Anh Trần Ngọc Thiện, Trưởng Phòng kinh doanh, Công ty Điện lực Tuyên Quang cho biết, hiện nay đơn vị đã hợp tác với Vietinbank, BIDV, Vietcombank, Agribank, MBbank; 8 tổ chức trung gian là Viettel, Bưu điện tỉnh, Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến cộng Đồng Việt Payoo, Zalopay, VNpay, Mô mô, Vi mô, Công ty truyền thông VNPT, để thực hiện thanh toán như thu tiền điện tại quầy giao dịch, qua ATM, internet Banking, trích thu nợ tự động... Trung bình mỗi tháng có khoảng hơn 153.200 khách hàng trong tổng số 259.452 khách hàng của ngành điện thực hiện thanh toán tiền điện qua dịch vụ của ngân hàng.
Công nhân Công ty Điện lực Tuyên Quang hướng dẫn người dân thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt.
Bằng cách sử dụng dịch vụ thanh toán qua các ngân hàng và tổ chức trung gian, khách hàng không tốn chi phí khác mà vẫn chủ động thanh toán mọi lúc, mọi nơi một cách an toàn, chính xác. Điều này phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, nhất là cán bộ, công nhân viên, doanh nghiệp bận rộn không có thời gian đóng tiền điện vào khung giờ hành chính.
Bà Bùi Thị Thúy, Giám đốc Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang chia sẻ, việc thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt vừa giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, vừa đảm bảo thuận lợi trong việc tiếp nhận, lưu giữ các chứng từ, hóa đơn. Đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 phức tạp hiện nay thì hình thức thanh toán không dùng tiền mặt rất hữu ích, giúp hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Nhìn chung, việc triển khai thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh chỉ mới phát triển mạnh mẽ ở khu vực trung tâm thành phố, thị trấn, xã, phường. Tại nhiều khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, việc triển khai hình thức thanh toán này vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên do chính là người dân vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt và việc tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế. Để tiếp tục đẩy mạnh lộ trình này, Công ty Điện lực Tuyên Quang tiếp tục tích cực tuyên truyền lợi ích bằng nhiều hình thức như: nhắn tin quảng bá cho khách hàng nhằm thay đổi nhận thức, thói quen dùng tiền mặt; thực hiện giải pháp thanh toán trên thiết bị di động để khách hàng biết và sử dụng; thông báo đến chính quyền địa phương, cơ quan, ban, ngành về việc chuyển đổi thanh toán tiền điện bằng tiền mặt sang thanh toán qua ngân hàng và các tổ chức thu hộ… Bên cạnh đó, công ty cũng tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng cung cấp điện, đảm bảo an toàn, ổn định, đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng điện của người dân.
Ông Hà Huy Tâm, Giám đốc Công ty Điện lực Tuyên Quang cho biết việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong các dịch vụ điện đã đem lại rất nhiều tiện ích cho cả ngành điện và khách hàng. Khách hàng có thể sử dụng các dịch vụ điện thông qua ứng dụng trên điện thoại di động ở mọi lúc, mọi nơi, qua đó tiết kiệm thời gian, chi phí trong việc giải quyết các yêu cầu của khách hàng cũng như xử lý các sự cố phát sinh, qua đó nâng cao chất lượng cung ứng điện năng và chỉ số hài lòng của khách hàng.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hình thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt được khách hàng đánh giá cao về sự tiện lợi và an toàn, giảm nguy cơ lây nhiễm do không phải tiếp xúc trực tiếp. Có thể nói đây là phương thức thanh toán tiện tích, tiết kiệm được nhân lực cho ngành Điện và khách hàng trong sử dụng dịch vụ.
Gửi phản hồi
In bài viết