Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang cũng như lịch sử của địa phương đã được thực hiện gắn với Đề án số 06-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025. Bên cạnh việc đăng tải các bài viết về lịch sử Đảng trên các trang website, Fanpage của ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng còn được triển khai với nhiều nội dung, hình thức phong phú như: tổ chức các cuộc hành trình về nguồn, nói chuyện truyền thống, tổ chức hội thảo, tọa đàm, các cuộc thi viết, thi trực tuyến tìm hiểu về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang, báo công với Bác, thi tuyên truyền các ca khúc cách mạng...
Cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh trong một chuyến tham quan học tập tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Bình (Chiêm Hóa).
Từ tháng 6 - 2022 đến nay đã có trên 24 nghìn lượt học sinh, sinh viên đến tham quan, tổ chức các hoạt động kết nạp Đảng, Đoàn, Hội, Đội tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào và Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Bình, Bảo tàng tỉnh và các điểm di tích trên địa bàn tỉnh. Công tác biên soạn các ấn phẩm lịch sử được các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo triển khai. Đến tháng 11-2023, toàn tỉnh có 68 cơ quan, đơn vị, địa phương đang triển khai biên soạn các ấn phẩm lịch sử.
Các chi bộ, đảng bộ cơ sở đã tích cực đưa nội dung tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương vào các buổi sinh hoạt.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã biên soạn, phát hành, hướng dẫn sử dụng tài liệu “Giảng dạy lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang” vào giảng dạy các chương trình lý luận chính trị tại Trường Đại học Tân Trào, Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - công nghệ, học viên các lớp Trung cấp tại Trường Chính trị tỉnh và học viên các lớp sơ cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng nhận thức về Đảng, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới tại các trung tâm chính trị của huyện, thành phố.
Đến nay, công tác biên soạn đưa nội dung lịch sử Đảng, lịch sử địa phương tích hợp trong chương trình giảng dạy bộ môn lịch sử, giáo dục công dân tại các trường học có nhiều đổi mới, qua đó phát huy tính tích cực, chủ động, rèn luyện phương pháp tự học, khơi dậy tinh thần hứng thú, say mê trong học tập lịch sử Đảng, lịch sử địa phương.
Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy lịch sử Đảng, lịch sử địa phương trong các trường học, giáo viên đã sử dụng nhiều phương tiện, công cụ và khai thác kho học liệu số của Bộ Giáo dục và Đào tạo để làm phong phú giáo án dạy môn lịch sử. Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đều có văn bản chỉ đạo đội ngũ giáo viên, học sinh tích cực tham gia cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng, lịch sử địa phương. Sở cũng thành lập tổ giáo viên cốt cán các môn học cấp tỉnh, trong đó có môn Lịch sử, thường xuyên cử giáo viên trong tổ dự giờ, tư vấn, hỗ trợ trực tuyến, trực tiếp về môn Lịch sử tại các trường học trên địa bàn toàn tỉnh. Với những đổi mới trong giảng dạy môn Lịch sử nói chung, lịch sử Đảng nói riêng, trong những năm gần đây, kết quả thi môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia của tỉnh đều cao hơn điểm bình quân chung cả nước và đều đạt thành tích cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia môn Lịch sử.
Các em học sinh trường THPT Ỷ La (TP Tuyên Quang) trong một tiết học môn Lịch sử.
Cô giáo Nguyễn Thị Xuân, Tổ trưởng Tổ Lịch sử - Giáo dục công dân - Thể dục - Quốc phòng - an ninh, trường THPT Ỷ La (TP Tuyên Quang) cho biết, nhà trường đã đổi mới phương pháp dạy môn Lịch sử, trong đó có lịch sử Đảng, lịch sử địa phương thông qua việc đánh giá học sinh bằng sản phẩm cụ thể như bài viết, pano, tranh vẽ, tổ chức học nhóm để tạo sự hứng thú trong mỗi giờ dạy môn Lịch sử. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, ngày thành lập tỉnh Tuyên Quang, tổ đề xuất với Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức các hoạt động như hội thảo, tọa đàm, trò chơi dân gian tìm hiểu về lịch sử Đảng.
Các giảng viên trường Chính trị tỉnh đã tích cực khai thác hình ảnh, xây dựng các video clip để minh họa cho bài giảng. Việc ra đề thi, câu hỏi mang tính tổng hợp để học viên có tính hệ thống, xâu chuỗi các sự kiện lịch sử. Trường tổ chức cho giảng viên và học viên được tham quan, tìm hiểu thực tế tại các di tích lịch sử cách mạng trong tỉnh và ngoài tỉnh. Giảng viên trong trường còn tích cực viết bài đăng tải trên cuốn Thông tin Lý luận thực tiễn và website của nhà trường để tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.
Tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trên quê hương cách mạng Sơn Dương những năm qua được các cấp ủy, tổ chức Đảng coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân. Đồng chí Nông Ngọc Hưng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Sơn Dương chia sẻ, các cấp ủy, MTTQ, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã gắn các hoạt động về nguồn, chăm sóc các di tích lịch sử với tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng cho đảng viên, đoàn viên, hội viên, Nhân dân. Các chi bộ, đảng bộ cơ sở đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên tích cực phòng ngừa, đấu tranh phản bác các thông tin sai lệch, quan điểm sai trái, xuyên tạc lịch sử Đảng trên không gian mạng, chia sẻ nhiều bài viết có nội dung tích cực định hướng dư luận xã hội.
Quan tâm đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử vẻ vang của Đảng thời gian qua đã góp phần tạo động lực tinh thần to lớn để cổ vũ cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong tỉnh nỗ lực thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.
Gửi phản hồi
In bài viết