Ngày 4/3/2024, Quốc hội lưỡng viện Pháp thông qua dự luật bổ sung quyền phá thai vào Điều 34 của Hiến pháp thuộc Nền Cộng hòa thứ V của nước Pháp. (Ảnh: Liberation)
Trước đó vào ngày 30/1, Hạ viện Pháp đã thông qua dự luật do chính phủ đệ trình, đưa quyền "tự nguyện chấm dứt thai kỳ" vào Hiến Pháp, rồi tới quyết định của Thượng viện vào ngày 28/2.
Như vậy Điều 34 trong Hiến pháp của nước Pháp ghi thêm: Luật pháp quy định các điều kiện mà theo đó quyền tự do của người phụ nữ được thực hiện, được đảm bảo để có thể tự nguyện chấm dứt thai kỳ.
Sau khi Hạ viện và Thượng viện thông qua dự luật, Tổng thống Emmanuel Macron đã thông báo triệu tập Quốc hội lưỡng viện tại phòng Hội nghị ở Cung điện Versailles vào ngày 4/3 để tiến hành cuộc bỏ phiếu cuối cùng. Kết quả có 780 phiếu ủng hộ, 72 phiếu chống và 50 phiếu trắng
Đây chỉ là cuộc bỏ phiếu mang tính biểu tượng vì dự luật ghi quyền phá thai vào Hiến pháp đã được thông qua với đa số áp đảo trong hai lần bỏ phiếu riêng rẽ tại Hạ viện và Thượng viện.
Ngay sau khi có kết quả bỏ phiếu cuối cùng vào ngày 4/3, Tổng thống Pháp thông báo quyết định tổ chức lễ kỷ niệm sự kiện quan trọng này vào đúng ngày Quốc tế Phụ nữ, 8/3.
Nhiều quan chức, chính khách và giới bảo vệ nhân quyền tại Pháp đã hoan nghênh, coi đây một bước tiến mang tính chất quyết định, và là một trang sử mới trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền của phụ nữ, thể hiện sự tiên phong của nước Pháp trong việc bảo vệ quyền tự do phá thai.
Pháp thông qua luật về quyền phá thai hợp pháp của phụ nữ vào năm 1975, sau đó được bổ sung, sửa đổi nhiều lần. Năm 1988, Pháp trở thành quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa việc sử dụng thuốc Mifepristone làm thuốc phá thai.
Chính phủ Tổng thống Emmanuel Macron muốn Điều 34 của Hiến pháp được sửa đổi, bao gồm việc “luật pháp xác định các điều kiện mà một người phụ nữ có quyền được bảo đảm để phá thai,” từ đó bảo đảm quyền phá thai đối với phụ nữ là một quyền lợi không thể đảo ngược.
Lần cuối cùng thay đổi và bổ sung Hiến pháp ở Pháp là vào năm 2008 khi các nhà lập pháp thông qua những cải cách sâu rộng dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy. Đó là giới hạn thời gian tại vị của một tổng thống trong hai nhiệm kỳ cũng như các biện pháp bảo vệ tốt hơn cho sự độc lập và tự do báo chí.
Gửi phản hồi
In bài viết