Là đơn vị cung cấp nguồn giống thủy sản chủ lực trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Thủy sản tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ, đa dạng con giống bảo đảm chất lượng cho nhu cầu phát triển nuôi cá hàng hóa cho người dân. Trung bình mỗi năm, Trung tâm cung cấp ra thị trường khoảng 80 triệu con cá bột (cá mới đẻ) và 32 triệu con cá giống các loại và 6 vạn con cá đặc sản. Năm nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên Trung tâm đã phải tính toán, bổ sung thêm thức ăn từ cám ngô, cám gạo, cỏ, rau… để giảm bớt chi phí. Việc đảm bảo chất lượng đàn cá giống luôn được đặt lên hàng đầu.
Anh Phạm Mạnh Thông, Giám đốc Trung tâm Thủy sản tỉnh cho biết, để có nguồn cá giống chất lượng, từ tháng 9 hàng năm, Trung tâm đã tuyển chọn cá bố mẹ đưa vào nuôi vỗ, cung cấp đủ dinh dưỡng và căn cứ vào tình hình thời tiết để cho sinh sản. Điểm khác biệt rõ nét so với trước đây là không để cho cá sinh sản tự do mà sẽ tiến hành tiêm thuốc kích thích quá trình sinh sản nhằm tạo ra những mẻ cá giống vào đúng thời điểm mong muốn. Ngoài tiêu thụ trong tỉnh, Trung tâm còn xuất bán sang các tỉnh bạn như Yên Bái, Hà Giang, Hòa Bình, Phú Thọ… Năm nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, thêm vào đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ sản phẩm chậm. Tuy nhiên, Trung tâm vẫn duy trì sản xuất đảm bảo nhu cầu.
Trung tâm Thủy sản tỉnh tuyển chọn cá giống cung cấp cho người nuôi trồng.
Đà Vị là một trong những xã đang phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng trên địa bàn huyện Na Hang. Hiện nay, diện tích nuôi thả cá của toàn xã đạt trên 200 ha, sản lượng khai thác và nuôi trồng ước đạt 90 tấn/năm với nhiều loại cá đặc sản như cá nheo, cá bỗng, cá lăng... Anh Lương Văn Tần, thôn Xá Thị chia sẻ, năm 2015, gia đình anh mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đầu tư 10 lồng cá đặc sản gồm các loại cá bỗng, cá lăng, cá trắm đen… Sau mỗi vụ nuôi, anh luôn tìm đến các trung tâm cung ứng con giống chất lượng để đặt mua con giống. Khi chọn cá giống, cá phải có sức khỏe tốt, kích thước phù hợp độ tuổi, không có dấu hiệu của bệnh. Cá giống phải đồng đều về kích cỡ không dị hình và xây xát, cá phải có kích cỡ lớn để không chui lọt vách lồng. Mật độ thả cá cần phù hợp với kích thước lồng nuôi, lượng thức ăn được điều chỉnh theo trọng lượng cá nuôi tránh tình trạng dư thừa ảnh hưởng đến môi trường cũng như hiệu quả kinh tế. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nên trong những năm qua, đàn cá của gia đình anh luôn phát triển khỏe mạnh, cho thu hoạch đúng thời điểm. Trung bình hàng năm cho thu lãi trên 100 triệu đồng từ nuôi cá.
Có thể thấy, chất lượng và hiệu quả sản xuất ngành chăn nuôi phụ thuộc quan trọng vào chất lượng nguồn con giống. Việc chủ động được nguồn giống là điều kiện rất thuận lợi để ngành nông nghiệp có thể quản lý được đồng bộ chất lượng sản xuất ngay từ đầu vào, qua đó, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Đầu tư chăn nuôi lợn từ hơn 10 năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Đông, tổ dân phố Lang Quán, thị trấn Yên Sơn đã rút được kinh nghiệm phải đầu tư chăn nuôi khép kín, tự chủ các khâu sản xuất thì mới có lãi. Chị Đông chia sẻ, sau một thời gian chăn nuôi nhỏ lẻ và không tự chủ con giống, chất lượng con giống mua của thương lái không được đảm bảo, dẫn đến hơn 50 con lợn thịt của gia đình chị bị chết vì dịch bệnh, thiệt hại trên 100 triệu đồng. Vì vậy, năm 2016, sau khi mở rộng quy mô chuồng trại, chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, thay vì mua lợn giống như trước đây, chị đã quyết định nuôi lợn nái để tự chủ con giống. Hiện nay, gia đình chị nuôi 10 con lợn nái, 1 con lợn đực, trên 50 con lợn thịt. Doanh thu hàng năm của gia đình đạt trên 200 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, việc sản xuất, cung ứng nguồn con giống trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Hiện nay, hầu hết trang trại chăn nuôi lớn đã chủ động được con giống, còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn mua con giống trôi nổi tại các chợ dân sinh, dẫn đến giảm chất lượng, hiệu quả sản xuất...
Để giải quyết vấn đề này, theo đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, ngành Nông nghiệp đang xây dựng kế hoạch đẩy mạnh thực hiện chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 mà Chính phủ đã ban hành. Trong đó, ngành sẽ tham mưu cho tỉnh xây dựng các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giống trên địa bàn, bám sát với kế hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến của tỉnh. Đồng thời, tham mưu với tỉnh trong việc tăng cường công tác bảo tồn các nguồn gen cây trồng, vật nuôi quý trên địa bàn, phục vụ công tác nghiên cứu, chọn tạo giống. Ngành chú trọng các loại giống bản địa mang tính đặc sản, có khả năng chống chịu với dịch bệnh tốt để cung ứng cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận...
Gửi phản hồi
In bài viết