Nông dân dùng mạng xã hội tạo đầu ra cho nông sản

- Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến việc vận chuyển, cung ứng hàng hóa giữa các địa phương. Ứng phó với khó khăn này, nhiều nông dân đã tìm cách đưa nông sản lên mạng xã hội kết nối với người tiêu dùng, giúp giảm các khâu trung gian. Sự nhạy bén trong khai thác lợi thế công nghệ thông tin đã giúp nông dân giải tỏa phần nào áp lực trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

Nhiều nông dân ở các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Đồng Tháp, Bến Tre… vốn chỉ quen với việc chăm sóc vườn, ít tiếp xúc với các kênh bán hàng hiện đại thì nay phải bắt đầu tìm hiểu phương thức bán hàng qua mạng xã hội. Đủ các mặt hàng, từ hoa quả, rau củ đến gia súc… đều được nông dân chụp ảnh, quay video, hay trực tiếp Livestream để bán hàng trên Facebook. Để tạo sự chú ý cho khách hàng, nhiều người còn đầu tư rất lớn về chất lượng bài viết, trau chuốt hình ảnh, video, thậm chí sẵn sàng thuê người viết bài giới thiệu sản phẩm của mình.

Người dân thôn Soi Tiên, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch cam.

Tại tỉnh ta nhiều nông dân cũng bắt nhịp với không gian rộng lớn của mạng xã hội để quảng bá và tìm đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh hỗ trợ tích cực của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thì tự mỗi nhà nông hay các hợp tác xã cũng tự tìm cách “giải cứu” cho nông sản. Tại đây, không chỉ mẫu mã các sản phẩm mà ngay cả các video, clip nuôi trồng, chăm sóc nông sản hoặc thông tin về nguồn gốc cây trồng đều được đưa lên. Thông qua quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, các nhà nông cũng nhận được phản hồi tích cực cũng như góp ý từ khách hàng. Từ đó từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm.

Dịch bệnh bên cạnh tác động tiêu cực của nó thì đây cũng là “cú hích” để phát triển kênh bán hàng qua mạng. Bởi trên thực tế, mạng Internet đã và đang trở thành công cụ đắc lực của người nông dân, đây cũng là bước đi quan trọng trong mục tiêu về nền nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam. Tiếp cận mạng internet, người nông dân tiếp cận kho kiến thức khổng lồ về canh tác, trồng trọt, biết đến những khái niệm như thâm canh theo hướng sinh học, chế phẩm vi sinh... Người nông dân cũng dần thay đổi thói quen “trông trời, trông đất, trông mưa”, làm nông nghiệp theo cách truyền thống hoặc truyền miệng kinh nghiệm… Đồng thời, người nông dân chủ động hơn trong nắm bắt nhu cầu thị trường, giá cả, tránh việc mù mờ thông tin, bị thương lái ép giá. Thông qua mạng xã hội có sự tương tác, góp ý từ đó từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu Nông sản Việt  lên tầm cao mới.

Mai Linh

Tin cùng chuyên mục