Cuộc sống mới ở Hoàng Khai

- Hơn 18 năm nhường đất xây dựng công trình thủy điện Tuyên Quang, cuộc sống bà con thôn Tân Quang và Yên Khánh, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) ngày càng ấm no, đủ đầy trên quê hương mới.

Đời sống ấm no

Năm 2004, thực hiện Chương trình tái định cư công trình thủy điện Tuyên Quang, 188 hộ đồng bào dân tộc thiểu số của xã Trùng Khánh và Vĩnh Yên (Na Hang), về định cư tại xã, tập trung  ở 2 thôn Tân Quang và Yên Khánh.

Dọc các tuyến đường vào thôn, hai bên đường khang trang sạch đẹp, có chỗ được trải bằng bê tông, chỗ được trải nhựa, nhà xây mọc san sát nhau, hàng quán cách khu dân cư không xa, rất thuận tiện cho việc giao lưu, buôn bán.

Thôn Yên Khánh, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) nhiều ngôi nhà xây cao tầng khang trang, sạch đẹp.

Ông Triệu Xuân Quyên, Trưởng thôn Tân Quang nói, thôn có 88 hộ, với 427 nhân khẩu, để giúp các hộ nhanh chóng ổn định cuộc sống, thôn luôn đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến với người dân; vận động, hướng dẫn nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Nhờ chăm chỉ chịu khó học hỏi, nhạy bén trong phát triển kinh tế, thu nhập của người dân ngày càng nâng cao. Thôn có trên 60% hộ thu nhập khá và giàu, toàn thôn còn 15 hộ nghèo.

Gia đình chị Phùng Thị Chiều, thôn Tân Quang, hộ phát triển kinh tế bằng mô hình trồng nấm rơm, mỗi năm cho thu nhập trên 150 triệu đồng. Chị Chiều chia sẻ, về nơi ở mới, các hộ được Nhà nước cấp đất ở, đất sản xuất, được tham gia nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, trong đó có trồng nấm rơm. Năm 2018, chị mạnh dạn xây dựng lán và bắt đầu trồng nấm trên diện tích 200 m2. Nhờ kiên trì, chịu khó học tập, nên trại nấm của chị được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và bán ra thị trường trong tỉnh, các tỉnh lân cận như Phú Thọ, Yên Bái. Trung bình cứ 35 - 45 ngày chị lại xuất bán được 1 tấn nấm với giá trên 35 nghìn đồng/kg; tạo việc làm theo thời vụ cho 2 - 3 người.

Là người dân về tái định cư thôn Yên Khánh, chị Lý Thúy Hòa nói, thu nhập gia đình đã ổn định hơn so với nơi ở cũ. Gia đình phát triển kinh tế bằng mô hình làm xưởng tăm tre và chăn nuôi lợn. Hiện tại xưởng tăm của gia đình tạo việc làm cho 10 lao động ở địa phương với mức lương trên 3 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm gia đình chị có mức thu  gần 200 triệu đồng.

Gia đình chị Phùng Thị Chiều, thôn Tân Quang, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) phát triển kinh tế bằng trồng nấm rơm.

Ngoài ra hai thôn còn nhiều hộ kinh doanh buôn bán hàng tạp hóa, làm máy xay xát, máy nông nghiệp, gần 300 người đi lao động tại các công ty, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, với mức thu nhập bình quân 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Chung sức xây dựng quê hương

Đồng bào di dân tái định cư thôn Tân Quang và Yên Khánh luôn xác định nông thôn mới không chỉ là giải pháp mà chính là sự cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên quê hương mới này. Vì vậy, hơn 18 năm qua bà con hai thôn luôn hiểu rằng, mỗi gia đình phải tự lực, tự cường cùng quyết tâm, chung sức xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Thiện Quyền, Trưởng thôn Yên Khánh cho biết, toàn thôn có 102 hộ, với 499 nhân khẩu, 6 đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Vì vậy, khi triển khai xây dựng đường giao thông dài trên 1,6 km, với kinh phí 1,7 tỷ đồng, trong đó qua thôn 640, Ban Công tác Mặt trận thôn đã tuyên truyền, vận động bà con nhân dân chung tay đóng góp ngày công lao động, tự nguyện dỡ bỏ tường, rào, hành lang giải phóng mặt bằng, sau 15 ngày nhân dân đồng tình giao mặt bằng cho đơn vị thi công hoàn thành tuyến đường sớm theo kế hoạch.  Khi tuyến đường hoàn thành, thôn vận động bà con đóng góp trên 52 triệu đồng, xây dựng tuyến đường hoa với chiều dài 640 m; ủng hộ trên 100 triệu đồng sửa chữa lại nhà văn hóa thôn, làm đường bê tông nội đồng…

Gia đình chị Lý Thúy Hòa, thôn Yên Khánh, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) làm nghề tăm tre.

Anh Phùng Xuân Sơn, thôn Tân Quang phấn khởi nói, có đường lớn, có tiền đề, khi thôn vận động gia đình đóng góp anh nhiệt tình ủng hộ, hơn nữa anh và người dân trong thôn luôn ý thức, tạo dựng cảnh quan môi trường, xanh, sạch, đẹp, trồng nhiều cây hoa, cây cảnh nhằm thu hút mọi người đến thăm quan và trải nghiệm.

Đồng chí Trần Văn Hoàng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết, nhờ các chính sách tái định cư phù hợp của Nhà nước đã tạo điều kiện cho nhân dân tái định cư trên địa bàn xã nói chung, người dân tái định cư thôn Tân Quang và Yên Khánh nói riêng phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Trong nhiều năm qua hai thôn là điểm sáng trong các phong trào, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Qua bình xét năm 2022, cả hai thôn có trên 94% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa, có 3 hộ mua được ô tô, thu nhập bình quân đạt trên 2,4 triệu đồng/ người/tháng…

Cùng sự quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương là động lực, niềm tin để đồng bào tái định cư xã Hoàng Khai (Yên Sơn) đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.   

 Bài, ảnh: Minh Thủy

Tin cùng chuyên mục