Mazda BT-50 phiên bản mới ở thị trường nước ngoài không thay đổi nhiều, khiến việc đem về cạnh tranh ở thị trường Việt Nam trở nên vô nghĩa. (Ảnh: WhichCar)
Cùng với sự hồi phục của thị trường ô tô trong nước, doanh số xe bán tải từ đầu năm cũng trên đà tìm lại nhịp tăng trưởng. Tuy nhiên, sự chênh lệch về doanh số ngày càng rõ nét. Xe bán tải là phân khúc hiếm hoi lúc này có một mẫu sản phẩm lấn át hoàn toàn “sân chơi”.
Giờ đây, việc Mazda Việt Nam (thuộc THACO) loại bỏ mẫu BT-50 khỏi danh mục sản phẩm của hãng từ tháng 5, được đánh giá đồng nghĩa “khai tử”, càng khiến lợi thế nghiêng về xe bán tải nước Mỹ.
Mazda BT-50 thế hệ hiện tại được ra mắt từ đầu năm 2022 với nguồn nhập khẩu từ Thái Lan, nhưng không được đón nhận nhiệt liệt từ khách hàng. Trong quý I-2024, mẫu xe này chỉ bán được vỏn vẹn 5 chiếc, cách rất xa so với con số hơn 3.500 chiếc của Ford Ranger. Riêng tháng 3 vừa qua, cả Toyota Hilux và Mazda BT-50 không bán được xe nào.
Sự suy yếu của các đối thủ khiến Ford Ranger lúc này chiếm tới 85,4% thị phần phân khúc xe bán tải và nhiều gấp 6 lần tổng doanh số Mitsubishi Triton và Isuzu D-Max.
Theo nhiều ý kiến phân tích, dù các đối thủ vài năm qua đã rất cố gắng thay đổi, nhưng dường như chưa đủ để thách thức Ford Ranger trong cuộc đua doanh số. Một lợi thế lớn của "vua bán tải" là việc được lắp ráp tại chỗ, nên dễ xác lập giá bán thấp và mở rộng nhiều phiên bản, nhờ vậy cũng dễ tiếp cận nhiều tệp khách hàng khác nhau.
Hiện, thị trường có tới 10 phiên bản Ranger khác nhau được phân phối tại Việt Nam, bao gồm cả bản hiệu suất cao Ranger Raptor và “lính mới” Stormtrak hướng đến nhóm khách hàng ưa thể thao mạo hiểm.
Về cấu hình, chiếc bán tải của Mỹ có lựa chọn số sàn, số tự động 6 cấp, 10 cấp; lựa chọn động cơ 2.0L tăng áp đơn, 2.0L tăng áp kép; lựa chọn dẫn động 1 cầu, 2 cầu; với giá bán dao động rất lớn (từ 665 triệu đồng đến 1,299 tỷ đồng).
Trong khi đó, cả Triton Athlete và Nissan Navara hiện có 3 phiên bản, nhưng chỉ với 1 lựa chọn động cơ và 1 lựa chọn hộp số.
Lợi thế về chi phí đến từ việc được lắp ráp tại chỗ cũng giúp các phiên bản cơ sở của Ranger thường có tiện nghi trội hơn đối thủ cùng tầm giá.
Làn sóng thế hệ mới dự kiến diễn ra trong năm 2024 được kỳ vọng có thể thay đổi phần nào bức tranh toàn cảnh thị trường xe bán tải trong nước. Nissan Navara và Mitsubishi Triton hoàn toàn mới (hiện đã nhập khẩu về nước) được dự báo sẽ là hai ứng viên nặng ký cho việc "chia lại" thị phần.
Sự xuất hiện của các mẫu xe thế hệ mới kết hợp với dư địa phát triển còn dồi dào khiến các nhà sản xuất kỳ vọng lớn về doanh số xe bán tải tại Việt Nam trong năm nay.
Thực tế, sức mua xe bán tải từ đầu năm tới nay vẫn còn khá yếu so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý I-2024, có 4.078 xe tới tay khách hàng, ít hơn 667 xe (giảm 14,1%) so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, việc phải đến quý III-2024 mới xuất hiện những đối thủ mới có thể tranh giành thị phần, Ford Ranger được dự báo sẽ còn tiếp tục thống trị bảng xếp hạng suốt mùa hè này.
Gửi phản hồi
In bài viết