Tự phê bình là “nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình”, là sẵn sàng thừa nhận trước mọi người những khuyết điểm, hạn chế của mình để tìm cách sửa chữa, khắc phục.
Còn phê bình là “nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình”; tham góp ý kiến và nêu cách thức để sửa chữa khuyết điểm cho đồng chí mình. Tự phê bình và phê bình chỉ phát huy được tác dụng khi được thực hiện nghiêm túc, với tinh thần “phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người”.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, Đảng ta luôn khẳng định: Tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén, là công cụ cho sự phát triển của Đảng. Mỗi đảng viên cần quyết tâm làm cho tự phê bình và phê bình trở thành tính tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên, thành nề nếp trong sinh hoạt của Đảng.
Tuy nhiên trong thực tế, việc tự phê bình và phê bình ở nhiều tổ chức cơ sở đảng và đảng viên còn thiếu nghiêm túc và thiếu tự giác; dẫn đến hậu quả xấu về mọi mặt, ảnh hưởng đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng. Vẫn còn kiểu phê bình chiếu lệ, một chiều, mang tính hình thức, thực chất là nói cho qua chuyện hoặc nói để lấy lòng nhau
. Phổ biến là tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý. Có trường hợp dùng danh nghĩa tự phê bình và phê bình để “đánh hội đồng”, hạ uy tín cá nhân lẫn nhau, dẫn đến mất dân chủ, thi hành kỷ luật không khách quan, dẫn đến tăng khiếu nại, kỷ luật Đảng.
Hiện đang là lúc các chi bộ, đảng bộ tiến hành tổng kết, đánh giá cuối năm, trong đó có tự phê bình, phê bình để bình bầu, phân loại kết quả cả năm công tác, rèn luyện và phấn đấu. Nhận diện và khắc phục những biểu hiện chưa đúng của tự phê bình và phê bình chính là để thực hiện tốt nguyên tắc sinh hoạt Đảng, để những khuyết điểm được kịp thời sửa chữa, để học tập ưu điểm của nhau, cùng giúp nhau tiến bộ.
Gửi phản hồi
In bài viết