Nông dân quay lại trồng mía
Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương hiện đã thu mua hết 100% sản lượng mía trong vùng nguyên liệu, với sản lượng đạt 80.000 tấn, kết thúc niên vụ ép 2021 - 2022.
Ngay sau khi hoàn thành vụ ép mía, doanh nghiệp này đang tập trung các giải pháp mở rộng vùng mía nguyên liệu tại các địa phương, trong đó chủ yếu tập trung vào các địa phương đã có truyền thống trồng mía.
Thôn Đèo Ảng, xã Bình Xa (Hàm Yên) những ngày này đang vào vụ trồng mới mía nguyên liệu. 8 ha trồng mới được người nông dân đăng ký từ cuối năm 2021 và bắt đầu xuống giống những ngày giữa tháng 3.
Trên 3,2 ha cánh đồng mía lớn vừa được Công ty hỗ trợ làm đất, tiếng nói cười của bà con xôn xao. Đèo Ảng là thôn 100% đồng bào Dao. Cây mía là cây đem lại thu nhập ổn định cho người dân trong thôn cả chục năm nay. Trưởng thôn Lý Văn Phúc chia sẻ, thời hoàng kim, cách đây 3 - 4 năm, diện tích mía nguyên liệu của cả thôn lên gần 30 ha. Giờ chỉ còn khoảng 15 ha. Vừa rồi, Công ty, chính quyền xã đến tổ chức họp thôn, đã vận động được một nhóm hộ trồng mới 3,2 ha mía nguyên liệu và xây dựng thành mô hình cánh đồng mía lớn.
Người dân Đèo Ảng, xã Bình Xa (Hàm Yên) nhộn nhịp xuống đồng trồng mới mía nguyên liệu.
Ông Lý Văn Bình, năm nay đã gần 50 tuổi, xung phong trồng mới 1,8 ha. Diện tích này trước đây hai vợ chồng ông đã trồng mía, sau phế canh chuyển sang trồng sắn, trồng ngô. Năm nay, khi giá thu mua mía nguyên liệu được điều chỉnh tăng, cộng với việc nhà máy triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người trồng mía, ông yên tâm quay trở lại với cây trồng này.
Ở Đèo Ảng, mọi công đoạn trong trồng, thu hoạch mía nguyên liệu được thôn tổ chức “xã hội hóa” theo hình thức đổi công. Nhà nọ hỗ trợ nhà kia, thành ra, mỗi gia đình giờ chỉ còn 1 - 2 lao động chính ở nhà, nhưng vụ trồng mới mía lúc nào cũng nhộn nhịp. Trưởng thôn Lý Văn Phúc cho biết, thời điểm này là cả thôn ra đồng. Hết cánh đồng này, lại chuyển sang cánh đồng khác.
Chủ tịch UBND xã Bình Xa Hà Văn Hưng cho biết, năm 2022 Bình Xa có kế hoạch trồng mới 25 ha, trồng lại 30 ha. Chỉ tiêu này được lãnh đạo xã cam kết sẽ hoàn thành. Ngay từ đầu năm, lãnh đạo xã đã họp với các thôn để vận động, tuyên truyền các chính sách hỗ trợ từ nhà máy đường, đồng thời cho từng hộ dân đăng ký thực hiện. Đối với những thôn không tổ chức họp được do dịch bệnh, cán bộ xã, cán bộ khuyến nông và cán bộ nông vụ đến trực tiếp để hướng dẫn, hỗ trợ.
Ngay trong vụ xuân này, Bình Xa đăng ký trồng mới 25 ha, trong đó có hơn 3 ha cánh đồng mía lớn tại thôn Đèo Ảng.
Cùng với mô hình cánh đồng mía lớn ở Đèo Ảng, niên vụ 2022 - 2023, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương triển khai 4 mô hình cánh đồng lớn tại các xã Phú Lương, Phúc Ứng, Tam Đa (Sơn Dương); xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa), diện tích từ 3 ha trở lên. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu đến niên vụ 2023 - 2024, diện tích vùng nguyên liệu đạt 4.800 ha, năng suất trung bình đạt 72 tấn/ha và đến niên vụ 2024 - 2025 diện tích vùng nguyên liệu sẽ đạt 6.000 ha, năng suất trung bình đạt 80 tấn/ha.
Điều chỉnh các chính sách
Ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, tiến độ trồng mới mía nguyên liệu của Tuyên Quang trong 3 tháng đầu năm, các địa phương đã trồng mới gần 200 ha mía nguyên liệu. Tuy nhiên, diện tích phế canh cũng sẽ vẫn tiếp tục ở nhiều địa phương. Theo dự báo của ngành nông nghiệp, diện tích mía phế canh trong năm nay sẽ khoảng 260 ha.
Mở rộng diện tích trồng mới, giữ ổn định diện tích mía lưu gốc, mía trồng lại đang được Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương phối hợp với các địa phương thực hiện.
Ông Ngụy Như Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cho biết: Từ vụ thu hoạch mía 2022 - 2023 đến hết niên vụ 2024 - 2025, Công ty sẽ cam kết thu mua mía nguyên liệu với giá 1.000 đồng/kg và 1.130 đồng/kg với mía giống ngọn từ mía nguyên liệu; từ 1.350 đồng/kg với mía giống lấy từ vườn mía hè từ 6 đến 8 tháng tuổi. Ngoài việc tăng giá thu mua, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương tăng định mức đầu tư với diện tích mía trồng mới, trồng lại là 35 triệu đồng/ha và 20 triệu đồng với mía lưu gốc; hỗ trợ chuyển đổi từ đất trồng cây hàng năm khác sang trồng mía là 3 triệu đồng/ha; chuyển đổi từ đất đang trồng cây lâu năm sang trồng mía là 5 triệu đồng/ha. Đối với ban chỉ đạo trồng mía cấp xã, sẽ được hỗ trợ 500 đồng/tấn; ban chỉ đạo trồng mía thôn sẽ được hỗ trợ 1 nghìn đồng/tấn... 100% chương trình làm đất tại các cánh đồng mía đã áp dụng cơ giới hóa. Theo đó, Công ty đã duy trì 11 máy làm đất hỗ trợ bà con vùng nguyên liệu. Với những vùng điều kiện, địa hình không phù hợp, công ty sẽ hỗ trợ 5 triệu đồng/ha để đầu tư làm đất.
Ngoài các chính sách ưu đãi thu hút người trồng mía, việc nâng cao chất lượng giống để nâng cao năng suất, sản lượng, áp dụng mô hình cánh đồng lớn cũng như cơ giới hóa đã được công ty tập trung triển khai. Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương hiện đã ký kết với Trường Đại học Tân Trào triển khai làm mía nuôi cấy mô. Theo đó, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đặt hàng Trường Đại học Tân Trào sản xuất tổng 400 nghìn cây mía giống Roc 22, KK3, MY5541 theo phương pháp nuôi cấy mô đạt tiêu chuẩn chất lượng. Dự kiến trong niên vụ 2022 - 2023, Công ty sẽ triển khai trồng từ 5 đến 10 ha giống mía nuôi cấy mô. Với những giống truyền thống cho năng suất và trữ lượng đường tốt, cũng sẽ được phục tráng lại như giống Roc 22, MI để đảm bảo năng suất và đạt độ đường cao.
Khi có thu nhập ổn định, người trồng mía sẽ không quay lưng lại với thứ cây truyền thống này. Hy vọng, với những chính sách phù hợp, những điều chỉnh tích cực của doanh nghiệp và sự vào cuộc của các địa phương, cây mía sẽ nhanh chóng phục hồi và phát triển bền vững hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết