Theo thống kê của Sở Nội vụ, toàn tỉnh hiện có 321 cơ sở tín ngưỡng, 31 chùa, thiền viện, mỗi năm thu hút hàng vạn lượt du khách tới tham quan, hành hương, chiêm bái. Tại hầu hết những nơi này đều đặt các hòm công đức, thậm chí tại các đền, chùa lớn còn bố trí nhân viên ngồi ở bàn để tiếp nhận tiền công đức của người dân. Người đến di tích, cơ sở thờ tự dâng lễ, vãn cảnh đền, chùa với tâm niệm “Tâm xuất, Phật độ”, mọi người công đức với niềm tin đón nhận năng lượng sống tích cực, trút bỏ vận hạn.
Trên địa bàn thành phố Tuyên Quang, tại một số nơi như: đền Ỷ La, chùa An Vinh, chùa Trùng Quang, chùa Phổ Linh, chùa Hương Nghiêm, đền Cảnh Xanh, đền Hạ... được xem là một trong những điểm làm tốt, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tiền công đức. Tại những nơi này, tiền công đức được quản lý chặt chẽ bởi Ban quản lý gồm 1 nhóm người. Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, UBND thành phố đã thành lập Ban quản lý di tích lịch sử - văn hóa thành phố nhằm quản lý, sử dụng và phát huy giá trị văn hóa của di tích, các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh.
Tiếp nhận công đức tại đền Cảnh Xanh (TP Tuyên Quang).
Trong số các đền, chùa trên địa bàn, Ban quản lý hiện quản lý 12 điểm với quy chế hoạt động rõ ràng, mọi khoản thu, chi được ghi chép cẩn thận, rõ ràng và được gửi trực tiếp vào tài khoản ngân hàng thương mại. Bên cạnh quản lý tốt nguồn tiền công đức, số tiền cũng được sử dụng vào các mục đích như: tu sửa, nâng cấp kiến trúc, mua trang thiết bị cho từng đền, chùa.
Tuy nhiên, tại một số nơi công tác quản lý tiền công đức còn nhiều khó khăn, chưa khai thác hiệu quả và đầu tư tương ứng với nguồn công đức của nhân dân. Bà Phạm Thị Lý, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sơn Dương cho biết, những năm qua, công tác tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức ở các di tích trên địa bàn huyện đều được thực hiện theo Quyết định 28/2014 QĐ-UBND ngày 20/12/2014 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, dù đã siết chặt thực hiện các quy định tại Quyết định 28 nhưng trong thực tế vẫn tồn tại một số bất cập như: có nhiều đền, chùa tự quản lý và sử dụng, chưa có báo cáo rõ ràng; lại có nơi rất khó khăn trong việc tìm người quản lý, bảo vệ bởi số tiền hỗ trợ hàng tháng dành cho họ quá thấp...
Thông tư số 04/2023/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 19/1/2023 về việc hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đã chính thức có hiệu lực thi hành. Thông tư thể hiện rõ quan điểm tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo; bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.
Thông tư khẳng định, Nhà nước không quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đối với cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Các tổ chức phải mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử. Khi tiếp nhận tiền mặt, cần cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với tiền trong hòm công đức, định kỳ hàng ngày hoặc hàng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận...
Thượng tọa Thích Thanh Phúc, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh cho biết, 5 năm trở lại đây, các chùa trong Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đã huy động quyên góp từ nhân dân, tín đồ phật tử và du khách thập phương hàng chục tỷ đồng để thực hiện công tác xây dựng, tu bổ, trùng tu các cơ sở thờ tự phật giáo. Mọi khoản đóng góp, thu chi đều được công khai, minh bạch, tạo được niềm tin với nhân dân. Thực tế, thông tư 04 được áp dụng sẽ là hành lang pháp lý quan trọng cho các nhà chùa cũng như các cơ sở thờ tự hoạt động thuận lợi, hiệu quả. Từ đó góp phần quản lý minh bạch tiền công đức, tài trợ nhưng không gây cản trở các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng.
Với thông tư mới, việc quản lý và sử dụng tiền công đức, tiền tài trợ tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng sẽ hiệu quả hơn. Từ đó củng cố đức tin cho tín đồ, phật tử, người dân và các tổ chức xã hội trong công đức tiền của để xây dựng, tôn tạo, bảo vệ, phát huy giá trị di tích và lễ hội truyền thống.
Gửi phản hồi
In bài viết