Nhân viên đường sắt đã tổ chức đình công trong nhiều tháng để yêu cầu tăng lương.
Ảnh: France24
Đức đã gặp rắc rối với các cuộc đình công trong nhiều tháng khi công nhân và Ban quản lý mâu thuẫn về các điều khoản trong bối cảnh lạm phát cao và hoạt động kinh doanh yếu kém.
Công nhân đường sắt bắt đầu cuộc đình công kéo dài 35 giờ đối với các dịch vụ vận chuyển hàng hóa từ chiều 6-3 và đối với các dịch vụ hành khách lúc nửa đêm 7-3. Cuộc đình công kéo dài nhằm mục đích nhấn mạnh yêu cầu chính của Liên đoàn lái tàu Đức (GDL) nhằm giảm thời gian làm việc trong tuần từ 38 giờ xuống còn 35 giờ.
Các nhân viên đường sắt đã tổ chức đình công trong nhiều tháng để yêu cầu tăng lương khi chi phí sinh hoạt cao hơn do lạm phát. Một cuộc đình công của các lái tàu vào tháng 1 đã khiến việc đi lại của hàng nghìn hành khách bị gián đoạn trong nhiều ngày.
Ông chủ GDL Claus Weselsky cho biết, hành động trong tương lai sẽ được công bố "khi chúng tôi nghĩ rằng đã đến thời điểm thích hợp" chứ không phải trước 48 giờ như trước đây. Nhà điều hành đường sắt Deutsche Bahn đã lên án cuộc đình công, nói rằng họ đã nhượng bộ về việc tăng lương 13%.
Trong khi đó, nhân viên phục vụ hành khách mặt đất của Hãng hàng không Lufthansa sẽ tổ chức đình công trên toàn quốc từ tối 7-3 (giờ địa phương) đến 9-3. Nhân viên an ninh tại các sân bay Frankfurt và Hamburg cũng dẫn đầu cuộc đình công kéo dài một ngày. Frankfurt, trung tâm hàng không lớn nhất của Đức sẽ chứng kiến “sự gián đoạn lớn và các chuyến bay bị hủy trong ngày”. Sân bay sẽ đóng cửa đối với tất cả hành khách ra nước ngoài.
Cuộc đình công của Lufthansa dự kiến sẽ gây ra sự gián đoạn hơn nữa đối với các dịch vụ của hãng hàng không này tại các sân bay khác. Cuộc đình công kéo dài một ngày trước đó đã ảnh hưởng đến khoảng 100.000 hành khách.
Công đoàn Verdi đang yêu cầu tăng lương 12,5% cho người lao động, tăng thêm tối thiểu 500 euro (542 USD) mỗi tháng. Theo Verdi, Lufthansa đã đề nghị tăng lương trong thời gian dài nhưng không đủ để đáp ứng yêu cầu của công đoàn.
Gửi phản hồi
In bài viết