Bác Hồ từng dạy:
“Hiền dữ phải đâu là tính sẵn
Phần nhiều do giáo dục mà nên”
Vào những ngày bắt đầu của một năm học mới, khẩu hiệu “Toàn dân đưa trẻ đến trường” nhắc chúng ta về quyền được đi học của trẻ em. Năm nay, do dịch bệnh thành ra khẩu hiệu này không được mọi người nhắc đến.
Câu chuyện mà tôi muốn trao đổi hôm nay không bắt đầu từ “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” mà xin được ghi lại câu chuyện giáo dục ở Thụy Điển với một ngày “Lễ trưởng thành” dành cho tất cả học sinh tốt nghiệp Phổ thông trung học. Đây là câu chuyện về “Ngày toàn dân đưa trẻ ra trường” và những giá trị bền vững của giáo dục.
Ảnh minh họa.
Ngày lễ trưởng thành
Ngày lễ trưởng thành được tổ chức trên toàn quốc, sau khi tất cả học sinh trung học phổ thông đã nhận bằng tốt nghiệp. Đối với học sinh, trưởng thành nghĩa là lấy bằng tốt nghiệp và lấy bằng lái xe, có thể vào quán mua rượu, đi chơi với bạn gái mà không về nhà… Ngày trưởng thành còn có ý nghĩa “Giã từ tuổi thơ”.
Vào ngày này, các bậc phụ huynh đều có chuẩn bị từ trước về tinh thần và vật chất. Họ sắm cho con một bộ quần áo trang trọng cho ngày lễ trọng đại này. Làm một bữa ăn đặc biệt mời khách, bạn bè, người thân đến liên hoan. Đặc biệt nhất là màn diễu hành bằng xe ô tô các loại. Từng hàng dài xe nối đuôi nhau. Trên xe, nhạc mở to hết cỡ inh ỏi đường phố. Xe con và cả xe tải. Xung quanh thùng xe là những tấm ảnh đáng nhớ trong cuộc đời tuổi thơ của các em. Những tấm ảnh ngộ nghĩnh đánh dấu những chặng đường đời tuổi thơ. Một rừng những tấm ảnh khổ lớn. Cuộc diễu hành có trật tự như con rồng uốn lượn khắp thành phố. Thỉnh thoảng tiếng còi xe cùng lúc rộ lên ầm ĩ. Điều mà ngày thường không hề có.
Triết lý giáo dục bắt đầu từ giáo dục gia đình
Chị Karen là phóng viên kênh truyền hình quốc gia Thụy điển mời chúng tôi đến chơi thăm nhà ở ngoại ô thủ đô Stoc Khôm nhân chuyến công tác đến Thụy Điển. Nhiều năm làm chuyên gia cho tổ chức Cứu trợ trẻ em Thụy điển ở Việt Nam, chị là người thân thiết và gần gũi, vì thế nên bữa ăn tối cùng nhau đã trở thành cuộc thảo luận về những triết lý giáo dục, nhất là về vấn đề giáo dục gia đình của người Thụy Điển.
Chúng tôi đã lên tàu điện ngầm theo sự hướng dẫn và chị Karen đón chúng tôi ở ga tàu điện ngầm rất đúng giờ. Ngôi nhà riêng của chị hơi xa trung tâm thành phố. Một mảnh vườn nhỏ dưới tán cây xanh tốt ríu rít tiếng chim. Những đàn chim đang sà xuống và hót ríu rít. Chị Karen kêu lên: Trời ơi, hạt hướng dương bày ra để đãi khách mà lũ chim đã ăn trước mất rồi. Chị nói rằng ở đây thiên nhiên rất thân thiện, môi trường trong sạch nên chim chóc rất nhiều, chỉ quên một chút là chúng vào phá ngay. Đây cũng là lý do vì sao người Thụy điển thích sống ở ngoại ô, tránh những nơi phố xá đông đúc ồn ào...
Câu chuyện xoay quanh cuộc diễu hành của những học sinh trưởng thành cùng các bậc phụ huynh trên đường phố. Chị nói: “Đối với người dân Thụy Điển thì ngày Lễ trưởng thành là một ngày lễ lớn của mỗi gia đình và của toàn xã hội. Gia đình đưa các em đến trường và gia đình đón các em trở về để giao cho xã hội trong vai trò của một người trưởng thành”.
