Các ngân hàng thương mại tập trung hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tạo điều kiện khôi phục nền kinh tế, bảo đảm tăng trưởng hơn 6,5% như mục tiêu đề ra. Ảnh: Đỗ Tâm
Tỷ giá dự báo tăng khoảng 4-5%
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng các loại lãi suất điều hành (lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn) và trần lãi suất huy động của các kỳ hạn ngắn, ngày 23-9, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại cũng như thị trường tự do liên tục được điều chỉnh. Ngày 27-9, tỷ giá trung tâm VND/USD được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.346 VND, tăng 12 VND so với ngày hôm trước. So với ngày 23-9, tỷ giá trung tâm đã tăng 22 VND/USD.
Tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), giá USD ngày 27-9 được niêm yết ở mức 23.560 VND/USD (mua vào) - 23.870 VND/USD (bán ra), trong khi giá niêm yết ngày 23-9 là 23.535 VND/USD (mua vào) - 23.845 VND/USD (bán ra). Trên thị trường tự do, ngày 27-9, USD giao dịch ở quanh mức 24.250 VND/USD (mua vào) - 24.290 VND/USD (bán ra), tăng 160 VND/USD đối với chiều mua vào và 170 VND/USD với chiều bán ra so với ngày 23-9.
Trước khi tăng lãi suất điều hành, tỷ giá USD/VND được dự báo biến động đến 3%. Hiện nay, các chuyên gia đã nâng mức dự báo lên 4%, thậm chí là 5% trong năm 2022. Theo Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VnDirect Đinh Quang Hinh, tỷ giá sẽ tiếp tục chịu áp lực trong những tháng cuối năm 2022 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì lộ trình tăng lãi suất. Song, vẫn có những yếu tố hỗ trợ tỷ giá, như dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh hơn, thặng dư thương mại cải thiện (dự báo đạt khoảng 8,9 tỷ USD trong năm 2022), thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối đạt ngưỡng an toàn (tương đương 3,3 tháng nhập khẩu). Như vậy, VND có thể mất giá khoảng 3,5-4% so với USD trong năm 2022.
Trong báo cáo mới nhất, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) phân tích, FED có thể nâng lãi suất thêm 125 điểm cơ bản tới cuối năm 2022 và thêm 25 điểm trong năm 2023. Vì vậy, mức mất giá của VND có thể lên cao nhất tới 4% trong năm 2022. Sang năm 2023, khi lãi suất điều hành của FED đạt đỉnh, đồng USD ổn định hơn, diễn biến của VND sẽ trở lại quỹ đạo ổn định của các năm trước trong biên độ +_ 2%.
Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã tăng lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng. Ảnh: Nguyễn Quang
Mặt bằng lãi suất cho vay thực sẽ tăng
Mặt bằng lãi suất huy động cũng đã được các ngân hàng thương mại tăng. Tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), biểu lãi suất tiền gửi áp dụng cho khách hàng cá nhân tăng mạnh ở các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng theo trần lãi suất Ngân hàng Nhà nước cho phép. Trong đó, lãi tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tăng từ 4%/năm lên 4,9%/năm và kỳ hạn 2-5 tháng là 5%/năm. Tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng cũng được điều chỉnh từ mức 3,95-4%/năm lên 4,9-5%/năm...
Trong khi đó, bốn ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là: Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng đã tăng lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng.
Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) ước tính, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đã tăng 0,9-1,1% từ đầu năm 2022 đến nay. Với các chính sách tiền tệ thắt chặt, VCBS dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ tăng 1,5-2% trong cả năm 2022.
Thực tế, các doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức tài chính cũng nhận thức được việc tăng lãi suất là điều tất yếu, nên động thái vừa qua của Ngân hàng Nhà nước không gây tâm lý sốc cho thị trường. Tuy nhiên, lãi suất huy động tăng sẽ đẩy lãi suất cho vay tăng theo. Do vậy, trong đầu tư, doanh nghiệp phải tính toán thận trọng hơn, thậm chí giảm tốc độ đầu tư. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, với chủ trương ổn định mặt bằng lãi suất của Chính phủ, lãi suất cho vay danh nghĩa của ngân hàng thương mại có thể không tăng. Nhưng để bảo đảm kế hoạch lợi nhuận, các ngân hàng sẽ tìm cách thu thêm phí. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp thời gian tới. Mặc dù vậy, với chính sách tiền tệ coi trọng ổn định vĩ mô, mặt bằng lãi suất sẽ nhích từ từ chứ không tăng mạnh.
Dự báo, tăng trưởng kinh tế quý IV-2022 của nước ta sẽ rất tích cực, lạm phát tiếp tục được kiểm soát. Tuy vậy, do lãi suất tăng, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp khó khăn nên tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 sẽ chậm lại.
Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, mục tiêu ưu tiên số một trong điều hành là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm giá trị tiền đồng. Mục tiêu thứ hai là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tạo điều kiện nhanh chóng khôi phục nền kinh tế, bảo đảm tăng trưởng hơn 6,5% như mục tiêu Quốc hội đề ra. Để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước kêu gọi các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị, từ đó hạ lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Gửi phản hồi
In bài viết