Trò chuyện đúng cách với trẻ nhỏ về dịch bệnh Covid-19

- Đại dịch Covid-19 kéo dài đã gần 2 năm, không chỉ người lớn mà trẻ em cũng đang hứng chịu những tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần. Đặc biệt là tổn thương vô hình về tinh thần rất cần được quan tâm. Do đó, người lớn cần có trách nhiệm để các em nhỏ hiểu rõ về dịch bệnh tránh những cảm xúc lo âu, căng thẳng, ảnh hưởng tâm lý.

Gia đình chị Trần Hoàng Oanh, tổ 10, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) vui Tết Trung thu.

Đại dịch đã dẫn đến sự thay đổi đáng kể các thói quen hàng ngày, trẻ nhỏ hiện đang phải gánh chịu những tổn thương về mặt tinh thần mùa Covid-19. Đó là sự tù túng, ít được giao lưu với bạn bè, không được ra ngoài khám phá thế giới, giao tiếp bị giảm khi đeo khẩu trang… Nhiều trẻ em trong đại dịch cũng bị rối loạn lịch sinh hoạt tại nhà, bao gồm tương tác giữa các thành viên trong gia đình và thậm chí cả lịch ngủ. Thêm nữa hàng ngày báo đài, tivi, loa truyền thanh của phường, xã luôn nhắc nhở việc cảnh giác, không ra ngoài, sợ lây nhiễm, sợ đi cách ly... Những bữa cơm gia đình, cuộc trò chuyện của bố mẹ với chủ đề phổ biến là số ca mắc, số ca tử vong thường tái diễn nhiều lần. Tất cả dồn vào tâm trí trẻ khiến trẻ thấy căng thẳng, áp lực.

Các nhà tâm lý học chỉ ra rằng, sự khác biệt giữa trẻ em và người lớn là mức độ hiểu biết và quan điểm sống mà chúng ta sở hữu. Người lớn dễ dàng hiểu rằng dịch bệnh rồi sẽ trôi qua và có những biện pháp để điều chỉnh lại lịch sinh hoạt, giảm bớt căng thẳng. Ngược lại, đối với trẻ em, khoảng thời gian gần 2 năm là một khoảng rất dài so với tuổi, và chúng thường có rất ít khả năng kiểm soát môi trường, kiểm soát những thay đổi đã áp đặt lên bản thân. Do đó, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, sự phát triển trẻ nhỏ.

Vì vậy, trước những thắc mắc của trẻ về dịch bệnh, người lớn hãy động viên, an ủi và diễn tả vấn đề dưới góc nhìn con trẻ. Chúng ta hãy giải thích về Covid-19 một cách hài hước, nhẹ nhàng giống như kể một câu chuyện để trẻ tiếp nhận dễ hơn và lạc quan hơn, đỡ stress hơn. Mỗi bậc cha mẹ, thầy cô hãy trở thành những người bạn gần gũi, giải quyết diễn biến tâm lý thay đổi bất thường của các con. Đồng thời cho trẻ cảm nhận rằng người lớn luôn có trách nhiệm, quan tâm, lắng nghe, và luôn bên cạnh mỗi khi trẻ cần để mang đến cho trẻ nhỏ cảm giác an toàn trong đại dịch toàn cầu.

Mai Linh

Tin cùng chuyên mục