Ngày này đánh dấu sự trưởng thành khi đã đủ 18 tuổi và được luật pháp công nhận. Tốt nghiệp phổ thông trung học, các em có thể đi học đại học, học nghề hoặc có thể làm việc nếu không muốn học tiếp. Quá trình làm việc rồi sẽ tiếp tục học lên nữa. Quyết định việc này phần lớn đều do định hướng từ gia đình. Đó là ảnh hưởng của các bậc cha mẹ đến con cái trong việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai ngay từ khi bắt đầu đến trường.
Đến thăm nhà chị Karen, chúng tôi thật bất ngờ khi thấy chị ở trong một ngôi nhà kiểu cấp bốn mái lợp chứ không phải biệt thự. Đưa chúng tôi thăm nhà, dừng lại bên một chiếc đài quay đĩa, chị kể về lai lịch của nó và khoe: “Nó được sản xuất từ năm 1966 của thế kỷ trước”. Chị nhẹ nhàng đặt một chiếc đĩa than, những âm thanh ngọt ngào xen lẫn tiếng lạo xạo vang lên.
Điều thứ hai mà chị khoe là một phòng tắm hơi kiểu Thổ Nhĩ Kỳ. Loại phòng tắm ốp gỗ, có máy đun nước nóng và xả hơi nước có mùi hương xả hoặc tinh dầu… Chị nói rằng: sau một ngày lao động vất vả, con người rất cần phải chăm sóc bản thân và lo cho sức khỏe của mình để tiếp tục làm việc.
Rồi chị dẫn chúng tôi đến bên một bức tường có treo một tấm bản đồ nhỏ. Trên tấm bản đồ đó có găm những chiếc đinh ghim có mũ nhỏ bằng những hạt nhựa. Có 4 màu: Xanh, đỏ, tím, vàng và giải thích:
- Màu đỏ là màu của tôi, màu xanh là của ông chồng tôi, màu tím là của con trai và vàng là của con gái chúng tôi. Những điểm có ghim mỗi màu là nơi mà những người trong gia đình đã từng đến. Có chuyến đi chung và những chuyến đi riêng nên màu ở những điểm có khác nhau…
Những chiếc ghim chi chít thể hiện cả gia đình từng đi rất nhiều nơi trên thế giới. Có nơi chỉ có một màu, có nơi có đủ 4 màu. Chị đã từng đi khá nhiều nơi ở Việt Nam. Những điểm có ghim màu đỏ này, có nơi tôi ghim tới 3 - 4 lần trong những năm vừa qua. Hà Nội 4 lần, TP HCM 3 lần, Sapa 1 lần, Hạ Long 2 lần. Chị còn nhớ từng một lần tắm bùn ở Nha Trang và một lần tắm ở suối nước nóng ở Tuyên Quang. Chị nói ấn tượng về những nơi đó và trầm ngâm: Nhiều giá trị vẫn chưa được khai thác.
Điều chị muốn nói với chúng tôi sau khi khoe những món đồ mà chị cho là giá trị nhất trong gia đình là: Có thể với ai đó thì cái đài hay cái phòng tắm, tấm bản đồ chẳng mấy giá trị, nhưng với gia đình của chị với 4 thành viên thì đó là những tài sản vật chất và tinh thần rất có ý nghĩa với cuộc sống của từng thành viên. Mỗi khi họp mặt, cùng nghe một bản nhạc hay, ngắm tấm bản đồ… các thành viên trong gia đình lại nhớ về những kỷ niệm vui vẻ của những chuyến đi xa khám phá thế giới rộng lớn. Trong nhà ai cũng đều hiểu và sống theo những chuẩn mực giá trị mà gia đình mình đã tạo ra.
Những điều mà chị chia sẻ đã làm thay đổi suy nghĩ của chúng tôi về những giá trị bền vững mà gia đình tạo ra. Mọi người, mọi gia đình cùng xây dựng thì sẽ tạo nên những giá trị bền vững cho xã hội. Như câu chuyện về cái nhà mà gia đình bạn ở, về cái xe ô tô mà bạn đi, lối sống thành thị hay ngoại ô … cũng truyền lại cho thế hệ sau.
