng bạn bè đến nơi này mỗi năm để lấy lại năng lượng sống...

Huyện Lâm Bình đã xây dựng các sản phẩm đặc trưng từ tre nứa, thổ cẩm để du khách lựa chọn làm quà tặng người thân dịp lễ Tết. Người dân sẽ giàu lên từ làm du lịch...

Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục