Các đại biểu dự COP29 tại Azerbaijan. (Ảnh REUTERS) |
Thỏa thuận đạt được trong ngày họp đầu tiên của COP29 tại Baku (Azerbaijan) và được kỳ vọng mở cánh cửa cho một thị trường carbon toàn cầu hoàn chỉnh trong tương lai gần.
Chủ tịch COP29 Mukhtar Babayev ca ngợi đây là “bước đột phá quan trọng”, song cho rằng vẫn cần nhiều nỗ lực hơn. Theo ông, một số quy tắc cơ bản quan trọng đưa thị trường vào hoạt động đã được thông qua, nhưng các khía cạnh quan trọng khác, như biện pháp bảo vệ và vấn đề quản trị, vẫn cần được đàm phán.
Reuters dẫn ý kiến một số nhà đàm phán tại COP29 cho rằng, thỏa thuận cho phép thị trường carbon toàn cầu, vốn do Liên hợp quốc thúc đẩy xây dựng trong nhiều năm qua, có thể hoạt động sớm nhất vào năm 2025.
Tín dụng carbon là đơn vị đo lường trị giá một tấn khí CO2 hoặc khí nhà kính tương đương, mà một tổ chức hoặc cá nhân đã ngăn ngừa hoặc loại bỏ. Hệ thống tín dụng carbon cho phép các quốc gia hoặc công ty chi trả cho các dự án ở bất kỳ nơi đâu trên hành tinh nhằm giảm lượng khí thải hoặc loại bỏ CO2 khỏi khí quyển và sử dụng tín dụng do các dự án đó tạo ra để bù đắp lượng khí thải của họ.
Tuy nhiên, các hoạt động tín dụng carbon tự nguyện hiện nay gặp khó khăn do không có tiêu chuẩn chung để đánh giá mức giảm khí thải. Các tiêu chuẩn vừa được thông qua tại COP29 cho phép phát triển các quy tắc mới, bao gồm tính toán số lượng tín dụng mà một dự án có thể nhận được.
Theo giới chuyên gia, tiêu chuẩn mới được thông qua có ý nghĩa quan trọng, góp phần đưa hệ thống thị trường carbon đi vào hoạt động. Tuy nhiên, một số nhà hoạt động về khí hậu cho rằng, thỏa thuận vừa đạt được chỉ nhằm mục đích xoa dịu mối lo ngại về các dự án trao đổi tín dụng carbon không mang lại lợi ích thật sự. Điều cấp thiết vẫn là giảm lượng khí thải thực chất.
Gửi phản hồi
In bài viết