Nay thì các con chị đã ra ở riêng vì các con trưởng thành không muốn sống cùng cha mẹ sau khi đã đủ 18 tuổi. Chị tin là các con sẽ đem theo những giá trị gia đình ấy trong suốt cuộc đời trưởng thành của mình và còn truyền dạy lối sống, cách nghĩ cho những thế hệ sau nữa.
Những giá trị xã hội bền vững
Thụy điển là một trong số những quốc gia giúp Việt Nam rất nhiều trong chính sách phát triển giáo dục.
Nhiều năm làm việc với tổ chức Radda Barnen, tôi tiếp xúc và quen với chị Britta Ostrom, Trưởng văn phòng đại diện Tổ chức Cứu trợ trẻ em Thụy điển tại Việt Nam. Chị là một trong những tình nguyện viên đầu tiên từng sang Việt Nam từ những năm chiến tranh để học tiếng Việt và hầu như cả đời làm việc cho tổ chức cứu trợ trẻ em. Không thể kể hết những việc chị từng làm cho trẻ em Việt Nam trong những năm chị làm Trưởng văn phòng đại diện ở Việt Nam, nhưng có thể điểm qua những việc mà chị và các đồng nghiệp đã giúp cho ngành giáo dục Việt Nam thay đổi.
Đó là câu chuyện về thay đổi trong chính sách giáo dục cho trẻ khuyết tật để được đi học cùng với trẻ em bình thường ở các lớp học trong trường phổ thông. Trước năm 1992, ở Việt Nam thường dành riêng trường nuôi dạy trẻ khuyết tật. Sau 10 năm, từ 1992 đến 2002, Tổ chức Cứu trợ trẻ em Thụy Điển đã cùng Viện Khoa học giáo dục (Bộ giáo dục) nghiên cứu và đưa vào thử nghiệm mô hình giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật. Từ năm 2002, nhà nước đã mở ngành đào tạo Sư phạm tật học đào tạo giáo viên giảng dạy chuyên biệt cho trẻ khuyết tật và triển khai đại trà mô hình giáo dục hòa nhập. Điều này đã thay đổi lớn trong việc tiếp cận quyền đi học của trẻ em khuyết tật ở Việt Nam. Đó là giá trị bền vững của giáo dục hòa nhập.
Tôi nhớ những lần cùng chị đến các tỉnh, thành phố thực hiện các dự án hỗ trợ trẻ em Việt Nam về giáo dục và truyền thông. Đó là những chuyến đi giúp chị hiểu về Việt Nam và những giá trị của người Việt. Chị luôn có những câu hỏi về thực tiễn giáo dục ở Việt Nam. Đôi khi đó là những câu hỏi khó. Ví như: Những gia đình nghèo thì trẻ em làm sao có tiền để đi học? Tại sao mà một tỉnh miền núi như Tuyên Quang lại là tỉnh miền núi đầu tiên phổ cập giáo dục trung học cơ sở từ những năm 2000? Tôi đã tìm kiếm nhiều tài liệu và giải thích cho chị hiểu thế nào là học bán trú? Bán trú dân nuôi? Thế nào là phổ cập xóa mù chữ? Rồi học sinh, thầy giáo ở miền núi làm gì để chống tái mù chữ?… Chị đã hiểu thêm về những nghị quyết của Đảng từ Trung ương đến địa phương và các biện pháp của chính quyền các cấp về giáo dục để đạt được các mục tiêu giáo dục đã đề ra. Đó là những kết quả lâu dài và tạo nên những giá trị xã hội bền vững và phát triển.
Người Việt Nam giờ đây cũng hiểu và biết quý những giá trị gia đình. Không giống chiếc đài quay đĩa cổ lỗ, chiếc bồn tắm Thổ Nhĩ Kỳ hay chiếc bản đồ du lịch mà có thể là những thứ khác. Nhưng ở đó chứa đựng những giá trị tinh thần toát ra từ văn hóa truyền thống người Việt. Giá trị bền vững của một xã hội không chỉ nhìn thấy ở một ngôi nhà to hay biệt thự nguy nga lộng lẫy mà còn nhìn thấy ở một gia đình có truyền thống. Nó được bắt đầu từ những triết lý trong giáo dục gia đình. Điểm khởi đầu và điểm kết nối của quá trình học tập tiếp thu tri thức và hình thành nhân cách con người. Quá trình đó được giáo dục từ gia đình và được kết nối với xã hội thông qua nhà trường.
Gửi phản hồi
In bài viết