5K + Vắc xin + Ý thức
Công nhân Nịnh Thị Huệ thuộc tổ may 1, Công ty May Tuyên Quang đã may mắn được tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19. Không còn phấp phỏng trước mỗi đợt bùng phát dịch, nhưng cũng không chủ quan, trước mỗi ca làm, chị Huệ đều áp dụng nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch mà công ty đã hướng dẫn, quán triệt, như đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay trước khi vào làm việc, giữ khoảng cách an toàn với các đồng nghiệp…
Chị Huệ chỉ là 1 trong 107 công nhân ở nhà máy may thuộc Công ty TNHH LGG Tuyên Quang đã được tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19. Đơn vị này cũng đã có 92 công nhân đã được tiêm mũi 1.
Ông Nguyễn Đăng Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty May Tuyên Quang cho biết, tất cả các đơn hàng đơn vị đã ký kết đến hết tháng 4 năm sau. Thời điểm này, doanh nghiệp chỉ tập trung sản xuất. May mắn là toàn bộ nguồn nguyên liệu, chủ yếu nhập từ 3 thị trường. Trong đó 60% nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, 30% nhập từ Hàn Quốc và 10% là nguồn nguyên liệu trong nước. Đây đều là những nước đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Trong 9 tháng năm 2021, đơn vị đã xuất khẩu 1,2 triệu sản phẩm và dự kiến, 3 tháng cuối năm sẽ xuất khẩu thêm 1,5 triệu sản phẩm nữa. So với năm 2020, lượng hàng sản xuất ra tăng trên 110%.
Một trong những vấn đề đối với Công ty May Tuyên Quang cũng như nhiều doanh nghiệp xuất khẩu khác trên địa bàn tỉnh, là việc ách tắc do lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh. Khắc phục vấn đề này, doanh nghiệp chủ động tiêm vắc xin cho tất cả lái xe của đơn vị, test nhanh và chuẩn bị giấy thông hành đầy đủ. “Đội” chi phí khoảng từ 10 - 15%, nhưng doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra, ưu tiên duy nhất là các đơn hàng được vận chuyển đúng thời hạn. Điều doanh nghiệp mong muốn nhất là giữa các địa phương có sự thống nhất trong vận chuyển, lưu thông để hàng hóa đến được các cảng đúng thời hạn quy định.
Để việc sản xuất tại các nhà máy, doanh nghiệp được lưu thông, ổn định, tỉnh đã dành một quỹ vắc xin ưu tiên tiêm cho các công nhân từ cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm nay. Cùng với nhà máy may của Công ty May Tuyên Quang, tại nhiều nhà máy, doanh nghiệp, vắc xin cũng đã được tiêm cho những công nhân, người lao động thường xuyên di chuyển, có nguy cơ cao. Đã có trên 2.000 công nhân làm việc tại các nhà máy, doanh nghiệp được tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Công nhân Công ty TNHH MTV Seshin VN2 được tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang trong đợt tiêm phòng lần thứ 4 của tỉnh được 500 xuất tiêm trong tổng số hơn 1.000 lao động làm việc tại doanh nghiệp. Chị Hà Anh, công nhân làm việc tại nhà máy cho biết, làm việc trong môi trường đông người, nên khi được tiêm phòng, ai cũng cảm thấy yên tâm hơn. Tiêm vắc xin, thiết lập các quy định đảm bảo an toàn với người lao động và đưa vào hoạt động 10 tổ an toàn Covid-19, Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang cũng xây dựng phương án chống dịch, đảm bảo ngay cả khi bùng phát dịch tại địa phương, nhà máy vẫn duy trì hoạt động bình thường, theo đúng tinh thần của Thủ tướng Chính phủ: Mỗi cơ quan, doanh nghiệp là một pháo đài chống dịch.
Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tận dụng rất tốt lợi thế của một tỉnh “vùng xanh”. Ngoài việc tiêm vắc xin, thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch của Bộ Y tế, nhiều doanh nghiệp chủ động đổi mới, cải tiến máy móc và trang thiết bị, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất và ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị doanh nghiệp, số hóa tài liệu, loại bỏ dần các “văn phòng giấy”… Theo ông Thập, hiện tại gần như 100% các doanh nghiệp trong Hiệp hội đã thực hiện số hóa tài liệu, đảm bảo hoạt động Online thông suốt khi có sự cố và hướng đến doanh nghiệp số, doanh nghiệp điện tử theo đúng tinh thần xây dựng chính quyền điện tử mà tỉnh đang hướng đến.
