Chủ động để thích ứng

- Đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra những tác động lớn tới mọi mặt của đời sống, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân. Chủ động xây dựng kịch bản, giải pháp phù hợp, khả thi thích ứng với bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài là vấn đề đang được nhắc đến nhiều trong thời điểm này, khi mà dịch bệnh COVID-19 đã kéo dài gần 2 năm với những biến thể khác nhau.

Các thông điệp quan trọng của Thủ tướng Chính phủ “Phòng dịch là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; chống dịch phải quyết liệt, dứt điểm”, “Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch; một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất triệu đồng chống dịch và sự mất mát về tinh thần, sức khỏe và tính mạng của người dân” đang được toàn xã hội chia sẻ, lan tỏa và đồng thuận.

Nhìn lại công cuộc phòng chống dịch COVID-19 thời gian qua, có thể thấy các chiến lược, giải pháp của Đảng, Chính phủ đưa ra trong từng thời điểm luôn có sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình. Thông điệp về 5K + vắc xin + công nghệ cùng 4 sớm (phát hiện sớm, xét nghiệm sớm, cách ly sớm và điều trị sớm) và các giải pháp phòng dịch khác đang được thực thi hiệu quả. Từng đợt dịch được đẩy lùi, kiểm soát bằng các giải pháp linh hoạt, quyết liệt, nhận được sự đồng lòng của người dân.

Công nhân làm việc tại Công ty May Tuyên Quang giữ khoảng cách an toàn, đảm bảo hiệu quả phòng chống dịch Covid-19.

Thực tiễn cho thấy, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục kéo dài, chiến lược phòng, chống dịch trong giai đoạn mới cũng phải có sự điều chỉnh cho phù hợp. Xác định các biện pháp phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; đồng thời có các biện pháp cụ thể để tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo đời sống cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, an toàn, an ninh trật tự.

Để thích ứng với bối cảnh của dịch bệnh cùng với các biện pháp của nhà nước, các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp cần có sự chủ động chuyển hướng để sẵn sàng “chung sống” hiệu quả với dịch. Nếu như trước đây khi sản xuất kinh doanh mọi người sẽ nghĩ đến hiệu quả đầu tiên, thì bây giờ phải tính toán song song, vừa hiệu quả, vừa an toàn. Điều này đòi hỏi từng doanh nghiệp phải rất năng động, linh hoạt trong khả năng chống chịu và thích ứng.

Một giải pháp quan trọng nữa là mỗi người “cần phải biết sợ”. Dịch bệnh COVID-19 đang hiện hữu trong cộng đồng, ai cũng có thể bị nhiễm bệnh bất cứ lúc nào. Do vậy, mỗi người phải tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính mình, vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Kể cả khi đã tiêm đủ vắc xin cho 70% dân số, đạt miễn dịch cộng đồng, thì cũng không có nghĩa là không thể nhiễm bệnh, mọi người vẫn phải tuân thủ 5K và các quy định phòng, chống dịch của ngành Y tế.

Chiến dịch vắc xin đang triển khai trên toàn quốc, nhưng cần hơn hết vẫn là “Vắc xin ý thức” của mỗi người dân. Đây có thể coi là một chiến lược quan trọng để duy trì mức độ kiểm soát dịch và phòng, chống dịch có hiệu quả trong thời gian tiếp theo.

Mai Linh

Tin cùng chuyên mục