Các vị quan đã được gọi là “công bộc” thì đều sống trong dân và sống như dân như thế, được nhân dân tin tưởng, người đời ca ngợi.
Thời nay, đã có không ít cán bộ, quan chức được dân tin yêu bởi luôn sống trong dân, sống như dân, một đời thanh bạch, hết lòng vì công vụ. Như ở tuyến đầu chống dịch đang có hàng ngàn thầy thuốc tận tụy trong hiểm nguy để cứu người. Như trong những công việc khó khăn nhất đều có cán bộ, đảng viên đứng mũi chịu sào. Mới đây ở xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới, Quảng Bình), bí thư, chủ tịch xã và toàn bộ ủy viên thường vụ Đảng ủy xã trực tiếp đưa người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng vì người thân của người này đang cách ly tập trung, các cơ sở mai táng không hoạt động, hàng xóm và bà con lại lo ngại bị lây nhiễm…
Tuy nhiên, vẫn có không ít cán bộ lãnh đạo, đảng viên sống khác dân. Vì ảo tưởng quyền lực nên vi phạm pháp luật, nhẹ hơn thì “chảnh”, có thái độ không đúng mực với cấp dưới, xa dân. Lại có người chỉ lo vun vén của riêng nhưng lãng phí của công; lo vinh thân phì gia mà suy thoái. Lại có người khi đương chức luôn theo đòi cuộc sống xa hoa, khác dân nên khi về hưu “sốc, choáng”...
Soi lại thì thấy, có triều đại phong kiến vàng son rực rỡ đến mấy trăm năm nhưng suy tàn là bởi có vua quan yếu kém về tài năng, suy đồi về đạo đức. “Binh kiêu tướng thoái, sỹ phu ngoảnh mặt” - sống xa dân, khác dân cũng là 2 trong những nguyên nhân dẫn đến triều đại suy vong.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói nhiều đến lòng tin của người dân với Đảng và Nhà nước, cụ thể là với những người lãnh đạo, quản lý. Người cho rằng, muốn được dân tin Đảng, tin Nhà nước của mình, thì người lãnh đạo và quản lý, trước hết, phải dân chủ với dân, tôn trọng dân như tôn trọng chính bản thân mình.
Chính vì vậy, sống trong dân, sống như dân chính là cách để dân tin, dân quý, dân làm theo.
Gửi phản hồi
In bài viết