Sử dụng dịch vụ của nhau
Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến tất cả mọi mặt của đời sống xã hội, Thường trực Hiệp hội đã có văn bản gửi các doanh nghiệp hội viên thực hiện một số giải pháp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trọng tâm là ưu tiên sử dụng các sản phẩm được sản xuất trong tỉnh, thực hiện giảm giá bán hàng nhằm kích thích nhu cầu mua sắm trong nhân dân để tạo đà cho quá trình phát triển mới. Đây là biện pháp tiếp tục cụ thể hóa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các sản phẩm hàng hóa chủ yếu của các doanh nghiệp, hợp tác xã thường xuyên được đăng tải trên Website và nhóm Zalo chung của Hiệp hội, để người dân và các doanh nghiệp, hộ cá thể ưu tiên lựa chọn nhằm hỗ trợ lẫn nhau vượt lên khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Chủ trương này đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân và doanh nghiệp hội viên.
Hội doanh nghiệp Sơn Dương có 48 hội viên. Thuận lợi là các doanh nghiệp sản xuất đa ngành nghề, số lượng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ đa dạng, phong phú đã giúp việc đảm bảo nguồn nguyên vật liệu của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện được ổn định. Theo thống kê của Hội Doanh nghiệp Sơn Dương, việc sử dụng các sản phẩm của nhau giữa các doanh nghiệp giúp giảm chi phí đầu vào từ 5 - 10% tùy vào từng loại dịch vụ hàng hóa. Riêng năm 2020, các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ, sản phẩm trên địa bàn đã tiết kiệm trên 38 tỷ đồng. Trong 3 quý của năm 2021 con số này xấp xỉ 30 tỷ đồng.
Ông Hoàng Thanh Nghệ, Chánh Văn phòng Hội Doanh nghiệp Sơn Dương cho biết, việc ký thỏa ước sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau đã được ký từ nhiều năm nay, nhưng 2 năm trở lại đây lại càng trở nên ý nghĩa, thiết thực. Việc các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau không chỉ góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh của địa phương phát triển, mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc giải phóng hàng tồn kho. Đến thời điểm này, 100% doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã tham gia thực hiện.
Không chỉ tại Sơn Dương, việc ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của nhau cũng được cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hưởng ứng tích cực. Ông Trần Văn Hùng, Phó Giám đốc phụ trách kinh tế - thị trường, Công ty cổ phần Xi măng Tân Quang VVMI cho biết, khi nhiều tỉnh, thành bùng phát dịch Covid-19, việc lưu thông hàng hóa cũng gặp khó khăn, công ty chú trọng khai thác thị trường nội tỉnh, thực hiện liên kết trong tiêu thụ sản phẩm đối với các dự án do tỉnh triển khai như chương trình trình sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn, làm đường bê tông nông thôn, đường nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhà văn hóa. Đây là biện pháp quan trọng vừa góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh, vừa là điều kiện tốt để công ty phát triển trong điều kiện phòng ngừa dịch bệnh.
Công ty TNHH MTV Xây dựng Tuấn Loan (Lâm Bình) cũng ưu tiên dùng các sản phẩm của các doanh nghiệp cung cấp trong huyện, trong tỉnh. Giám đốc Công ty Trần Thị Loan cho biết, may mắn hơn các doanh nghiệp dịch vụ, các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn huyện như doanh nghiệp chị việc đảm bảo công việc vẫn tương đối ổn định. Trong việc lựa chọn đơn vị cung cấp vật liệu cho xây dựng, Tuấn Loan ưu tiên sử dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn để giảm bớt chi phí vận chuyển, lui thời gian thanh toán và thuận tiện hơn trong thực hiện các chế độ hậu mãi.
Tỉnh huy động mọi nguồn lực đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh, doanh nghiệp cũng chủ động thích ứng, không để bị động, không trông chờ vào sự hỗ trợ. Nhờ thế, giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2021 đạt 11.596 tỷ đồng, đạt 73,5% kế hoạch và tăng 26,3% so với cùng kỳ
Gửi phản hồi
In bài viết