Người dân mua sắm tại siêu thị. (Ảnh: Bảo Minh)
Theo Tổng cục Thống kê, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào; một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022-2023 là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước.
So với tháng 12/2021, CPI tháng 9/2022 tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%.
CPI bình quân quý III/2022 tăng 3,32% so với quý III/2021. Bình quân 9 tháng năm nay, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,88%.
CPI tháng 9/2022 so với tháng 8/2022
So với tháng trước, CPI tháng 9/2022 tăng 0,4% (khu vực thành thị tăng 0,55%; khu vực nông thôn tăng 0,23%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 2 nhóm giảm giá, trong đó nhóm giao thông giảm 2,23% do giá xăng liên tục giảm ở các kỳ điều chỉnh trong tháng và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04%.
CPI tháng 9/2021 so cùng kỳ năm trước
So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 9/2022 tăng 3,94%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 10 nhóm tăng giá, 1 nhóm giảm giá.
Cụ thể, nhóm giáo dục tháng 9/2022 tăng cao nhất với 8,37% so cùng kỳ năm trước, do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí năm học mới 2022-2023.
Nhóm giao thông tháng 9/2022 tăng 6,68% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá xăng dầu tăng 11,18% do giá xăng A95 tăng 640 đồng/lít; xăng E5 tăng 1.070 đồng/lít và dầu diezen tăng 5.950 đồng/lít.
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,82% do dịch Covid-19 được kiểm soát, giá tour và khách sạn, nhà hàng tăng khi nhu cầu du lịch trong nước tăng.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,43% do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở và nhà ở thuê tăng.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,65%, chủ yếu do dịch Covid-19 được kiểm soát, giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 6,56%; lương thực tăng 2,1% và thực phẩm tăng 2,77%.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,44%, chủ yếu do giá nguyên liệu sản xuất đồ uống và chi phí vận chuyển tăng.
Bên cạnh đó, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tháng 9 tăng 2,99% so với cùng kỳ năm trước; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,54%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 2,19%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,47%.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý III năm 2022 tăng 3,32% so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng năm 2022 tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2021.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 9/2022 tăng 0,47% so với tháng trước, tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,88% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,73%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng, dầu.
Gửi phản hồi
In bài viết